AudioQuest NRG-Y3 – Lựa chọn thay thế cho các dây NRG-Y2

Đối với phân khúc sơ nhập – tầm trung, các dây NRG-Y2 luôn là lựa chọn tốt. Nhưng người dùng cũng có thể lựa chọn NRG-Y3 nếu như điều kiện cho phép.

Các sản phẩm của AudioQuest đang tốt lên từng ngày. Đó không phải là một nhận định suông. Khi so sánh với các dây nguồn thế hệ cũ như NRG-X, NRG-2 hay NRG-4 với các dây nguồn mới như NRG-Y2 / Y3 hoặc NRG-Z2 / Z3, người nghe có thể dễ dàng nhận ra rằng hiệu năng trình diễn đã có sự thay đổi rất lớn. Khoảng cách thời gian tầm 6 năm giữa các sản phẩm này dường như đã đem đến cho các dây nguồn thế hệ mới lợi thế không nhỏ về mặt công nghệ.

Vì sao chúng ta lại so sánh về dây nguồn trước? Vì đây là những sản phẩm đầu tiên được Garth Powell – trưởng bộ phận thiết bị điện của AudioQuest áp dụng rất nhiều công nghệ công nghệ độc quyền do ông phát minh ra. Kể từ khi gia nhập AudioQuest vào cuối năm 2012, Garth Powell đã phát triển nhiều công nghệ quan trọng như hệ thống triệt tiêu nhiễu ồn tiếp địa (ground noise dissipation system), đặc tính không trở kháng đặc trưng (Zero characteristic impedance)… Tất cả đều góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sự nguyên vẹn của dòng điện trong hệ thống, từ đó mang lại những màn trình diễn đỉnh cao mà các dây nguồn thế hệ cũ không thể nào có được.

day nguon audioquest nrg y3

Giới thiệu về dây nguồn NRG-Y3

Garth Powell – Giám đốc bộ phận thiết kế thiết bị điện giải thích về tầm quan trọng của nguồn điện như sau: “Khi sở hữu màn hình tốt hơn, ampli tốt hơn và bộ xử lý tốt hơn, người dùng chắc chắn sẽ nghe và thấy được sự khác biệt. Nhưng trải nghiệm sẽ còn tốt hơn nữa nếu như tín hiệu trở nên tốt hơn – tín hiệu bị ảnh hưởng thì trải nghiệm cũng sẽ bị ảnh hưởng, và mọi thứ đều bắt đầu từ nguồn điện. Tất cả mọi thứ có dây cắm nguồn đều bắt đầu từ đây. Một khi nhiễu xâm nhập vào nguồn điện, nếu không chỉ ra được, không loại bỏ được nhiễu và biến nó thành nhiệt, chúng ta sẽ chẳng thể có được những màn trình diễn hay nhất.”

Sau thành công của loạt thiết bị lọc nguồn Niagara và đặc biệt là loạt dây nguồn cao cấp Dragon cùng Storm, AudioQuest đã có một bước tiến mới – đi sâu vào thị trường phổ thông hơn. Loạt dây NRG là đích đến tiếp theo của họ, với NRG-Y2, NRG-Y3, NRG-Z2 và NRG-Z3.

day nguon audioquest nrg y3 black

NRG-Y3 có thể xem như là phiên bản 3 chấu của NRG-Y2, thay thế cho các dòng sản phẩm NRG-X3 và NRG-2 thuộc thế hệ trước của AudioQuest. Với những công nghệ độc quyền được trang bị kể từ khi Garth Powerll làm việc cho hãng, có thể thấy rằng đây là một lựa chọn nâng cấp tuy không đắt đỏ nhưng có thể mang lại sự cải thiện đáng kể cho hệ thống âm thanh.

Chi tiết kỹ thuật

Sở dĩ nói NRG-Y3 là phiên bản dùng giắc 3 chấu của NRG-Y2 là bởi đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai dây này mà người dùng có thể quan sát bằng mắt thường. Dù là một sản phẩm mới nhưng NRG-Y3 vẫn được áp dụng một vài công nghệ đặc trưng, quen thuộc của AudioQuest, đặc biệt là “4 yếu tố” – những điều làm nên sự khác biệt của AudioQuest so với các hãng khác, từng được áp dụng từ cách đây rất nhiều năm.

day nguon audioquest nrg y3 can canh

4 yếu tố mà chúng ta nói đến, trước hết là cấu trúc dây. Phần lớn các dây của AudioQuest đều là dây sợi dẫn rắn dạng lõi đơn, từ các dây tín hiệu, dây loa cho đến dây nguồn. Nguyên nhân chính là để chống lại hiệu ứng bề mặt, một hiệu ứng của dòng điện xoay chiều thường xuất hiện ở các dây dẫn dạng sợi bó sợi. Do tác động của hiệu ứng bề mặt nên mật độ dòng điện sẽ phân bổ ở bề mặt của sợi dẫn, tức vị trí dây dẫn ngoài cùng nhiều hơn so với gần lõi. Trong khi đó, các sợi dây trong bó dây dẫn không phải lúc nào cũng chạy thành một đường thẳng mà có thể đổi vị trí liên tục, điều đó khiến tín hiệu âm thanh từ điểm xuất phát cho đến điểm cuối cùng phải thực hiện khá nhiều “bước nhảy” để luôn bám sát vị trí bề mặt. Quá nhiều lần “nhảy” như vậy sẽ khiến cho tín hiệu không còn được nguyên vẹn như ban đầu nữa, từ đó gây ra hiện tượng méo tín hiệu.

Việc sử dụng các dây có sợi dẫn rắn dạng lõi đơn hiển nhiên giải quyết hiệu quả hiệu ứng bề mặt. Tuy nhiên, chúng vẫn có nhược điểm là khiến sợi dẫn quá cứng, trở nên vướng víu, chiếm nhiều diện tích. Nếu đã từng quen với các dây nguồn như Storm, Dragon hay dây loa Tree, Flat Rock, người dùng sẽ nhận ra rằng các dây này về cơ bản là quá khổ, không hợp với những không gian như phòng khách bởi chúng không thể nào xếp một cách gọn gàng ở sau kệ được.

Đó là lý do vì sao đối với các dây nguồn cấp thấp như Y2 / Y3 hoặc Z2 / Z3, hãng sử dụng cấu trúc Semi Solid Concentric. Bản chất của cấu trúc này thật ra là dạng bó sợi để sợi dây mềm dẻo, linh hoạt hơn, nhưng các sợi dẫn bên trong bó sợi lại có kích thước lớn hơn bình thường rất nhiều, và số lượng cũng rất ít, chỉ có 7 sợi trong khi bó sợi đồng thông thường lên đến hàng trăm sợi nhỏ. Với số lượng sợi ít hơn, các kỹ sư có thể dễ dàng xếp đặt để vị trí của sợi dẫn trong bó sợi không thay đổi. Do đó cấu trúc Semi-Solid Concentric vẫn tỏ ra khá hiệu quả trong việc giảm thiểu hiện tượng méo tiếng do hiệu ứng bề mặt gây ra.

day nguon audioquest nrg y3 dep

Vật liệu làm dây dẫn cũng đóng vai trò rất quan trọng, NRG-Y3 sử dụng đồng LGC (Long Grain Copper), hay còn gọi là đồng hạt dài, Đây là phiên bản cao cấp của OFC với hàm lượng phân tử oxi bên trong thấp hơn hẳn. Bên cạnh đó, do đặc điểm hạt đồng dài nên mỗi foot (0.3m) chỉ có khoảng 300 hạt đồng, thấp hơn đồng siêu nguyên chất 5 lần nên hiện tượng méo tín hiệu cũng khó xảy ra hơn.

Bên cạnh đó, cũng giống như Y2, Y3 được trang bị dây drain wire mạ bạc, có tính điều hướng. Dây drain wire về cơ bản đóng vai trò giống như tiếp địa cho lớp shield bọc chống nhiễu của dây, bởi nó cho phép xuất hiện kết nối liên tục, với điện kháng rất thấp tới lớp shield. Do đó nói dây drain wire thực chất giống như một dây tiếp địa cũng không sai. Bên cạnh đó, dây drain wire của Y3 còn có khả năng loại bỏ nhiễu ồn vì nó có trở kháng tần số vô tuyến (radio frequency response), có thể chuyển các nhiễu từ lớp shiled bọc cho dây nóng và dây nguội về chân tiếp địa của ổ cắm, góp phần làm giảm nhiễu ồn đến hệ thống âm thanh.

Đặc tính không tổng trở đặc trưng trước đây chỉ xuất hiện ở dòng Storm và Dragon nay cũng đã được áp dụng cho dòng phổ thông NRG. Theo lý giải của Garth Powell, tổng trở đặc trưng của dây dẫn chính là yếu tố gây ra nén dòng (current compression). Cho dù trở kháng của dây có thấp đến mấy, tổng trở đặc trưng vẫn có thể khiến tín hiệu không được truyền tải đi một cách nhanh chóng, thậm chí còn cản trở đến các dòng tức thời. Loại bỏ tổng trở đặc trưng của dây nguồn sẽ khiến hiện tượng nén dòng và méo tín hiệu tức thời giảm đi một cách rõ rệt. Nhờ vậy, độ động, các tín hiệu tức thời và năng lượng của dải âm trầm có thể tái hiện một cách mạnh mẽ nhất do dòng điện cho thiết bị nay không còn bị cản trở bởi yếu tố dây nguồn nữa.

Có một điểm khá thú vị, dây nguồn NRG-Y3 có kích thước 16 AWG (tương đương đường kính lõi sợi dẫn 1.3mm). Đối với tiêu chuẩn của các dây hi-end do hãng sản xuất, kích thước này khá nhỏ, chỉ tương đương với các dây Source dùng cho nguồn phát hoặc preamp. Thế  nhưng trên thực tế, với đặc tính không tổng trở đặc trưng, NRG-Y3 vẫn có thể dùng cho cả các power-amp ở các hệ thống thuộc phân khúc thấp hơn.

day nguon audioquest nrg y3 hay

Để thử nghiệm, chúng ta sẽ dùng hệ thống phối ghép loa Focal 706, ampli tích hợp Marantz PM 8006, dây loa AudioQuest William Tell, dây tín hiệu AudioQuest Chicago từ 3.5mm sang RCA, DAC AudioQuest DragonFly Red và nguồn phát laptop MSI, định dạng nhạc FLAC chuẩn audio CD. Dây nguồn được thử nghiệm sẽ là dây OEM đi kèm với ampli và dây AudioQuest NRG-Y3. Bản nhạc được thử nghiệm ở đây là Chevaliers de Sangreal – bản thu của The City of Prague Philharmonic Orchestra. Sở dĩ bản này được sử dụng thay cho bản Live in Prague (2016) và The World of Hans Zimmer (2018) vì bản này sử dụng nhiều nhạc cụ trầm như cello và kèn đồng chứ không tôn violin lên làm chủ đạo, đồng thời chất lượng cũng tốt hơn rất nhiều so với bản gốc.

Chất lượng của bản nhạc khi sử dụng dây OEM có thể nói tốt một cách bất ngờ. Tuy nhiên, người nghe vẫn còn cảm thấy một chút nhiễu và trên thực tế các dải trầm dù mạnh nhưng vẫn còn chút gì đó thiếu đi sự chi tiết. Không thể phủ nhận rằng khi dùng dây OEM người nghe vẫn có thể cảm nhận được sự ấm áp, cảm giác không gian rộng mở cùng âm hình, thế nhưng vẫn còn những chi tiết đáng ra có thể làm tốt hơn. Chẳng hạn, đoạn choir nữ ở cuối bài đúng ra có thể sâu hơn và rõ hơn, tiếng chuông chime ở giữa bài khi dùng dây OEM cũng khá mờ nhạt. Tiếng violin cũng thiếu đi âm sắc và âm hình rõ ràng.

Khi thay dây OEM sang dây NRG-Y3, sự cải thiện được thể hiện một cách rất rõ rệt. Tiếng violin không chỉ rõ hơn, giàu màu sắc hơn mà ngay cả tiếng cello ở đầu bài cũng trở nên tách bạch, rõ ràng hơn chứ không còn bị dính vào với kèn tuba nữa. Và quan trọng hơn, âm trường dường như cũng tối hơn, tĩnh hơn để thể hiện các nhạc cụ một cách hoàn chỉnh hơn, khiến âm hình trở nên rõ ràng hơn.

Kết luận

Sự thay đổi khi chuyển từ dây nguồn OEM sang dây NRG-Y3 rất rõ rệt. Đó là kết quả tất yếu của việc đem đến một nguồn điện tốt hơn cho hệ thống. Và quan trọng hơn, chi phí đầu tư cho sự thay đổi này không quá đắt đỏ. Có thể thấy, nguồn điện cho hệ thống đóng vai trò không nhỏ cho chất lượng âm thanh, và chỉ bằng một sự thay đổi nhỏ như dây nguồn cũng có thể khiến người nghe bất ngờ với những gì nghe được.

Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây

Lựa chọn công suất ampli phù hợp với loa

Bách Diệp