Các cách sử dụng AudioQuest DragonFly và Jitterburg
Khi thời đại âm thanh analog nắm giữ vị trí độc tôn đã qua và chuyển sang thời đại âm thanh digital trở thành một phần quan trọng trong các thiết bị giải trí, việc xử lý tín hiệu audio bỗng trở nên rất quan trọng. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu xem JitterBug có tác động như thế nào đến USB DAC cũng như chất lượng âm thanh tổng thể.
Khi chơi nhạc số chất lượng cao từ các thiết bị như máy tính, NAS, hay điện thoại thông minh thông qua cổng USB, nhiều người sẽ gặp phải hiện tượng nhạc đôi khi bị ngắt một lúc cực ngắn, có thể chưa đến một giây hoặc nghe thấy nhiễu khi cắm các thiết bị ngoại vi như chuột hoặc ổ cứng ngoài. Để hiểu nguyên nhân của hiện tượng này, trước hết chúng ta sẽ cùng xem lại quá trình truyền dữ liệu qua USB.
Đối với các hệ thống âm thanh chuyên nghiệp, thiết bị thường được bảo vệ khỏi can nhiễu từ điện nguồn hoặc tần số radio. Vì lý do này mà rất nhiều đầu CD hay ampli cao cấp có đường tín hiệu analog và digital riêng biệt, được áp dụng các biện pháp chống nhiễu đối với các linh kiện nhạy cảm. Tuy nhiên, chip điều khiển USB của máy tính thì không được như vậy. Dù ở trên desktop hay PC, chip USB luôn được đặt ở cùng bo mạch với CPU, nguồn điện không được xử lý chống nhiễu, thậm chí tất cả các linh kiện đều do cùng một PSU cấp nguồn khiến cho hiện tượng nhiễu còn nghiêm trọng hơn. Nghiêm trọng hơn, dây nối từ cổng USB đến mạch kết nối thiết bị ngoại vi cũng không được bọc chống nhiễu, từ đó gây ra lỗi trong quá trình truyền dữ liệu vì dòng điện và dữ liệu bị can nhiễu làm ảnh hưởng liên tục. Thông thường, quá trình truyền dữ liệu qua USB thường đi kèm với mã sửa lỗi để sửa lại tín hiệu lỗi và gửi lại. Đó là lý do vì sao các file như file ảnh hay file rar, zip từ máy tính sang các thiết bị khác hoặc ngược lại giống nhau đến 100%.
Thế nhưng mọi chuyện lại phức tạp hơn đối với quá trình chơi nhạc số thông qua USB. Khi thiết bị nhận tín hiệu audio thông qua cổng USB không phải để lưu trữ mà là để chuyển đổi và chơi nhạc trực tiếp, quá trình sửa lỗi này sẽ không được thực hiện vì trong quá trình chơi nhạc, dữ liệu gửi đi đã được thiết lập xung giống với tốc độ của nhạc để không làm chậm quá trình phát. Do đó thiết bị nhận tín hiệu thường sẽ cho qua tín hiệu lỗi.
Cũng bởi lý do này mà chip USB của USB DAC chỉ có thể đảm bảo đồng bộ về thời gian giữa hai thiết bị chứ không đảm bảo độ chính xác. Trong chuỗi tín hiệu digital 1-0 tạo nên dữ liệu âm nhạc, 1 có thể bị nhầm thành 0 và tạo nên sai lệch về mặt tín hiệu. Điều này sẽ tác động đến chất lượng âm thanh, khiến âm thanh trở nên khó nghe và không còn chính xác như ban đầu nữa. Sự sai lệch về mặt tín hiệu digital này được gọi là jitter.
Và đây chính là lúc mà JitterBug vào cuộc. Là một thiết bị thụ động với kích cỡ chỉ bằng 1 chiếc USB, JitterBug không đòi hỏi phải có nguồn điện riêng mà sử dụng nguồn điện trực tiếp từ máy tính. AudioQuest khuyến cáo rằng JitterBug sử dụng tối ưu nhất với các DAC nhận nguồn điện từ USB như Fiio Q1, Fiio E10K, hay Audioquest Dragonfly và điều này có nguyên nhân của nó.
Bên trong chiếc JitterBug này là một một mạch kép có khả năng giảm nhiễu ồn dòng điện, cộng hưởng ký sinh cũng như jitter và lỗi dữ liệu. Để làm được điều này, thiết bị sẽ chỉnh sửa cả dữ liệu lỗi và vbus trên cổng USB. Việc sửa vbus sẽ tác động đến nguồn điện đi ra từ cổng USB, làm giảm nhiễu ồn nguồn điện cho các thiết bị ngoại vi, nhất là các thiết bị sử dụng điện từ USB. Hay nói cách khác, dùng JitterBug làm bộ lọc nguồn từ USB sẽ đem lại nguồn điện sạch cho DAC. Trong khi đó, việc sửa dữ liệu sẽ làm giảm cộng hưởng ký sinh, jitter và lỗi dữ liệu để từ đó cho âm thanh trung thực hơn.
Hiệu quả của JitterBug rất đa dạng tùy vào từng thiết bị nguồn và DAC. Có không ít DAC không tương thích với JitterBug như HiFiMAN EF2C, Chord Hugo hay Resonessence HERUS, nhưng phần lớn các DAC trên thị trường đều hoạt động tốt với thiết bị này. Và JitterBug dường như được tối ưu để có thể hoạt động tốt nhất với AudioQuest Dragonfly. Khi có JitterBug, âm thanh ở cả hai nguồn là Macbook và PC đều cải thiện hẳn, với độ mở lớn hơn và âm trường rộng hơn, dù khá nhẹ nhưng vẫn nhận ra dễ dàng. Ở trên iPhone, sự thay đổi âm trường không thể hiện rõ, thay vào đó là độ chi tiết của các bản nhạc. Và nếu thay DAC của Oppo bằng Dragonfly, sự chi tiết sẽ còn thể hiện rõ hơn nữa.
Tapchihifi TV