Các cách sử dụng AudioQuest Jitterburg
JitterBug là bộ USB được thiết kế nhằm loại bỏ độ nhiễu và các cộng hưởng âm thanh từ nguồn dữ liệu âm thanh và nguồn điện của cổng USB. JitterBug có thể đáp ứng tất cả các thông số kỹ thuật USB 2.0, cho tín hiệu âm thanh trong sạch, dễ chịu hơn. Sự đơn giản của JitterBug còn nằm ở chính thiết kế của thiết bị, ngoài bảng mạch chứa điện trở, tụ điện, cảm biến, cuộn cảm kháng cùng 2 cổng USB Type A chia làm male và female ở hai đầu, JitterBug chỉ có đúng lớp vỏ nhựa đen nhám ở bên ngoài, không một màn hình hiển thị hay một nút bấm nào hết.
Nguyên nhân của sự đơn giản này là bởi đây là một thiết bị lọc thụ động đúng nghĩa. Jitterbug có ba nhiệm vụ chính: một là loại bỏ cộng hưởng tạp, nhiễu Jitter từ USB và lỗi gói tín hiệu, hai là giảm nhiễu ồn từ dòng điện trên VBUS của USB và ba là bảo vệ các thiết bị USB khỏi nhiễu EMI, RFI và nhiễu ồn tần số cao. Hai nhiệm vụ đầu hoàn thành nhờ mạch triệt tiêu nhiễu ồn của JitterBug, nhiệm vụ thứ ba chỉ có thể làm được khi dùng JitterBug lọc tín hiệu từ thiết bị nguồn chứ không phải lọc tín hiệu ở DAC hay thiết bị cuối cùng nhận tín hiệu.
JitterBug sử dụng chuẩn USB 2.0, với tốc độ truyền dữ liệu tối đa là 480Mbit/s. Điều này rất quan trọng vì hai lý do sau: Thứ nhất, JitterBug đặt ra định mức cho việc lọc dữ liệu. Thiết bị sẽ chỉ giảm nhiễu ồn đối với các nhiễu vượt quá tần số truyền tín hiệu, bởi các nhiễu này gây ảnh hưởng đến chất lượng tín hiệu. Thứ hai, trong một hệ thống âm thanh số có thể xuất hiện những phương tiện truyền dữ liệu với tốc độ cao hơn (chẳng hạn như USB 3.0). vì JitterBug là thiết bị nối giữa thiết bị nguồn và thiết bị ngoại vi nên toàn hệ thống sẽ tự mặc định tốc độ truyền dữ liệu tối đa 480Mbit/s. Nhờ vậy, tỉ lệ tín hiệu/nhiễu ồn sẽ được cải thiện, đồng thời nhiễu jitter và cộng hưởng tạp cũng vì thế mà giảm hẳn.
Trên tay tôi đây là một chiếc USB lọc nhiễu Jitterbug. Theo hướng dẫn của AudioQuest, các bạn có thể lắp đặt Jitterbug theo những cách sau:
1. Dùng JitterBug làm thiết bị nối trung gian giữa máy tính và USB DAC. Người sử dụng có thể cắm thêm một JitterBug nữa bên cạnh JitterBug đang dùng để cải thiện chất lượng âm thanh, lưu ý không nối JitterBug thứ hai vào JitterBug thứ nhất,.
2. Nối JitterBug với các thiết bị ngoại vi như ổ cứng rời, máy in và camera khi đang dùng USB DAC để giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh. Nguyên nhân là vì khi nghe nhạc qua USB DAC, người dùng không nên cắm thêm thiết bị khác bởi mỗi thiết bị đều cần một nguồn năng lượng riêng và điều đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng trình diễn cỉa DAC. Tuy nhiên, việc chỉ cắm mỗi DAC là không thực tế bởi người dùng có thể cần kết nối với thiết bị ngoại vi như ổ cứng di động để làm nguồn phát nhạc. Do đó, hãy dùng Jitterbug để làm thiết bị nối trung gian giữa thiết bị ngoại vi đó với máy tính.
3. Dùng JitterBug làm thiết bị nối trung gian giữa điện thoại và hệ thống âm thanh chuyên nghiệp. Rất nhiều preamp, receiver, DAC, ampli tích hợp hay hệ thống âm thanh trên xe hơi có cổng USB tương thích với điện thoại Android hoặc iOS. Khi kết nối điện thoại với các thiết bị kể trên, người dùng có thể phát nhạc từ các dịch vụ streaming trực tuyến hay từ bộ nhớ trong của điện thoại. Tuy điều này khá tiện lợi, việc kết nối thiết bị như vậy vô tình tạo ra một môi trường dễ dàng cho nhiễu EMI và RFI xâm nhập. Để cải thiện chất lượng âm nhạc từ điện thoại hay nguồn phát, người dùng có thể sử dụng Jitterbug để nối trung gian giữa nguồn phát nhạc với thiết bị nhận tín hiệu thông qua cổng USB. Lưu ý rằng không chỉ điện thoại, laptop hay máy tính bảng mới là nguồn phát, ổ cứng di động và USB thông thường cũng được tính là thiết bị phát nhạc di động và có thể sử dụng Jitterbug để tăng cường hiệu quả.
4. Các thiết bị mạng có cổng USB như router, NAS hay streamer có thể cắm chung với ổ cứng để stream nhạc từ ổ cứng qua mạng. Trong trường hợp này, người dùng có thể sử dụng Jitterbug để nối trung gian giữa thiết bị mạng và ổ cứng nhằm cải thiện chất lượng tín hiệu và giúp cho việc chơi nhạc trở nên tuyệt vời hơn
Tapchihifi TV