Màng loa giấy là một trong những vật liệu cổ nhất trong lịch sử âm thanh. Cho đến nay, chúng vẫn cứ tồn tại, dai dẳng một cách khó tin.
Giấy có mặt ở khắp mọi nơi. Trong suốt gần 2000 năm lịch sử, chúng ta đã dùng nó để viết, để trang trí, để dùng cho nhiều mục đích khác. Thế nhưng, giấy còn là một phần vô cùng quan trọng trong quá trình tái tạo âm thanh, ngay từ những ngày đầu tiên trong lịch sử của loa. Bất chấp việc ngày nay, khoa học vật liệu ngày càng phát triển, càng có nhiều vật liệu lạ, với công nghệ rất cao, giấy vẫn là một vật liệu quan trọng, phổ biến để làm nón loa. Trong một vài trường hợp, đây còn được cọi là một loại vật liệu gần như tốt nhất.
Trong những năm đầu tiên của lịch sử audio, rất nhiều phương pháp tái tạo âm thanh đã được nghĩ ra và thử nghiệm. Nếu như có ai đó cho rằng những driver loa tĩnh điện, màng phẳng, hay loa plasma chỉ là những sản phẩm mới xuất hiện gần đây thì chắc chắn họ đã nhầm. Năm 1911, Peter L. Jensen cùng Edwin S. Pridham trở thành những người đầu tiên trong lịch sử tạo ra loa sử dụng cuộn dây động khi sáng chế ra mẫu loa Magnavox đầu tiên và chính thức cho ra mắt thị trường bốn năm sau đó. Mặc dù vẫn sử dụng họng kèn để khuếch đại âm thanh, Magnavox được xem như thiết kế gần nhất với những mẫu loa hiện đại, thậm chí còn được gọi là chiếc loa đầu tiên của lịch sử loài người. Cho đến thập niên 20 của thế kỷ trước, những loại loa kể trên và rất nhiều loại loa khác đều đã được thử và bị loại bỏ vì thiếu độ tuyến tính, âm lượng thấp, giá thành cao, thậm chí còn có khả năng gây nguy hiểm chết người.
Kẻ thắng cuộc cuối cùng chính là những cặp loa điện động, dùng cuộn dây động và màng loa làm bằng giấy.
Tất nhiên, với sự phát triển của khoa học vật liệu, rất nhiều người đã dự đoán về ngày tàn của màng loa nón giấy và thổi phồng nó lên. Năm 1962, Irving M. “Bud” Fried đã viết bài viết “Vĩnh biệt màng nón giấy” trên một trong những số đầu tiên của Stereophile. Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, màng nón giấy vẫn cứ tồn tại, cho thấy phong cách truyền thống không phải lúc nào cũng lỗi thời.
Những nhận xét của Fried về màng nón giấy như “chất âm khoa trương một cách khó chịu, mềm, thiếu sự chính xác” chỉ là một cách nhìn khái quát, và tất nhiên từ ngữ cũng đã được lựa chọn cẩn thận để làm nổi bật lên sự đối lập khi so sánh với màng nón nhựa tổng hợp bextrene từ những cặp loa mà ông đang bán. Fried là bậc thầy chơi chữ và marketing, đồng thời cũng rất giỏi biện luận. Rõ ràng khi ông đã viết như vậy, rất nhiều người sẽ tin vào điều đó và đặt niềm tin cho những driver màng bextrene.
Thế nhưng, khi áp dụng những tiêu chuẩn về âm học ngày nay, màng nón bextrene lại phô ra quá rõ cái chất âm cộng hưởng nhưng bị rỗng, thiếu mất sự tròn trịa, đầy đặn. Chúng có thể có chất âm tốt hơn so với những màng nón giấy phổ thông ở những cặp loa rẻ tiền cỡ nhỏ mà Fried từng so sánh, nhưng màng bextrene cũng có những vấn đề của riêng nó. Hay chúng ta có thể hiểu rằng mỗi loại vật liệu có ưu, nhược điểm nhất định, giải quyết được nhược điểm của vật liệu này thì sẽ lại xuất hiện nhược điểm khác trên vật liệu mới. Người ta nói rằng bextrene có tiếng “nhựa”, giống như khi chúng ta thử nghe tiếng của mình khi úp một chiếc hộp nhựa gần miệng và nói vào đó.
Vậy còn giấy thì sao? Làm thế nào để một thứ vật liệu kém bền, thiếu sự cứng chắc cần thiết có thể dùng để tạo ra âm thanh?
Trước hết, cần hiểu rằng giấy dùng để làm màng nón giấy không phải loại mỏng manh như tờ khăn giấy hay giấy viết, ngay cả như giấy in cũng không phải. Ngay từ thời loa còn được sử dụng để gắn vào những chiếc radio to như cái tủ, các nhà sản xuất đã tìm đủ mọi cách để cải thiện màng nón loa, thử nghiệm bằng cách cho thêm những vật liệu như nỉ, vải vào bột giấy để gia cố. Sẽ có những màng nón mịn, mỏng manh, rất dễ rách chẳng khác gì tờ giấy thủ công, có chiếc lại cứng như bìa carton, một số thì lại được làm thủ công chẳng khác gì tác phẩm mĩ nghệ chứ không phải là một sản phẩm công nghiệp. Nhìn chung, màng nón giấy được ưa chọn là bởi chúng rất nhẹ, và nếu được xử lý tốt cũng sẽ rất bền chắc. Màng nón giấy xuất hiện từ thời ampli đèn và radio receiver vẫn còn phổ biến, và cho đến nay những cặp loa sử dụng chúng vẫn được các audiophile phối ghép với những ampli SET có mức công suất thấp.
(Hết phần 1)
Các bạn có thể xem thêm phần khác tại đây
Câu chuyện của màng loa giấy (phần 2)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Master Horn – Kiệt tác từ Viva Audio
Nguyễn Hào