Quan điểm của trường phái này tin rằng đáp tuyến tần số phẳng góp phần khiến chất âm thiết bị trở nên rất tự nhiên, vì thế đây cũng là mục đích theo đuổi của họ.
Hầu hết loa của Anh và Canada đều thuộc trường phái này. Đặc điểm rõ rệt nhất nằm ở đáp tuyến tần số rất phẳng, thể hiện rõ nhất qua những cặp loa Anh với đường cong đáp tuyến trên trục ở khoảng cách 2m rất được coi trọng, kết hợp với việc gần như không có cộng hưởng trễ. Trong khi đó, thiết kế loa của Canada ưu tiên cho việc duy trì đáp tuyến tần số ở phạm vi không gian hình cầu hướng về phía trước loa. Các ưu tiên trong những thiết kế kể trên đã làm nên sự ra đời của loa monitor BBC và các mẫu loa do những thành viên của Hội đồng Nghiên Cứu Quốc gia Canada (NRC listening panel) thiết kế.
Trường phái này rất giống với triết lý thiết kế khách quan, thiên về kỹ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà các kỹ sư với bằng thạc sĩ hay giáo sư trong lĩnh vực âm thanh thường thiết kế loa với triết lý này. Họ thường không bị ấn tượng bởi những câu chuyện thần kỳ về dây loa, những điện trở, tụ điện lạ hay đèn ba cực đốt nóng trực tiếp, hay bất cứ thứ gì không thể nghe thấy được trong khi nghe thử, dù là nghe lặp lại cơ bản hay test mù.
D.E.L. Shorter, kỹ sư của BBC là người đầu tiên có thể đo đạc chính xác cũng như xác định được nguồn gốc của cộng hưởng thùng loa và driver vào cuối thập niên 50. Về sau, nhiều loa Anh vẫn tiếp tục giữ triết lý thiết kế này, khiến những đóng góp của BBC trở thành một di sản quan trọng. Vì cộng hưởng có thể nghe thấy ngay cả ở mức dưới 20dB so với đường cong đáp tuyến của sóng sine thông thường, BBC là tổ chức đầu tiên xác định và đo dược hiện tượng lên màu âm thanh mà nếu chỉ dùng các dụng cụ quét sóng sine thông thường, chúng ta sẽ chẳng thể nào đo được.
Các kỹ sư của Mỹ phải mất đến 20 năm mới chấp nhận được tầm quan trọng của hiện tượng lên màu âm thanh này. Sự đột phá chỉ bắt đầu khi Richard Heyser phát minh ra hệ thống Time-Delay Spectrometry vào đầu thập niên 70, đầu tiên là dưới dạng bộ kiểm tra Techron TEF. Mười năm sau, Lipshitz và Vanderkooy phát minh ra bộ phân tích chuỗi độ dài tối đa (Maximum Length Sequence System Analyzer), được DRA Labs bán ra thị trường dưới dạng một bảng mạch nhỏ có thể vừa bất cứ PC nào. Trong khoảng thời gian 30 năm, việc đo đạc cộng hưởng trễ đã phát triển từ một công cụ đặc biệt chỉ BBC mới có thành máy vi tính HP FFT giá 150 nghìn đô la mà KEF sử dụng, cho tới một bộ kiểm tra TEF giá chỉ 12 nghìn đô và cuối cùng là một bảng mạch MLSSA có thể cắm vào bất cứ chiếc máy tính nào.
Cho đến tận bây giờ, bảng mạch MLSSA vẫn là công cụ đo thời gian và tần số của nhiều hãng sản xuất. Nếu như đặc biệt quan tâm đến đáp tuyến tần số và không quan tâm đến việc tìm hiểu về cộng hưởng bước hay biểu đồ hình thác nước, một bộ công cụ LMS giá 1000 đô vẫn sẽ là lựa chọn tốt. Công cụ LMS được sử dụng rộng rãi để kiểm soát chất lượng vì trong quá trình sản xuất, chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng dễ dàng đạt đến giới hạn của đáp tuyến tần số. Một thiết bị khác là CLIO có giá 1600 đô la, có độ chuẩn 16-bit và micro đi kèm, khả năng thể hiện tần số và thời gian cũng giống như MLSSA.
Ngày nay, các gói phần mềm sử dụng cho card âm thanh chuyên dụng trở nên rất phổ biến, với giá thành cũng hạ thấp đi khá nhiều. Lĩnh vực sử dụng card âm thanh của PC để đo đạc cũng thay đổi nhanh chóng đến mức khó tin. Năm 2004, tần số lấy mẫu tối đa của hầu hết card âm thanh là 44.1kHz, thì nay, con số này đã cao hơn rất nhiều. Ngay cả một card âm thanh onboard của Realtek dành cho laptop cũng có thể có tần số lấy mẫu lên đến 192kHz.
Chuyển sang các mặt khác của thiết kế phân tần, các kỹ sư theo trường phái khách quan thường chuộng phân tần bậc 4 Linkwitz-Riley với đường cong đáp tuyến cực kỳ phẳng và chính xác, có khả năng kiểm soát méo điều biên ngoài dải cực tốt (dù rằng đánh đổi lại là méo xung và hiện tượng nhiễu overshoot).
Laurie Fincham, kỹ sư của KEF xứng đáng được ghi danh là người tiên phong trong việc sử dụng máy tính để mô phỏng chính xác các hành vi điện âm học của driver và phân tân, cho phép tối ưu hóa dốc suy hao của phân tần bậc 2, bậc 3 và bậc 4. Trước Fincham, thiết kế phân tần chủ yếu mang tính thử và lỗi, dựa vào tính toán trên giấy tờ và ước lượng, làm thử sản phẩm và loại bỏ nếu không ưng ý. Kể từ sau công trình của Fincham, việc thiết kế phân tần trở nên đơn giản hơn rất nhiều với sự trợ giúp của máy tính.
Tất nhiên, ở giai đoạn thập niên 70, máy tính là những cỗ HP chuyên dụng khổng lồ, có giá 150 nghìn đô la, với kỹ sư lập trình Fortran điều hành liên tục. Ngày nay, việc tối ưu hóa phân tần rất đơn giản, chỉ cần một máy tính bình thường cùng một phần mềm như XOPT, CALSOD hay LEAP. Nhờ vậy, chi phí đầu tư cho tối ưu hóa phân tần và thiết bị chuyên dụng giảm đi cực kỳ mạnh. Điều này cũng đòi hỏi các kỹ sư thiết kế loa phải biết dùng PC và các phần mềm bất kể triết lý của họ là như thế nào.
Quan điểm của các kỹ sư thuộc trường phái khách quan thường bỏ qua đáp tuyến xung, kiểm xoát nhiễu xuyên âm và những thứ như tụ điện, cuộn cảm hay chất lượng dây. Thay vào đó, nghiên cứu của họ tập trung vào cải thiện chất lượng driver, kiểm soát cộng hưởng thùng loa và ghép cặp cho loa thật chính xác trong quá trình sản xuất.
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây
Lịch sử hình thành thương hiệu Tannoy
Nguyễn Hào