Amphion One12 là một trường hợp kỳ lạ, bởi nó không sở hữu thiết kế giống như bất cứ mẫu loa studio monitor nào khi các mẫu trong dòng One đều là loa thụ động, không dùng DSP.
Thương hiệu Hà Lan Amphion bước chân vào lĩnh vực pro audio chính xác từ năm 2014 với hai mẫu loa One15 và One18. Nhìn chung, với tư cách là một thương hiệu hi-fi, rất khó để nói rằng Amphion là một thương hiệu quen thuộc trong giới studio, nhất là khi thiết kế của họ khá khác thường. Ngày nay, khi mà các hệ thống studio di động trở nên phổ biến, việc sử dụng loa active sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những người có nhiều kinh nghiệm luôn biết cách lựa chọn những mẫu loa có độ trung thực cao, ít bị méo tiếng, và loa của Amphion có vẻ như là một lựa chọn như vậy.
Và khi nói đến yếu tố di động, chúng ta có thể hiểu là nó có thể mang đi mọi lúc mọi nơi, và đó là điều loa passive chưa thể làm được. Tuy nhiên, với Amp100 và Amp500, Amphion đã biến điều không thể trở thành có thể. Đó là lý do vì sao sau khoảng vài năm, One12 cũng đã phần nào phổ biến hơn.
Giới thiệu về Amphion One12
Amphion One12 chính thức ra mắt vào năm 2016, tức hai năm sau ngày Amphion chính thức bước chân vào thị trường pro audio. Đây là cặp loa nhỏ nhất của hãng trong dòng Studio monitor, bên cạnh các mẫu loa One và Two khác. Thiết kế của One12 thực ra rất kinh điển, dễ khiến người nghe liên tưởng đến các mẫu loa hi-fi truyền thống như Helium hay Argon, chỉ khác ở chỗ không nhiều màu sắc bằng, chỉ có một màu hoàn thiện duy nhất.
Là loa studio monitor nearfield, vậy nên kích thước phòng nghe không phải là một vấn đề đối với Amphion One12, bởi lẽ lúc nào loa cũng được đặt ở gần sát người nghe. Bên cạnh đó, kích thước của loa cũng khá nhỏ (259 x 132 x 220 mm), nặng chỉ 6kg mỗi chiếc, khiến cho việc mang đi mọi lúc mọi nơi trở nên dễ dàng hơn. Nếu như tính di động cao là điều mà người nghe quan tâm thì Amphion One chắc chắn sẽ là cặp loa mà người nghe cần phải cân nhắc. Duy chỉ có một điều mà người nghe có thể còn băn khoăn, đó là việc liệu cặp loa có thể đáp ứng tốt cho đáp tuyến các dải trầm hay không, bởi kích thước thùng loa quá nhỏ gọn so với các thùng loa khác.
Chi tiết kỹ thuật
Những ai đã từng quen với thiết kế loa của Amphia sẽ nhận ra rằng chất âm của loa do họ làm sẽ bị tác động khá nhiều vì thùng loa và các yếu tố khác trong thiết kế chứ ít khi do các thiết bị điện tử tích hợp bên trong làm nên. Cũng giống như các mẫu loa cùng dòng, Amphion One12 sở hữu thiết kế passive, không có các tính năng chỉnh tông hay bù phòng nghe, chỉ có duy nhất một phân tần thụ động. Đối với Amphion One12, điểm cắt tần được đặt khá thấp, 1600Hz. Driver tweeter titanium màng vòm 2.5cm được đặt trong lòng một ống dẫn sóng Corian, đủ sâu để đồng pha về mặt thời gian với driver woofer 12cm màng nhôm ở phía dưới.
Thay vì sử dụng lỗ bass phản xạ, các loa của Amphion (One12 cũng không phải ngoại lệ) sở hữu một driver bass thụ động màng nhôm ở ngay đằng sau loa, đối diện với driver woofer. Theo Amphion, việc áp dụng thùng loa kín và bass thụ động sẽ đem đến khả năng kiểm soát nhất quán, đáng tin cậy cho các dải siêu trầm tốt hơn so với thiết kế bass phản xạ. Điều đó cũng góp phần khiến việc tìm vị trí cho loa trong phòng trở nên đơn giản hơn.
One12 có trở kháng 8 Ohm, độ nhạy 84dB ở mức 2.83V/1m. Chiếc loa này sẽ hoạt động tốt với các power-amp có công suất từ 20 đến 100 watt. Đáp tuyến tần số của loa kéo dài từ 78Hz đến 20kHz ±3 dB. Chỉ nhìn qua biểu đồ đáp tuyến tần số cũng có thể các dải từ 78Hz trở xuống suy hao rất nhanh. Tuy nhiên, lý thuyết là một chuyện, khi áp dụng vào thực tế lại là một chuyện khác,
Để thử nghiệm, cặp loa sẽ được phối ghép với hai chiếc Amp100 của Amphion. Ấn tượng đầu tiên mà hệ thống này mang lại chính là việc không có bất cứ điều gì nổi bật cả, không có âm trầm mạnh mẽ, dải cao không sáng leng keng, cũng chẳng có bất cứ chi tiết nào đáng nhớ đến mức lặp đi lặp lại trong đầu.
Đối với loa hi-fi, nhiều người sẽ nghĩ: “Thôi thế là hỏng!” Thế nhưng Amphion One12 không phải là loa hi-fi mà là loa monitor, thế nên thứ mà người nghe đang nghe không phải là tiếng loa mà chính là âm nhạc vốn có của nó. Vậy nên khi nghe, đừng nghĩ đến các yếu tố kỹ thuật của loa mà hãy chú ý xem nhạc mình đang nghe là nhạc gì.
Việc kết hợp ống dẫn sóng với driver bass thụ động vô hình chung đã khiến cho điểm ngọt của loa khá rộng và sâu. Vì thế, không sai khi nói rằng cặp loa này bỏ qua hết các đặc điểm âm học của phòng nghe để từ đó đem đến sự cân bằng đáng nể cho các vùng âm, ngay cả khi người nghe có ngồi lệch hẳn về trái hay phải. Tuy nhiên, người nghe vẫn nên ngồi ở chính giữa hai loa để có thể cảm nhận về âm hình một cách chuẩn xác nhất. Nhìn chung, cặp loa này không đủ sức để biến một căn phòng có chất âm kém hay trở thành một studio chuyên nghiệp, thế nhưng nó vẫn giúp nhiều người nghe trong một phòng có chung cảm nhận cùng một lúc.
Với chất âm rất cân bằng, chúng ta sẽ thấy rằng không có vùng âm nào được nhấn mạnh hay bùng nổ một cách cụ thể. Tuy nhiên, người nghe vẫn sẽ hài lòng bởi sự chi tiết mà nó mang lại thực sự rất ấn tượng. Thậm chí, nếu cần nghe cả những chi tiết sâu nhất, chỉ cần dùng EQ để chỉnh rất nhẹ thôi cũng đã có thể nghe rõ sự khác biệt so với ban đầu rồi. Quan trọng hơn, dù nghe ở mức âm lượng nào, rất lớn, ồn ào hay rất nhẹ nhàng, trải nghiệm của loa vẫn sáng giá như vậy.
Kết luận
One12 là một cặp loa tuyệt vời cho những ai đang có ý định xây dựng một hệ thống studio cỡ nhỏ/di động với mức chi phí khá ấn tượng – 700 đô la. Tuy nhiên, bất cứ ai định sử dụng cặp loa này để nghe nhạc stereo thông thường, trải nghiệm của nó sẽ không thật sự sáng giá bởi thiếu đi yếu tố mà cặp loa đáng ra nên góp vào. Sự chân thực quá mức đôi khi cũng khiến nhiều người cảm thấy không vừa ý, vì thế studio monitor đôi khi không thực sự phù hợp cho việc nghe nhạc stereo và One12 của Amphion chính là minh chứng rất rõ ràng.
Các bạn có thể tham khảo thêm sản phẩm khác
Hướng dẫn lựa chọn loa bookshelf
Bách Diệp