AudioQuest NRG-Z3 – Sản phẩm cuối cùng trong dòng sơ nhập của AudioQuest

Tuy là sản phẩm sơ nhập, NRG-Z3 thực ra đã mang dáng dấp của một mẫu dây tầm trung. Thậm chí, ở mức giá của mình, NRG-Z3 đã đắt hơn khá nhiều mẫu dây thông thường.

Dây nguồn trong hệ thống âm thanh đóng vai trò quan trọng như thế nào? Nhiều người nghĩ rằng dây nguồn chỉ là một phần trong hệ thống truyền dẫn phức tạp của một hệ thống, bao gồm dây nguồn, dây loa và dây tín hiệu, do đó vai trò của nó không thực sự đáng kể. Tuy nhiên, cần hiểu được rằng dây nguồn chính là những mét dây đầu tiên của hệ thống truyền dẫn, được kết nối trực tiếp tới biến áp nguồn của thiết bị âm thanh. Và quan trọng hơn, vì tất cả các thiết bị đều được cấp chung một nguồn, nhiễu từ thiết bị này có thể truyền sang thiết bị khác thông qua đường dây điện.

Dây nguồn với thiết kế tốt sẽ làm giảm những nhiễu này, đồng thời đảm bảo truyền dẫn dòng điện tức thời một cách trọn vẹn. Do đó, chỉ cần thay thế các dây đi kèm mới với một dây nguồn dành cho thiết bị audio – dù chỉ là loại sơ nhập cung đã có sự thay đổi đáng kể. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem AudioQuest – thương hiệu dây audio của Mỹ đã trang bị như thế nào cho NRG-Z3 để đem đến sự cải thiện bất ngờ cho hệ thống âm thanh.

day nguon audioquest nrg z3 hay

Giới thiệu về AudioQuest NRG-Z3

Sau nhiều năm thành công với dòng dây nguồn sơ nhập, gồm NRG và NRG-X, AudioQuest đã quyết định thay thế chúng bằng những sản phẩm thế hệ mới – NRG-Y và NRG-Z từ năm 2019. Đây là kết quả của việc áp dụng những công nghệ cao cấp từ các dây nguồn trong dòng đầu bảng Storm cho các sản phẩm phân khúc thấp hơn. Kể từ khi gia nhập AudioQuest vào cuối năm 2012, Garth Powell – kỹ sư trưởng của bộ phận thiết bị điện đã phát triển nhiều công nghệ quan trọng như hệ thống triệt tiêu nhiễu ồn tiếp địa (ground noise dissipation system), đặc tính không trở kháng đặc trưng (Zero characteristic impedance) … Tất cả đều góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sự nguyên vẹn của dòng điện trong hệ thống, từ đó mang lại những màn trình diễn đỉnh cao mà các dây nguồn thế hệ cũ không thể nào có được.

NRG-Z3 – mẫu dây 3 chấu cuối cùng trong phân khúc phổ thông được phát triển nhằm thay thế cho NRG-2. Tuy là sản phẩm sơ nhập, NRG-Z3 thực ra đã mang dáng dấp của một mẫu dây tầm trung bởi nó rất khác biệt so với NRG-Y2 / Y3 hay NRG-Z2. Thậm chí, ở mức giá của mình, NRG-Z3 đã đắt hơn khá nhiều mẫu dây thông thường. Do đó, chúng ta có thể xem mẫu dây này như bước nối cho các sản phẩm dây nguồn từ phân khúc phổ thông lên tầm trung.

day nguon audioquest nrg z3 tot

Chi tiết kỹ thuật

Một trong những lý do NRG-Z3 khác NRG-Z2 nằm ở cấu trúc của sợi dẫn. Đối với các dòng sơ nhập, dù rất hiếm hoi nhưng AudioQuest vẫn áp dụng cấu trúc bó sợi Semi-Solid Concentric. Ở NRG-Y2 / Y3 và NRG-Z2, bó sợi dẫn sử dụng những sợi dẫn có kích thước lớn hơn bình thường rất nhiều, và số lượng cũng rất ít, chỉ có 7 sợi trong khi bó sợi đồng thông thường lên đến hàng trăm sợi nhỏ. Với số lượng sợi ít hơn, các kỹ sư có thể dễ dàng xếp đặt để vị trí của sợi dẫn trong bó sợi không thay đổi. Ưu điểm của dạng bó sợi là đảm bảo sự mềm dẻo, linh hoạt, khiến dây nguồn có thể đặt ở những nơi chật hẹp, nhờ thế tủ, kệ thiết bị có thể đặt sát tường chứ không cần cách tường một khoảng nữa.

Tuy nhiên, NRG-Z3 lại tiếp cận theo cách thức truyền thống hơn, đó là sử dụng dây dẫn dạng lõi rắn đơn với một sợi dẫn duy nhất. Tuy không thể linh hoạt, mềm dẻo như sợi dẫn dạng bó sợi, dây dẫn dạng lõi rắn đơn có ưu điểm là hạn chế các tác động tiêu cực của hiệu ứng bề mặt – một xu hướng phân bố dòng điện xoay chiều trên vật dẫn, sao cho mật độ dòng điện lớn nhất gần bề mặt và giảm dần khi đi sâu hơn vào lõi vật dẫn. Cấu trúc dây dẫn này có thể giảm hiệu tượng méo tiếng, giúp cho âm thanh trở nên trung thực hơn do dòng điện luôn được chuyển đi một cách cố định, không cần thực hiện các bước nhảy liên tục để duy trì sự xuất hiện ở bề mặt sợi dẫn.

day nguon audioquest nrg z3 dep

Bên cạnh đó, kim loại làm dây dẫn cũng đóng vai trò quan trọng. Để đảm bảo chất lượng của dòng điện cấp cho thiết bị, thông thường người ta sẽ dùng đồng OFC để làm dây dẫn. Tuy nhiên, đối với NRG-Z3, AudioQuest sử dụng sử dụng đồng PSC (Perfect-Surface Copper), một phiên bản cao cấp hơn của đồng hạt dài LGC và đồng PSC, sử dụng công nghệ Perfect Surface nhằm tạo ra bề mặt vô cùng nhẵn, mịn, từ đó phần nào hạn chế cản trở dòng điện gây ra méo tín hiệu. Để có được bề mặt như vậy, độ tinh khiết của đồng PSC cũng phải cao hơn rất nhiều so với đồng OFHC thông thường.

Đến đây, nhiều người có thể thắc mắc vì sao dây NRG-Z2 dù ở cấp thấp hơn vẫn được dùng đồng PSC+, phiên bản cao cấp hơn của đồng PSC. Đó là vì NRG-Z2 có khổ dây là 16.5 AWG (tương đương với đường kính 1.2mm), trong khi NRG-Z3 có khổ dây 14 AWG (đường kính 1.6mm). Như vậy, có thể thấy NRG-Z3 lớn hơn NRG-Z2 tương đối nhiều, đồng thời cũng phù hợp với các thiết bị đòi hỏi dòng cao như power-amp hay loa tích hợp.

Một trong những đặc điểm cần nhắc đến ở đây là ZERO, theo hãng giải thích là các dây không có trở kháng đặc trưng (characteristic impedance). Do không có trở kháng đặc trưng nên hiện tượng nén dòng (current compression) và méo tín hiệu tức thời gây ra bởi dây loa sẽ giảm đi một cách rõ rệt. Nhờ vậy, độ động, các tín hiệu tức thời và năng lượng của dải âm trầm có thể tái hiện một cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

day nguon audioquest nrg z3 can canh

Bên cạnh đó, NRG-Z3 cũng là mẫu dây duy nhất trong dòng phổ thông được trang bị công nghệ Triệt tiêu nhiễu ồn tiếp địa GND (Ground-Noise Dissipation). Với công nghệ này, các dây có khả năng loại bỏ nhiễu common-mode cũng như nhiễu tần số vô tuyến (do dây tiếp địa lúc này đóng vai trò giống như ăng-ten), đem đến hiệu quả chống nhiễu đáng kể so với công nghệ NDS thông thường.

Để thử nghiệm, chúng ta sẽ dùng hệ thống phối ghép loa Focal 706, ampli tích hợp Marantz PM 8006, dây loa AudioQuest William Tell, dây tín hiệu AudioQuest Chicago từ 3.5mm sang RCA, DAC AudioQuest DragonFly Red và nguồn phát laptop MSI, định dạng nhạc FLAC chuẩn audio CD. Dây nguồn được thử nghiệm sẽ là dây AudioQuest NRG-Y3 và dây AudioQuest NRG-Z3.

Những gì mà NRG-Y3 thể hiện rất ấn tượng. Tuy nhiên, NRG-Z3 cũng ấn tượng không kém. Sự cải thiện mà sợi dây nguồn này đem lại rõ nhất chính là tính sống động và cảm nhận về không gian rất thực tế. Trong Gladiator Medley (Live in Prague – 2017), người nghe có thể cảm thấy tiếng reverb (âm vang) của guitar có sư kết nối với các nhạc cụ khác. Trong khi đó, tiếng organ trở nên giàu âm sắc hơn và có lực đánh hơn. Đây có thể xem như là ví dụ điển hình cho việc thay đổi dây nguồn có tác động đến chất âm như thế nào.

Đối với NRG-Z3, khả năng thể hiện các chi tiết nhỏ, với mức âm lượng thấp cũng rất ấn tượng. Để làm được điều này, trước hết âm nền của hệ thống phải tối, đồng thời mức độ trong suốt trong chất âm cũng cao hơn hẳn so với dây OEM. Do đó, những gì mà người nghe cảm nhận được cũng sẽ rất rõ ràng ngay cả khi chơi với mức âm lượng vừa phải chứ không cần quá lớn.

day nguon audioquest nrg z3

Kết luận

Với dòng NRG-Z nói chung, người nghe đã có trong tay một phương tiện khá hiệu quả để nâng cấp cho hệ thống âm thanh trong khi vẫn đảm bảo được yếu tố ngân sách. Tuy rằng từ NRG-Y3 lên NRG-Z3 không quá nhiều thay đổi, người dùng vẫn có thể hưởng lợi từ những nâng cấp mà việc thay dây nguồn mang lại. Và chắc chắn, với những người quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất trong phần trình diễn của hệ thống, họ sẽ vui lòng chấp nhận điều này.

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Aurora và Linea – Ampli chủ lực của Viva Audio

Thanh Tùng