AV receiver Marantz SR 6015

Trong phân khúc tầm trung, ampli Marantz SR 6015 là một lựa chọn phù hợp để xây dựng một hệ thống âm thanh đa kênh với mức giá vừa phải.

Marantz SR 6015

Trong năm 2020, Marantz đã làm mới lại tất cả các ampli xem phim của họ, từ phiên bản cỡ nhỏ NR1711 cho đến cỗ máy SR8015 với 11 kênh, công suất lên đến 140 watt mỗi kênh. Ampli Marantz SR6015 là một cỗ máy thuộc phân khúc tầm trung, với mức giá rơi vào khoảng 1600 đô la. Dù vậy, đây vẫn là một thiết bị với đầy đủ chức năng cần thiết cho một hệ thống rạp hát tại gia cao cấp. Có rất ít lý do để phàn nàn về cỗ máy này khi xét đến mọi yếu tố như công nghệ, thiết kế hay hiệu năng. Với mạch HDAM nổi tiếng của Marantz, chất lượng trình diễn của SR6015 luôn ở mức tuyệt hảo, dễ dàng thu phục bất cứ người sử dụng nào.

Thiết kế ampli Marantz SR6015

Bất cứ ai đã quen với sản phẩm của Marantz từ 10 năm trở lại đây sẽ thấy ngoại hình của SR6015 không thay đổi chút nào so với các thế hệ tiền nhiệm. Phần mặt trước được làm đơn giản nhưng khá tinh tế, với những đường nét uốn cong ở hai bên, kết hợp với hai núm xoay lớn và ở chính giữa luôn là một màn hình tròn với kích thước tương đối nhỏ. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả vì phía dưới màn hình là một khay phụ nhỏ che đi các nút điều khiển khác. Bên trong khay phụ này có tổng cộng 9 nút chức năng có nhiệm vụ như thay đổi thông tin hiển thị trên màn hìnhchuyển chế độ âm thanh hay điều khiển Zone 2. Dưới các nút này là một loạ các cổng kết nối, đầu vào cho micro cân chỉnh Audyssey, một cổng USB, jack headphone và bộ jack AUX đỏ trắng vàng dành cho các thiết bị phát video thế hệ cũ. Đây có lẽ là điều Marantz nên xem xét lại, vì bộ cổng AUX này có thể thay thế bằng HDMI.

Điều tiếp theo cần lưu ý là màn hình hiển thị. Ở những mẫu máy lớn hơn, màn hình tròn sẽ được thay thế bằng màn hình chữ nhật với hai dòng hiển thị khá đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, ở SR6015, màn hình tròn chỉ cho ta biết tên nguồn phát tín hiệu và mức âm lượng. Đối với một cỗ máy trong tầm giá này, việc không thể tiếp cận toàn bộ thông tin hay quan sát việc chỉnh thiết lập trên màn hình chính là điều hơi thiếu sót. Marantz giải quyết vấn đề này bằng việc cung cấp các thông tin nói trên qua màn hình TV. Ngoài ra, trong trường hợp người dùng sử dụng tính năng ARC, tức chỉ có tín hiệu âm thanh đi qua receiver chứ không có tín hiệu hình ảnh, họ có thể tải app điều khiển Marantz AVR về. App này sẽ cung cấp mọi thông tin cũng như cho phép người dùng tiếp cận đầy đủ hệ thống điều khiển thiết bị, chẳng hạn như chuyển cổng đầu vào hay chỉnh mức âm lượng riêng cho từng kênh.

Marantz SR 6015 sau

Cũng giống như các AV receiver khác của Marantz, SR6015 được trang bị khá đa dạng chủng loại các cổng kết nối. Thiết bị cung cấp 6 cổng đầu vào HDMI 2.0 thông thường và một cổng HDMI 2.1, hỗ trợ định dạng video 8K / 60Hz và 4K / 120Hz. Có tổng cộng 3 cổng HDMI đầu ra, 2 cho phòng chính và một cho vùng zone 2. Kết nối analog cho video vẫn có đầy đủ ở các dạng composite và YUV, dù rằng giờ đây các thiết bị này không còn phổ biến như trước nữa. Ngoài ra, ampli Marantz SR6015 có 4 cổng đầu vào audio digital, 8 cổng đầu vào audio analog trong đó có cả cổng phono cho mâm đĩa than và bộ cổng 7.1. Cổng đầu ra pre-out cho phép người dùng xây dựng hệ thống 7.2.4 một cách dễ dàng. Kết nối không dây có thể thực hiện thông qua Wi-Fi hoặc Bluetooth. Ngoài ra, cỗ máy này cũng là một phần của hệ sinh thái HEOS. Cuối cùng, Marantz SR6015 có 9 kênh khuếch đại riêng, với công suất 110 watt/kênh ở trở kháng 8 Ohm, đủ để phối ghép với hầu hết các dòng loa dùng cho mục đích xem phim trên thị trường hiện nay.

Một trong những điểm cộng lớn nhất của chiếc AV receiver này chính là phần hướng dẫn lắp đặt cực kỳ dễ hiểu. Tất cả các bước cần làm đều được chiếu trên màn hình, Sau khi đấu dây cho loa là kết nối mạng, thiết lập cho từng loại nguồn phát tín hiệu và cuối cùng là cân chỉnh hệ thống thông qua phần mềm Audyssey MultEQ XT32. Dù chỉ là cân chỉnh tự động, hiệu quả âm học mà nó đem lại vẫn có sự cải thiện rõ rệt so với khi chưa cân chỉnh.

Marantz SR 6015 trong

Các yếu tố làm nên thành công của Marantz cũng được hãng trang bị cho SR6015. Chúng ta có thể kể đến một vài yếu tố như chip DAC AKM AK4458 32-bit cho phép hỗ trợ định dạng PCM 24-bit/192kHz và DSD128. Ngoài ra, còn có công nghệ mạch HDAM sử dụng hồi tiếp dòng để đem đến chất âm tối ưu nhất. Cỗ máy 12.8kg này cũng được trang bị mạch nguồn khá ấn tượng, với biến áp nguồn xuyến ngoại cỡ.

Ampli Marantz SR6015 có thể giải mã được các định dạng Dolby Atmos, DTS: X và IMAX Enhanced. Các công nghệ cao cấp như Dolby Surround, DTS Neural: X hay Dolby Height Virtualizer và DTS Virtual: X cũng được trang bị. Bất kể định dạng audio nào hay số lượng loa trong hệ thống có thay đổi ra sao cũng đều được cỗ máy này xử lý một cách hiệu quả. Về mảng HDMI, bên cạnh việc hỗ trợ các định dạng có độ phân giải 8K, cỗ máy cũng được trang bị đầy đủ các phiên bản của công nghệ HDR để đảm bảo chất lượng hình ảnh sắc nét nhất, có thể kể ra một số như HLG, HDR10, HDR10 + hay Dolby Vision.

Trải nghiệm

Marantz SR6015 được thử nghiệm với hệ thống loa Pylon Opal, sử dụng 2 loa Pylon Pearl Sub để tạo thành hệ thống 5.1.4. Ở những lần nghe thử đầu tiên, khi chưa thực hiện cân chỉnh, ta đã có thể cảm nhận được một chất âm khá dễ nghe. Dù cho mục đích sử dụng là để xem phim đa kênh hay nghe nhạc stereo, SR6015 vẫn đủ khả năng để kiểm soát tất cả mọi thứ. Chất âm của nó không thiên về bất cứ dải âm nào mà ngược lại, khá trung tính. Âm sắc của hệ thống khá cân bằng trong khi âm trường tương đối rộng, dù có hơi lùi một chút ra phía sau loa. Sau khi tiến hành cân chỉnh bằng phần mềm Audyssey MultEQ XT32, chất âm hệ thống có sự thay đổi rõ rệt. Subwoofer trở nên hài hoà hơn, kết hợp cùng hệ thống tốt hơn, thể hiện chất âm bass khá sâu và dày. Quan trọng hơn, quá trình tinh chỉnh này được thực hiện tự động thay vì dùng phương pháp đo đạc thủ công.

Các hiệu ứng âm thanh bao quanh người nghe được tái hiện rất chân thực, khiến người nghe có cảm giác như chính họ cũng xuất hiện trong phân cảnh hành động. Loa trung tâm thể hiện các đoạn hội thoại rất rõ ràng, dù rằng vị trí của loa là ở dưới TV. Chẳng hạn, trong phim Jumanji: Next Level, người nghe sẽ được đưa đến nhiều địa điểm khác nhau nhờ vào sự chuyển đổi rõ rệt của hiệu ứng xung quanh, từ tiếng lá xào xạc trong khu rừng cho tới tiếng gió thổi ở sa mạc. Các hiệu ứng này được tái hiện một cách rất chân thực và được đặt vị trí khá ổn trong phòng nghe. Chuyển động của vật thể cũng rất tự nhiên, thể hiện được sức nặng cũng như độ hiện hữu. Nhờ vào đôi loa subwoofer nên những phân cảnh cần có dải trầm như tiếng nổ hay tiếng sấm khá uy lực, có đủ sức nặng. Những hiệu ứng như vang âm hay độ trễ đều có sự kiểm soát rất tốt.

Marantz SR 6015 dep

Đối với các tính năng virtualization, sự hữu dụng của chúng khiến người nghe cảm thấy khá băn khoăn bởi tuỳ nội dung mà nó có thể hoặc ấn tượng, hoặc là rất tệ. Với hệ thống này, khi xem phim dù ở định dạng Dolby hay DTS, các công nghệ này hoạt động khá ổn. Thế nhưng chúng thiếu mất hiệu ứng về khoảng cách, từ đó tạo ra hiệu ứng echo giữa loa chính và loa surround, khiến giọng vocal hơi nghẹt một chút, đặc biệt là khi sử dụng Dolby Surround. Nếu chuyển sang Neural: X, hiện tượng này sẽ biến mất nhưng chất âm không sôi động bằng.

Kết luận

Ampli Marantz SR6015 là một ampli xem phim với chất lượng khá tốt. Nó có thể thoả mãn nhu cầu của bất cứ ai đang muốn tìm kiếm một thiết bị hiện đại, phục vụ tốt cho cả phim ảnh cũng như âm nhạc. Đây chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của những AV receiver như Denon X4700H, Onkyo TX-NR797 hay Pioneer VSX-LX503. Tuy vẫn còn một chút nhược điểm ở công nghệ virtualization hay thiết kế màn hình, những điều đó không ảnh hưởng quá nặng đến trải nghiệm, khiến đây vẫn là cỗ máy đáng để thử khi muốn xây dựng một hệ thống xem phim chất lượng.

Nguyễn Hào

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Tìm hiểu về ampli tích hợp