Việc nâng cấp hệ thống âm thanh luôn khiến người dùng phải đau đầu vì lựa chọn khá đa dạng. Vậy tại sao không thử bắt đầu từ thứ cơ bản nhất là nguồn điện?
Dây nguồn đi kèm với một thiết bị không phải lúc nào cũng có chất lượng tốt. Đối với một thiết bị âm thanh cao cấp, dây nguồn sử dụng kèm cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Lớp shield bọc chống nhiễu rất quan trọng, độ tinh khiết của sợi dẫn bên trọng cũng thế, vật liệu làm điện môi, lớp phủ cho đầu jack cắm cũng không nằm ngoài phạm vi này, nhìn chung để làm một dây nguồn tốt cần phải có sự đầu tư kỹ lưỡng. Đó là lý do vì sao ở những hệ thống hi-end, chúng ta hiếm khi thấy những dây nguồn OEM của Trung Quốc mà phần lớn sử dụng dây do nhà sản xuất tự thiết kế hoặc dây nguồn từ một bên thứ ba chuyên về các phụ kiện như vậy.
AudioQuest là thương hiệu Mỹ chuyên về các loại dây cho hệ thống âm thanh. Mức giá của họ đưa ra rất đa dạng, rẻ nhất có thể chỉ vài chục đô la và cao nhất lên đến hàng chục nghìn. Từ những sợi dây có kích thước thanh mảnh, bỏ túi được cho đến những sợi cáp có kích thước đồ sộ, cần phải đặt giá đỡ riêng, tất cả đều có điểm chung là được chế tác rất kỹ lưỡng để có thể đem đến chất lượng trình diễn tốt, ít nhất là trong tầm giá sản phẩm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về NRG-Z2 – một mẫu dây nguồn thuộc phân khúc sơ nhập nhưng ở phạm vi cao cấp hơn so với dây NRG-Y2.
Giới thiệu về AudioQuest NRG-Z2
Kể từ năm 2016, AudioQuest bắt đầu ra mắt thị trường những mẫu dây nguồn thế hệ mới, sử dụng công nghệ Triệt tiêu nhiễu ồn tiếp địa cũng như đặc tính không trở kháng đặc trưng. Bắt đầu từ những mẫu dây thuộc dòng Storm như Thunder, Tornado, Hurricane và Dragon, giờ đây những công nghệ này bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở các dòng sản phẩm cấp thấp hơn. NRG-Y2 / Y3 và NRG-Z2 / Z3, những mẫu dây nguồn mới của năm 2018 cũng nằm trong số đó.
NRG-Z2 là phiên bản sử dụng giắc 2 chấu của dòng NRG-Z, được thiết kế để thay thế cho mẫu dây NRG-2. Đây là một lựa chọn nâng cấp khá hợp lý chuyển từ các dây nguồn thế hệ cũ lên thế hệ mới hoặc nâng cấp nhẹ nhàng từ NRG-Y2. Kích thước khổ dây là 16.5 AWG (tương đương đường kính 1.2mm), so với những mẫu dây cao cấp nhất của AudioQuest là tương đối nhỏ, chỉ có thể dùng làm dây cho các thiết bị không đòi hỏi dòng lớn như nguồn phát hay preamp. Nhưng ở các hệ thống hi-fi, NRG-Z2 vẫn dùng được cho các thiết bị như ampli hay loa tích hợp.
Chi tiết kỹ thuật
Mọi sợi dây cáp, từ dây nguồn cho đến dây loa, dây tín hiệu đều bắt đầu với các sợi dẫn bên trong. Đối với AudioQuest, vật liệu làm sợi dẫn đóng vai trò rất quan trọng. Đó là lý do vì sao thay vì sử dụng đồng OFC giống như các hãng khác, họ nghiên cứu để cho ra những vật liệu còn tốt hơn vậy. NRG-Z2 sử dụng đồng PSC+ (Perfect-Surface Copper +), một phiên bản cao cấp hơn của đồng hạt dài LGC và đồng PSC, sử dụng công nghệ Perfect Surface ở cấp độ cao hơn nhằm tạo ra bề mặt vô cùng nhẵn, mịn, từ đó phần nào hạn chế cản trở dòng điện gây ra méo tín hiệu. Không chỉ vậy, độ tinh khiết của đồng PSC+ cũng cao hơn rất nhiều so với đồng OFHC.
Bên cạnh vật liệu, cấu trúc sợi dẫn cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trước hết, chúng ta cần biết rằng dòng điện xoay chiều thường có một hiện tượng gọi là hiệu ứng bề mặt. Đây là xu hướng phân bố dòng điện xoay chiều trên vật dẫn, sao cho mật độ dòng điện lớn nhất gần bề mặt và giảm dần khi đi sâu hơn vào lõi vật dẫn. Dòng điện chạy chủ yếu ở bề mặt dây dẫn. Rrong khi đó, các dây dẫn phổ biến chủ yếu đều có dạng bó sợi, và vị trí các sợi dọc suốt sợi dây luôn có sự thay đổi. Do luôn phải tìm cách chạy trên bề mặt hoặc gần sát, dòng điện sẽ không còn được như trước, từ đó góp phần làm nên hiện tượng méo tín hiệu thường thấy.
Để giải quyết hiện tượng này, phần lớn các dây của AudioQuest đều sử dụng cấu trúc dạng lõi rắn đơn với một sợi dẫn duy nhất. Tuy nhiên, chúng vẫn có nhược điểm là khiến sợi dẫn quá cứng, trở nên vướng víu, chiếm nhiều diện tích. Nếu đã từng quen với các dây nguồn như Storm hay dây loa Tree, Flat Rock, người dùng sẽ nhận ra rằng các dây này về cơ bản là quá khổ, không hợp với những không gian như phòng khách bởi chúng không thể nào xếp một cách gọn gàng ở sau kệ được.
Đó là lý do vì sao đối với các dây nguồn cấp thấp như Y2 / Y3 hoặc Z2 / Z3, hãng sử dụng cấu trúc Semi Solid Concentric. Bản chất của cấu trúc này thật ra là dạng bó sợi để sợi dây mềm dẻo, linh hoạt hơn, nhưng các sợi dẫn bên trong bó sợi lại có kích thước lớn hơn bình thường rất nhiều, và số lượng cũng rất ít, chỉ có 7 sợi trong khi bó sợi đồng thông thường lên đến hàng trăm sợi nhỏ. Với số lượng sợi ít hơn, các kỹ sư có thể dễ dàng xếp đặt để vị trí của sợi dẫn trong bó sợi không thay đổi. Do đó cấu trúc Semi-Solid Concentric vẫn tỏ ra khá hiệu quả trong việc giảm thiểu hiện tượng méo tiếng do hiệu ứng bề mặt gây ra.
Đặc tính không tổng trở đặc trưng trước đây chỉ xuất hiện ở dòng Storm nay cũng đã được áp dụng cho dòng phổ thông NRG. Theo lý giải của Garth Powell, tổng trở đặc trưng của dây dẫn chính là yếu tố gây ra nén dòng (current compression). Cho dù trở kháng của dây có thấp đến mấy, tổng trở đặc trưng vẫn có thể khiến tín hiệu không được truyền tải đi một cách nhanh chóng, thậm chí còn cản trở đến các dòng tức thời. Loại bỏ tổng trở đặc trưng của dây nguồn sẽ khiến hiện tượng nén dòng và méo tín hiệu tức thời giảm đi một cách rõ rệt. Nhờ vậy, độ động, các tín hiệu tức thời và năng lượng của dải âm trầm có thể tái hiện một cách mạnh mẽ nhất do dòng điện cho thiết bị nay không còn bị cản trở bởi yếu tố dây nguồn nữa.
Tuy không được trang bị công nghệ Ground Noise Dissipation, dây NRG-Z2 vẫn chống được nhiễu ồn khá hiệu quả nhờ vào dây drain wire mạ bạc. Về cơ bản dây drain wire đóng vai trò giống như tiếp địa cho lớp shield bọc chống nhiễu của dây, Nó có khả năng loại bỏ nhiễu ồn vì mang trở kháng tần số vô tuyến (radio frequency response), có thể chuyển các nhiễu từ lớp shiled bọc cho dây nóng và dây nguội về chân tiếp địa của ổ cắm, góp phần làm giảm nhiễu ồn đến hệ thống âm thanh. Vì vậy, dù chỉ có hai chấu cắm nhưng NRG-Z2 cũng có tiếp địa không kém gì giắc ba chấu bình thường.
Nếu đã từng ngạc nhiên bởi việc thay đổi từ dây OEM đi kèm với thiết bị sang dây Y2, người dùng sẽ có cảm giác tương tự khi chuyển từ Y2 sang Z2. Cảm giác đầu tiên chính là mọi thứ trở nên chi tiết hơn, rõ ràng hơn. Tuy âm trường không thay đổi về kích thước nhưng âm hình trở nên hiện hữu hơn nhờ vào một âm nền tối hơn. Do vậy, âm hình trở nên rất thật. Sự thay đổi này tuy nhẹ nhàng, không quá rõ rệt như khi chuyển sang các dây nguồn cao cấp hơn nhưng vẫn có thể nhận ra được, khiến người nghe tin rằng sự nâng cấp này rất đáng để đầu tư.
Kết luận
Việc nâng cấp dây nguồn tuy rất đơn giản, thậm chí tiết kiệm nhưng có thể đem lại hiệu quả không ngờ. Đó là lý do vì sao các hãng dây audio chuyên nghiệp, bên cạnh dây loa và dây tín hiệu cũng cung cấp dây nguồn. Một nguồn điện tốt cấp cho toàn hệ thống đóng vai trò rất quan trọng, và để có được nguồn điện tốt, trước hết đây nguồn cũng phải là loại chất lượng. Và chắc chắn NGR-Z2 sẽ không làm cho người nghe phải thất vọng về chất lượng của mình.
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây
Lịch sử hình thành thương hiệu Tannoy
Thanh Tùng