Cách đây hơn 20 năm, không một ai nghĩ rằng kết nối Bluetooth có thể dùng để phát nhạc. Ngày nay, điều đó đã thực sự thay đổi hoàn toàn.
Khi Apple quyết định loại bỏ jack 3.5mm khỏi iPhone 7 vào năm 2016, có vẻ như đó là một bước đi rất táo bạo. Bất chấp sự phẫn nộ và phản đối của một bộ phận lớn người sử dụng, có vẻ như tương lai của audio điện thoại đã rất rõ ràng với hai từ: không dây. Xu hướng này ngày càng phổ biến hơn khi Google cũng quyết định loại bỏ jack headphone khỏi điện thoại Pixel 2, Huawei không có jack 3.5mm trên Mate 10 Pro, một loạt điện thoại của HTC và Lenovo cũng loại bỏ kết nối quen thuộc này. Chúng ta phải chấp nhận một điều – chất lượng âm thanh không phải là ưu tiên hàng đầu đối với nhà sản xuất điện thoại vì nó không phải là nhu cầu của đại đa số khách hàng. Vả lại, bản thân jack 3.5mm cũng chưa từng được thiết kế với mục tiêu chất lượng âm thanh. Bất cứ DAC/amp nào như Oppo HA-2 SE cũng chỉ dùng cổng này như một kết nối trung gian để đem đến trải nghiệm âm thanh tốt hơn cho những người sẵn sàng đầu tư vào một cặp headphone tốt với mức giá đắt đỏ.
Các nhà sản xuất thường thuyết phục rằng việc loại bỏ jack headphone rất cần thiết bởi nó sẽ giúp tiết kiệm không gian, có đủ chỗ cho những tính năng quan trọng hơn ở bên trong chiếc điện thoại vốn dĩ ngày càng nhỏ hẹp. Tuy nhiên có một điều mà họ không nói ra, đó là lợi nhuận từ các loại earbud và headphone, vốn dĩ có thể thoả mãn cho nhu cầu nghe của hơn 90% khách hàng từ lâu đã không còn đủ để hấp dẫn họ nữa. Khi mà kết nối có dây bắt đầu suy tàn, kết nối không dây nổi lên như là một phương thức hiệu quả để buộc khách hàng phải mua những thứ mà trước giờ họ chẳng bao giờ dùng đến.
Và điều đó đã trở thành sự thật. Tháng 6 năm 2016, khi những tin đồn đầu tiên về việc Apple loại bỏ jack headphone khỏi iPhone 7 bắt đầu xuất hiện, doanh số của headphone không dây bỗng dưng tăng vọt, lần đầu tiên còn vượt qua cả đối thủ có dây của mình. Tai nghe không dây chiếm lĩnh 54% doanh thu tính bằng đô la trên thị trường headphone, bất chấp việc doanh số bán ra chỉ chiếm khoảng 17%. Điều đó cho thấy khách hàng sẵn sàng bỏ ra một khoản không nhỏ cho tai nghe không dây. Và cứ thế đến tháng 9 năm 2016, Apple ra mắt iPhone 7, chính thức khẳng định rằng tin đồn trước đó là sự thật.
Như vậy, giờ người dùng đã có lý do chính đáng để mua tai nghe không dây, một thứ mà họ chẳng bao giờ nghĩ đến, bởi vì sớm hay muộn thì cuối cùng khách hàng cũng chẳng có lựa chọn nào khác. Và một khi đã được thưởng thức sự tiện lợi của kết nối không dây, chẳng mấy ai còn muốn nghĩ đến việc quay trở lại kết nối có dây nữa. Giai đoạn 2018 – 2019 là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu chuyển sang tai không dây, vì một loạt sản phẩm mới đã được ra mắt cùng những công nghệ mới, góp phần nâng cao trải nghiệm của audio không dây.
Những codec mới nhất của Bluetooth là aptX HD và LDAC đang mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ của hi-fi không dây. Tuy nhiên, trước khi chính thức đến với những tiêu chuẩn audio không dây mới này, chúng ta hãy cùng xem đâu là sự thật và đâu chỉ là những lời nói có cánh xa rời khỏi thực tế về những chuẩn này.
2018-2019 – Thời kỳ “đỉnh” của chất lượng audio Bluetooth
Khó có thể tin rằng sau 20 năm kể từ khi Bluetooth chính thức bước ra thế giới, chuẩn kết nối này đã có những bước tiến đáng kể, vượt trội so với Bluetooth A2DP của những ngày đầu. Cần nhớ rằng khi Bluetooth lần đầu được sử dụng để truyền phát nhạc stereo, ưu tiên hàng đầu của việc sử dụng loại hình kết nối này không phải là chất lượng âm thanh. Bluetooth được sử dụng bởi nó là một nền tảng tiêu hao ít năng lượng, phù hợp với các thiết bị di động sử dụng pin. Tuy nhiên, với các codec chất lượng cao đang có hiện nay, chất lượng âm thanh từ kết nối Bluetooth cũng dần dần trở nên tốt hơn.
Có một điều khá thú vị, đó là cái tên Bluetooth không phải là một cái tên mới mẻ gì. Trên thực tế, Bluetooth bắt nguồn từ tên của một vị vua người Bắc Âu ở thế kỷ thứ 10 có tên Harald Gormsson. Vị vua này có công thống nhất Đan Mạch và Na Uy, điều đó khiến Jim Kardach, một trong những người sáng lập nên Bluetooth SIG tin rằng tên của ông nên được đặt cho chuẩn công nghệ không dây có thể kết nối các thiết bị với nhau. Harald Gormsson có biệt danh Bluetooth là vì một chiếc rang của ông có màu xanh. Bản thân biểu tượng Bluetooth ta thấy ngày nay chính là kết hợp giữa những ký tự Rune của những chữ cái đầu tiên trong tên ông.
Để hiểu về chất lượng của audio không dây, trước hết chúng ta cần hiểu về codec. Từ này vốn là sự kết hợp của hai từ code (mã hoá) và decode (giải mã), như vậy codec là một phần mềm có khả năng mã hoá và giải mã dữ liệu số hoá, trong trường hợp này là audio. Cũng cần nhấn mạnh rằng dù sử dụng bất cứ codec bào, thiết bị phát tín hiệu (điện thoại, máy phát Bluetooth…) bắt buộc phải sử dụng cùng codec với thiết bị thu tín hiệu (headphone hoặc loa không dây, máy thu Bluetooth…). Như vậy, nếu như người dùng có một cặp tai nghe mới sử dụng codec aptX HD, họ sẽ cần một chiếc điện thoại có khả năng gửi tín hiệu Bluetooth dùng codec aptX HD để có thể trải nghiệm được chất lượng âm thanh cao cấp mà codec này mang lại.
Hiện tại, chúng ta đang có các chuẩn codec sau: SBC, aptX, aptX HD, AAC và LDAC.
(Hết kỳ 1)
Xem:
Bluetooth cho audio đã thay đổi như thế nào (phần 2)
Bluetooth cho audio đã thay đổi như thế nào (phần 3)
Bluetooth cho audio đã thay đổi như thế nào (phần 4)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Nguyễn Hào