Ở thời điểm này, Acoustic Research và KLH xuất hiện, mở ra thời kỳ cho những cặp loa bookshelf với kích thước nhỏ. Bên cạnh đó, những mẫu loa tĩnh điện của KLH cũng đã chứng tỏ được vị trí của mình.
Quay trở lại với lĩnh vực hi-fi, thời điểm khi mà cả công nghệ cũng như xã hội đều có những thay đổi đáng kể là lúc tốt nhất để chuyển mình từ âm thanh mono sang âm thanh stereo. Năm 1958, những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ngành thu âm cùng gặp nhau ở Los Angeles để quyết định xem trong ba hệ thống mono, stereo và đa kênh, đâu sẽ tiêu chuẩn chung cho toàn thế giới. Và thực tế họ đã có một quyết định đúng đắn. Hệ thống stereo Westrex 45-45 trở thành tiêu chuẩn trên toàn thế giới, áp dụng cho các bản ghi 33 và 45 vòng / phút. Chỉ chưa đến hai năm sau, hầu như bản nhạc nào cũng được thu âm dưới dạng stereo và mono.
Khi stereo dần dần thay thế cho mono, những mẫu loa họng kèn lớn và những mẫu loa với thiết kế thùng loa vô hạn của đầu thập niên 50 bắt đầu không còn được ưa chuộng nữa. Sở hữu một chiếc loa lớn để trong góc phòng kể cũng ổn, nó không khác gì như có một cây grand piano trong nhà cả. Thế nhưng hai chiếc như vậy, cộng với hệ thống phối ghép đi kèm lại là chuyện khác.
Sự xuất hiện của âm thanh stereo đã khiến loa bookshelf (gọi như vậy là bởi ngày xưa nó thường được trưng bày và quảng cáo rằng có ưu thế nhỏ gọn, đặt vừa vào kệ sách trong thư viện) từ một sản phẩm ít người biết đến trở thành một thiết bị mang tính đại chúng của ngành công nghiệp hi-fi. Acoustic Research là đơn vị tiên phong cho việc sử dụng hệ treo âm học, với mẫu loa AR-1 năm 1954. Thời gian trôi qua, những mẫu loa AR-2, AR-3 và AR-4 tiếp tục ra đời. Henry Kloss, một trong những đồng sáng lập của Acoustic Research thành lập thương hiệu KLH và làm ra những cặp loa khiến nhiều người gợi nhớ đến dòng loa AR ban đầu.
Không phải chỉ kích thước nhỏ là yếu tố duy nhất khiến loa bookshelf thành công. Các loa AR và KLH đều có đáp tuyến tần số phẳng hơn so với các mẫu loa lớn hơn, đồng thời thùng loa nhỏ cũng chắc chắn hơn nhiều so với các thùng loa cỡ lớn được làm từ ván gỗ ép khá mỏng manh. Mặc dù các mẫu loa lớn có độ động và lực đánh ra lớn hơn, nhưng AR và KLH có độ lên màu âm thanh thấp hơn hẳn, chính thức phổ biến khái niệm âm thanh chính xác đến với đại chúng. Ở Bắc Mỹ và Anh, những mẫu loa nhỏ gọn, độ nhạy thấp được xem như là biểu tượng của hi-fi đúng nghĩa, trong khi các mẫu loa họng kèn lớn bị xem như là cổ lỗ, không còn hợp thời. Tuy nhiên, ở lục địa Châu Âu và Nhật Bản, những chiếc loa lớn không bao giờ bị mất đi, vì audiophile ở những thị trường này coi trọng độ động và méo tiếng thấp hơn là đáp tuyến tần số phẳng và “độ chính xác” theo quan điểm của Anh – Mỹ.
Cùng thời điểm AR và KLH gây được tiếng vang lớn ở Bắc Mỹ, BBC đã đặt ra nền tảng của thiết kế loa hiện đại bằng cách phát hiện và đo được “cộng hưởng trễ” vốn không thể đo được nếu dùng các phương pháp đo quét tần số thông thường, cuối cùng dẫn đến các công nghệ FFT và MLS được sử dụng ngày nay. Mặc dù phải mất nhiều thập kỷ, kỹ thuật đo cộng hưởng trễ cuối cùng cũng góp phần tạo nên những mẫu loa điện động thông thường có thể cạnh tranh được với mẫu loa tiên tiến nhất của thập niên 50: Loa tĩnh điện của QUAD.
Mẫu loa tĩnh điện đầu tiên của QUAD (viết tắt là ESL57 hoặc ELS57) là một trong số rất ít những mẫu loa có chất âm “hiện đại”, thậm chí là tân tiến cho đến tận ngày hôm nay. Ngay cả khi đặt ra những điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe nhất, loa QUAD vẫn rất tuyệt vời vì có khả năng đáp ứng các dải âm tức thời rất tuyệt vời, với sóng vuông gần như hoàn hảo, cũng như độ méo thấp đáng kinh ngạc. Rất ít loa hiện đại kết hợp được hai yếu tố đáp ứng tức thời với độ méo thấp; hầu hết các loa, như bây giờ buộc người mua phải chọn hoặc độ méo rất thấp (loa họng kèn và studio monitor), hoặc đáp ứng tức thời tuyệt vời (loa audiophile với pha tuyến tính).
Khi độ nhạy của loa “bookshelf” giảm, công suất ampli phải tăng lên để bù lại. Từ 15 watt của các bóng đèn KT66 / 6L6 Williamson, chúng ta có 35 watt của bóng công suất EL34 và 60 watt của bóng KT88 / 6550. Mẫu ampli được ưa chuộng nhất của thời kỳ này là Dynaco Stereo 70, với hơn 500.000 thiết bị được xuất xưởng trong hơn 30 năm. Mặc dù thiết kế mạch của chiếc ampli này không quá tinh vi, thậm chí còn có phần tuyến tính, một chiếc Stereo 70 được phục chế cẩn thận vẫn có âm thanh tốt hơn nhiều ampli cao cấp được tạo ra ngày nay.
Vào năm 1963, FCC đã chọn hệ thống sóng mang thứ cấp Zenith cho các đài FM, khiến FM giờ cũng được áp dụng âm thanh stereo. Đối thủ cạnh tranh duy nhất ở nước ngoài là hệ thống Halstead với chất lượng kém, thực chất chỉ là tín hiệu âm thanh mono được điều khiển trái/phải bởi tín hiệu điều khiển tần số thấp. May mắn thay, khi BBC quyết định sử dụng hệ thống FM stereo, họ đã rất khôn ngoan khi không dùng hệ thống của mình mà áp dụng hệ thống Zenith của nước ngoài. Sau này, hệ thống Zenith đã trở thành một tiêu chuẩn thế giới, một ví dụ hiếm hoi về sự đồng thuận toàn cầu trong các tiêu chuẩn phát thanh, bởi hiếm khi các ủy ban kỹ thuật của Mỹ và châu Âu đồng ý với nhau dù là trong bất cứ lĩnh vực nào.
Thế nhưng, ở thời điểm ấy, FCC chưa đồng thuận việc áp dụng âm thanh stereo cho truyền hình bởi ba nhà đài lớn nhất nước Mỹ chưa chấp nhận điều này. Lúc bấy giờ, họ đang chuyển sang hệ màu NTSC và việc áp dụng âm thanh stereo sẽ cần có những khoản chi phí cực lớn. Phải đến 20 năm sau, khán giả truyền hình mới chính thức được trải nghiệm âm thanh hai kênh từ chiếc TV của mình.
(Hết kỳ 2)
Biên niên sử Hi-Fi: 1950 – 1964 (phần 1)
Biên niên sử Hi-Fi: 1950 – 1964 (phần 3)
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây
Lịch sử hình thành thương hiệu Audio Research
Nguyễn Hào