Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong video mới nhất của Tapchihifi TV.
Sự phổ biến của các hệ thống sử dụng đa loa, cộng với sự hiếm hoi của các bản nhạc đa kênh, đã dẫn đến việc tạo ra các thuật toán giải mã hình thành nên âm thanh 5 hoặc 7 kênh từ các nội dung stereo không được mã hoá. Rất nhiều người sử dụng muốn hệ thống đa kênh của mình có thể hoạt động mọi lúc chứ không phải chỉ khi xem phim. Ngoài ra, bản thân các nội dung stereo không được mã hoá đã chứa sẵn thông tin về hiệu ứng môi trường xung quanh. Các thông tin này có thể trích xuất lại và được tái tạo bằng loa sau để “mở khóa” cho cảm nhận về không gian của bản thu — đôi khi có thể tạo nên hiệu ứng tuyệt đẹp. Vậy, âm thanh đa kênh được tạo từ nguồn nhạc hai kênh như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong video ngày hôm nay nhé.
Trong số các giải pháp dùng để xử lý âm thanh hai kênh thành âm thanh đa kênh, phổ biến nhất là các công nghệ Dolby Pro Logic II, Pro Logic IIx, DTS Neo:6, Logic 7, hay Music Logic. Chúng đều có khả năng tạo tín hiệu để đánh các loa center và surround với nguồn nhạc chỉ có hai kênh duy nhất. Các mạch xử lý này được xem như tiêu chuẩn, xuất hiện cho mọi bộ xử lý âm thanh đa kênh digital, ngoại trừ Logic 7 vì nó chỉ có mặt trên các sản phẩm của Harman International như Harman/Kardon, Lexicon hay JBL.
Một ví dụ khác là công nghệ EARS của NAD Electronics. Bản chất của công nghệ này là đưa các thông tin đồng pha, giống nhau đến loa trái/phải và loa center, trong khi các thông tin liên quan đến hiệu ứng môi trường xung quanh được trích xuất tới các loa đằng sau. Hiệu quả của công nghệ này rất khác nhau tuỳ vào từng bản thu. Có những bản nhạc âm thanh sẽ kém đi sau quá trình xử lý, có những bản thì vẫn y nguyên trong khi một số khác lại rất ấn tượng, với âm thanh không khác gì một bản thu đa kênh đích thực.
Mấu chốt của các thuật toán mã hoá này là trích xuất thông tin liên quan đến môi trường xung quanh, vốn đã có trong bản nhạc và đưa đến các loa phía sau. Các kỹ thuật này hoàn toàn khác với các chế độ xử lý tín hiệu kỹ thuật số DSP trong các bộ AV receiver như Concert Hall, Jazz Club, hay Stadium. Thay vì trích xuất hiệu ứng môi trường xung quanh từ nội dung gốc, các chế độ DSP đó tạo ra âm vang và đưa vào nội dung có sẵn. Nhà sản xuất đã đo các đặc tính âm thanh của phòng hòa nhạc và các địa điểm khác, sau đó đưa vào thuật toán của DSP. Phần lớn chỉ mang tính chất marketing; tuy nhiên, nhiều người mua vẫn chọn AV receiver dựa trên số lượng và sự đa dạng của các chế độ âm thanh surround này. Tất nhiên, điều này đi ngược với giá trị high-end đích thực, vốn chú trọng đến sự trung thực tuyệt đối của âm thanh và nên tránh.
Một trong những thuật toán hiệu quả và giàu nhạc tính nhất, phục vụ cho việc chơi nhạc hai kênh trên nhiều loa cùng lúc có tên là Trifield, thường được tìm thấy ở các sản phẩm của Meridian Audio. Theo hãng, Trifield trích xuất thông tin mono và surround từ bản nhu gốc, sau đó tính toán tín hiệu cho loa trái, phải và trung tâm, sử dụng khác biệt pha và biên độ giữa 3 kênh phía trước để đưa âm thanh tới loa dựa trên nề tảng tần số.
Giải pháp này cải thiện chất âm rõ rệt so với âm thanh stereo truyền thống, vốn chuyển đổi khác biệt giữa tín hiệu từ microphone thành khác biệt về biên độ ở tín hiệu cho loa. Trifield được khuyến khích sử dụng cho các bản thu chất lượng tốt không được áp dụng mã hoá Dolby Surround.
Trifield, vốn được phát triển từ công nghệ Ambisonics, thực chất sử dụng tới 2 thuật toán. Người nghe có thể lựa chọn chỉ nghe các kênh stereo phía trước, hoặc bổ sung thêm hiệu ứng môi trường xung quanh ở các kênh đằng sau. Các bộ xử lý của Meridian cho phép lựa chọn loa ở bên cạnh, đằng sau hoặc cả hai. Hiệu ứng môi trường xung quanh rất nhẹ, do đó người nghe sẽ không chú ý được âm thanh phát ra từ phía sau hay bên cạnh. Thay vào đó, hiệu ứng này khiến cho âm hình phía trước trở nên rộng mở và tách bạch ra so với loa. Chế độ Width cho phép người dùng mở rộng âm trường, giúp yếu tố này rộng mà không tạo cảm giác âm hình bị rỗng ở giữa do có loa center ở ngay giữa âm trường.
Công nghệ Trifield nhìn chung ấn tượng vì nó làm rất tốt việc tập trung âm hình ở giữa âm trường, đem đến điểm ngọt rộng hơn, đồng thời tạo ra âm hình ổn định ở giữa các loa. Hơn nữa, âm hình này không bị lệch về một hướng nếu ta nghiêng đầu đi như khi sử dụng chỉ hai loa.
Tất nhiên, không có gì sai khi tái tạo lại âm thanh chỉ sử dụng hai loa. Các nghiên cứu âm học thời kỳ đầu chỉ sử dụng hai kênh là do tính ứng dụng thực tế cũng như công nghệ của thời đó. Hơn nữa, bản thân từ stereo vốn không có nghĩa là “hai kênh” như nhiều người thường nghĩ. Nó vốn có gốc từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là bền vững, vì hai kênh âm thanh có thể tạo ra được âm hình ba chiều rất chắc chắn ở giữa hai loa.
Sự phát triển của các công nghệ mã hoá đã giúp cho việc tái tạo âm thanh đa kênh từ nguồn nhạc hai kênh trở nên khả thi. Ở thời điểm khi mà các bản nhạc đa kênh đúng nghĩa mới chỉ xuất hiện với số lượng rất hạn chế, đây được xem là những giải pháp đem đến chất lượng âm thanh ấn tượng. Tất nhiên, mức độ hiệu quả của chúng vẫn còn phụ thuộc vào công nghệ được sử dụng cũng như chất lượng bản thu. Hi vọng rằng video ngày hôm nay sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của quý vị và các bạn. Còn giờ, thời lượng của chương trình đã hết. Hẹn gặp lại trong những số tiếp theo của Tapchihifi TV.
Tapchihifi TV