Thập niên 30 là một giai đoạn quan trọng, khi mà rất nhiều công nghệ được phát triển trong thời kỳ này vẫn có ảnh hưởng lâu dài về sau.
Những tiến bộ lớn nhất trong thập niên 30 đều đến từ điện ảnh, một ngành rất đặc biệt vì ở đó người ta có thể dựng nên một hệ thống âm thanh hoàn chỉnh theo đúng ý mình. Các studio của Hollywood đều có đóng góp cho ngành lĩnh vực này vì mỗi studio lại có chuỗi rạp hát của riêng mình. Điều này đồng nghĩa với việc studio kiểm soát tất cả mọi thứ, từ diễn viên cho đến các dụng cụ như micro, trường quay và nhiều thứ khác. Với đặc thù như vậy, điện ảnh không bị bó buộc vào hạn chế của radio thương mại, các bản thu thông thường hay các thiết bị điện tử hạng phổ thông. Mỗi studio có quyền kiểm soát trực tiếp công nghệ, diễn xuất cũng như trải nghiệm để phim ảnh trở nên chân thực nhất có thể.
Các nhà sản xuất và đạo diễn chẳng mất nhiều thời gian đã nhận ra rằng âm thanh chính là linh hồn của một bộ phim, truyền tải cảm xúc một cách mạnh mẽ thông qua âm nhạc, là một phần quan trọng không kém gì thoại và hình ảnh, từ đó khiến cho các phim có tiếng dần dần đè bẹp phim câm. Phim có tiếng loại bỏ hoàn toàn phần chữ, thay vào đó đem đến âm nhạc cũng như các hiệu ứng âm thanh, khiến cho tác động của bộ phim đến khán giả trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.
Các quan điểm phê bình phim có tiếng thời kỳ đầu chủ yếu tập trung vào việc chuyển động camera không còn thật sự tự do giống như đầu thập niên 30 nữa. Tuy nhiên, nhiều người quên mất rằng ở thời điểm này, nhà sản xuất và đạo diễn đã đưa phim ảnh lên một cảnh giới mới với thoại trực tiếp và âm nhạc, một sự thay đổi đem đến hình thức diễn xuất tinh tế và gần gũi hơn, chưa kể âm nhạc còn phản ánh cảm xúc bên trong của các nhân vật một cách sâu sắc và trực quan hơn. Sau gần tám mươi năm, chúng ta coi điều này là đương nhiên, nhưng sự kết hợp giữa âm thanh và phim đã tạo nên một phương diện mới đầy bất ngờ, khác biệt hoàn toàn so với âm nhạc trong các bản thu âm và phim câm.
Giới điện ảnh cũng nhanh chóng âm thanh càng trung thực bao nhiêu (bằng cách sử dụng quang âm (optical sound), ampli và loa chất lượng tốt hơn), hiệu quả cảm xúc càng trở nên sâu sắc bấy nhiêu. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, chất lượng âm thanh trở thành một công cụ đắc lực, thu hút lợi nhuận từ phòng vé cho dù khán giả hay các nhà phê bình chưa hề có chủ định để ý đến nó.
Cả Western Electric (bộ phận sản xuất và nghiên cứu – phát triển của Bell Telephone System) và RCA/NBC cùng cạnh tranh để thiết kế nên những hệ thống với chất lượng âm thanh cao nhất có thể. Giai đoạn thập niên 30, âm thanh phim ảnh là xương sống của cả ngành công nghiệp thiết bị điện tử. Không giống như Microsoft ngày nay gần như độc quyền hùng bá cả một ngành công nghiệp máy tính khi không có bất cứ đối thủ nào đáng kể, RCA và Bell Telephone là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực điện ảnh. Đội ngũ kỹ sư của cả hai bên liên tiếp đưa ra các giải pháp để có thể vượt qua được đối phương với tốc độ rất chóng mặt.
Không sai khi nói rằng chỉ trong 10 năm ngắn ngủi, gốc rễ của ngành công nghiệp audio hi-fi đã được hình thành. Giữa năm 1929 và 1939, thế giới đã được chứng kiến những bước chuyển mình sau:
Năm 1936, Major Armstrong và FM Network lần đầu giới thiệu khả năng truyền tín hiệu đường dài chất lượng cao sử dụng các bộ phát sóng, bộ mở rộng (repeater) và bộ thu thuần công nghệ FM hoàn toàn. Đây cũng là buổi trình diễn thương mại đầu tiên trước công chúng chất lượng âm thanh cao cấp, với độ méo tiếng thấp, băng thông rộng.
Yankee FM Network cùng các chi nhánh trên toàn quốc đem đến cho công chúng cơ hội đầu tiên được hàng ngày trải nghiệm âm thanh với tần số đầy đủ, độ động lớn và độ méo thấp. Các lựa chọn thay thế duy nhất là các đĩa shellac 78 vòng / phút với độ nhiễu ồn lớn, radio AM băng thông thấp với các rơle liên băng thông hạn chế và các bản soundtrack quang âm với hiệu năng khá khiêm tốn. Mạng lưới của Armstrong là hệ thống hoàn chỉnh đầu tiên với chất lượng âm thanh hi-fi đúng nghĩa, đưa chất lượng này ra khỏi phòng thí nghiệm và đến với công chúng công chúng. Hệ thống Armstrong FM băng tần thấp, công suất cao tiếp tục phát sóng cho đến năm 1945, khi FCC chuyển phổ FM sang tần số hiện tại là từ 88 đến 108 MHz.
Trong năm 1940, các buổi trình diễn hệ thống âm thanh stereo với hai và ba kênh đường tiếng được thực hiện bởi RCA, Western Electric, và Alan Blumlein. Bộ phim đầu tiên sử dụng soundtrack đa kênh là Fantasia do Walt Disney sản xuất.
Alan Blumlein tiếp tục phát minh, đăng ký sáng chế và tạo ra toàn bộ chuỗi tín hiệu âm thanh stereo, với micro figure-8 đối cặp, phù hợp với các thiết bị điện tử có độ méo thấp, đầu cắt đĩa MC 45-45 phản hồi chuyển động, kim phono MC 45-45, các bản soundtrack stereo quang âm và loa stereo ghép theo cặp. (Blumlein cũng đã phân tích và tìm ra cách để tránh hiện tượng điện dung Miller và phát minh ra mạch vi sai cặp mở rộng.)
Micro toàn dải với độ méo tiếng thấp, phono pickup, ampli và các hệ thống loa đều do Western Electric, RCA, Decca, EMI và một vài thương hiệu khác cung cấp. Những thiết bị tân tiến nhất đều được sử dụng để ghi lại lời của các radio show (thông qua băng master acetate 16 và 33 vòng / phút) cũng như dùng cho các hệ thống radio cao cấp.
Cũng trong thời gian này, các kỹ sư còn phân tích và mô hình hóa đặc tính điện âm học của micro. Các phát minh như đầu cắt đĩa MC, điều biến quang cho soundtrack phim, phono pickup, loa tỏa âm trực tiếp và họng kèn cho rạp hát cũng được nghiên cứu và ứng dụng sâu hơn.
(Hết kỳ 1)
Biên niên sử Hi-Fi: 1930 – 1940 (phần 2)
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây
Giới thiệu dòng loa Pylon Audio Sapphire
Nguyễn Hào