Liệu combo Dragonfly và JitterBug có đủ hấp dẫn để người sử dụng bỏ tiền ra mua?
Dragonfly và JitterBug là gì?
Dragonfly Black và Dragonfly Red là các USB DAC (bộ giải mã tín hiệu kỹ thuật số sang dạng analog), là phiên bản tiếp theo của Dragonfly đời đầu ra mắt vào năm 2012. Đây được xem như là những bộ DAC có kích cỡ nhỏ nhất trên thị trường nhưng vẫn đủ sức đem đến chất lượng âm thanh tuyệt hảo cho các thiết bị laptop và điện thoại di động.
JitterBug là thiết bị lọc nhiễu ồn mới nhất của AudioQuest. Với kích thước còn nhỏ hơn cả Dragonfly, liệu đây có phải là giải pháp tốt nhất để loại bỏ những hạn chế khi sử dụng PC làm nguồn phát nhạc? Trong khuôn khổ bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng khám phá thế giới thiết bị thu nhỏ của AudioQuest.
Dragonfly – “Nhỏ mà có võ”
DragonFly Black là phiên bản nâng cấp và thay thế của DragonFly v1.2, sử dụng chip xử lý DAC 32bit ESS 9010, phù hợp với các thiết bị di động. Trong khi, DragonFly Red là phiên bản cao cấp hơn, được trang bị chip DAC ESS 9016 mang đến chất âm vượt trội hơn so với phiên bản Black. DragonFly Black sử dụng ampli từng được sử dụng trong DrangonFly vl.2, trong khi đó DragonFly Red sở hữu các ampli headphone ESS mới nhất mang đến tín hiệu có tỉ lệ cao, đều đặn và chân thực.
Là phiên bản kế nhiệm của v1.2, DragonFly thế hệ mới cho phép người dùng kết nối với bất kỳ máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh nào và đem đến âm thanh trung thực nhất, với chất âm đầy cảm xúc trong khi bản cũ chỉ có thể tương tác với PC hoặc MAC. Với 1.2 Volts đầu ra, DragonFly Black hỗ trợ tốt các pre-ampli và nhiều loại tai nghe phổ biến. Còn DragonFly Red có thể sử dụng cùng với nhiều sản phẩm hơn nhờ đầu ra 2.1 Volts cho phép dễ tương thích với phạm vi tai nghe rộng hơn. Được đánh giá là “Stars of CES 2016”, Dragonfly mang đến những kết nối mạnh mẽ, truyền tải trọn vẹn ý nghĩa của những bản nhạc và video.
JitterBug – “Kiện tướng mini”
USB lọc nhiễu JitterBug là một chiếc USB nhỏ gọn, có tác dụng loại bỏ nhiễu ồn RFI và EMI từ các nguồn phát âm thanh như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, ổ đĩa NAS,… cũng như từ dòng điện cho cổng USB. JitterBug được trang bị cổng kết nối chuẩn USB 2.0, cung cấp khả năng kết nối trực tiếp tới nhiều nguồn phát. Thêm vào đó, USB cũng giúp cải thiện độ tương phản và tăng độ phân giải cho tín hiệu âm thanh được tiếp nhận. Không chỉ tương thích với Dragonfly, JitterBug còn hoạt động tốt với bất cứ loại DAC nào khác.
Tiến hành kiểm tra
Trong bài kiểm tra Dragonfly và JitterBug, các thiết bị được sử dụng bao gồm điện thoại Google/LG Nexus 5 và Motorola Moto X 2014, một iPad Air và một laptop Lenovo T530 ThinkPad chạy Windows 7. Các mẫu headphone và earphone dùng trong bài test là Etymotic HF3 và Noble 6 cùng Audio Technica AT-H200Z. Các phần mềm gồm có jRiver, Foobar, Tidal, Spotify và Bandcamp cùng các file nhạc chất lượng cao định dạng FLAC, bên cạnh đó, định dạng MP3, M4A và AAC cũng được sử dụng. Album nhạc được dùng trong bài kiểm tra là Vanquish của Two Steps From Hell.
Kiểm tra Dragonfly Black
Ấn tượng đầu tiên mà DAC Dragonfly Black mang lại là cảm giác thỏa mãn, vì nó hoàn toàn xứng đáng với số tiền bỏ ra. Nếu người dùng từng yêu thích Dragonfly v1.2 như thế nào thì họ cũng sẽ yêu thích Dragonfly Black y như vậy, bởi thực chất Dragonfly Black gần như là một chiếc Dragonfly v1.2 đã được nâng cấp, thay chip xử lý 24 bit bằng 32 bit để có âm thanh tốt hơn và có thể chạy cả trên iOS và Android nhưng với giá rẻ hơn hẳn. Với một bản nhạc neo-classic như High C’s, âm tầng, giai điệu của từng nhạc cụ bộ dây và dàn đồng dù rất nhanh nhưng nghe vẫn rõ ràng và bóc tách hơn nhiều so với khi nghe bằng tai nghe thông thường, vocal thậm chí ấn tượng đến mức có thể khiến người nghe phải nổi da gà lên.
So với một DAC giá hơn 500 đô la như Chord Mojo, Dragonfly Black có thể chưa bằng được, nhưng với số tiền 99 đô la bỏ ra thì rõ ràng sản phẩm của AudioQuest đã làm rất tốt công việc của mình. Khi sử dụng Dragonfly trên Nexus 5, người nghe được cảm nhận một trải nghiệm hoàn toàn mới, vượt xa so với những gì mà đôi tai nghe thông thường có thể làm được. Vì thế, đây thực sự là một sản phẩm ấn tượng, một giải pháp hiệu quả cho việc nghe nhạc trên smartphone.
Kiểm tra Dragonfly Red
Cách lắp đặt của Red rất đơn giản, giống như Black, cho nên nhiều người có thể sẽ nghĩ số tiền chênh lệch 100 đô la họ bỏ ra chỉ là để có một chiếc DAC trông ngầu hơn. Thực chất, cải tiến của Red so với Black chỉ có thể nhận ra sau khi nghe thử và so sánh, và cũng phải dựa vào thiết bị đi kèm.Với earphone Etymotic và Noble, Red khiến âm thanh trở nên mượt hơn chút và quãng giữa (từ C4 đến A4) nghe ấm hơn một chút.
Với headphone, kết quả sẽ khác hơn. Red không khiến cho âm lượng to hơn, nhưng nhìn tổng thể thì chất âm rất mượt, rất chắc và rất…đã tai. Khi nghe nhạc trên Nexus bằng headphone Audio Technica AT-H200Z kết hợp với Dragonfly Red, những gì mà bộ đôi này thể hiện vượt quá sức tưởng tượng của người review, đến mức chỉ có thể chăm chú nghe hết bài mà không thể làm gì khác. Cũng cần nhớ rằng Dragonfly đời đầu có giá 199 đô la, phiên bản v1.2 là 149 đô la và cả hai chỉ có thể sử dụng trên MacBook và PC, chất lượng âm thanh cũng không tuyệt hảo như bây giờ. Red và Black chính là minh chứng rõ nhất cho nhận định chất lượng hoàn hảo đang ngày càng được bình dân hóa để có thể đến tay mọi người.
Kiểm tra JitterBug
Dù không mang vẻ ngoài ấn tượng như Dragonfly, JitterBug vẫn làm tốt công việc của mình. Khi cắm lần lượt với Black và Red, người nghe có thể cảm thấy mức nhiễu hạ đi, dù không thật sự rõ rệt nhưng vẫn có thể nhận ra được. Tuy nhiên, chất âm tổng thể có phù hợp với mọi người hay không thì phải xem xét lại. Khi cắm JitterBug với Dragonfly, âm thanh to và rõ hơn chút, âm chất tổng thể có phần dày hơn, gấp hơn và âm nền nổi hơn. Khi không cắm JitterBug, âm từ Dragonfly có phần mượt hơn, chậm hơn nhưng âm nền không nổi bằng.
Kết luận
Rõ ràng, AudioQuest đang ngày càng khẳng định vị thế của mình, vượt qua danh tiếng lâu năm của một nhà sản xuất thiết bị dây với những sản phẩm như Dragonfly và JitterBug. Nếu người nghe nhạc sử dụng điện thoại và earphone, đừng ngần ngại mà chọn Black vì đó sẽ là lựa chọn kinh tế nhất. Nếu dùng headphone, Red sẽ là sản phẩm không thể bỏ qua.
Còn JitterBug thì sao? Với sự đơn giản, nhẹ nhàng mà thiết bị mang lại và khả năng tương thích với mọi loại USB DAC, rõ ràng JitterBug là một thiết bị mà người chơi audio bằng điện thoại hay máy tính nên có trong nhà.
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Lịch sử hình thành hãng AudioQuest đến từ Mỹ | TapChiHiFi TV 05
Henry Anh