Bất chấp việc vẫn còn khá nhiều nhược điểm, màng nón giấy vẫn được sử dụng. Thậm chí rất nhiều cặp loa thuộc phân khúc hi-end vẫn còn sử dụng loại màng loa này. Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tin dùng cho màng giấy?
Rice và Kellogg là những người đầu tiên giúp chiếc loa thoát ly hoàn toàn khỏi chiếc họng kèn nặng nề. Năm 1921, hai kỹ sư này cho ra mắt nguyên mẫu loa đầu tiên được tích hợp mạch khuếch đại bằng đèn điện tử bên trong, sử dụng driver điện động với màng loa nón giấy. Thiết bị này có thể tạo ra âm thanh đủ lớn để cạnh tranh với họng kèn, đồng thời đủ khả năng tái hiện toàn bộ dải động và điều chỉnh âm lượng một cách rõ rệt. Sản phẩm hoàn thiện chính thức xuất hiện vào 1924, được cải tiến dần để có thể nhỏ hơn và cho vừa vào trong radio. Sau này bản quyền của phát minh được bán lại cho một liên danh rất có thế lực lúc bấy giờ – RCA.
Mẫu loa Stromberg-Carlson trong hình ảnh ở trên đây là một thứ khá phổ biến vào đầu những năm 1920. Nó được thiết kế để đặt cạnh chiếc radio, thậm chí để ngay trên chính chiếc radio để bàn nếu như có kích thước đủ nhỏ. Từ hỉnh ảnh, ta có thể thấy một vài thứ khá rõ ràng: màng nón giấy được may vào phần khung. Hầu hết những nón loa giấy sau này được hoàn thiện bằng cách ép chặt vào một khung bên trong hoặc bên ngoài để tạo thành màng loa liền mạch. Đây cũng là một thiết kế màng nón ngược, với phần tâm của màng nón trở thành điểm gần sát người nghe nhất chứ không phải xa nhất. Chúng ta cũng có thể thấy rằng loa không có nắp chống bụi ở giữa, thay vào đó là một nắp đồng ở chính giữa để đấu nối thiết bị. Hầu hết các loa trong thời kỳ này sử dụng cuộng dây trường hoặc nam châm điện, nhưng riêng chiếc này sử dụng nam châm vĩnh cửu hình móng ngựa.
Và trên hết, chiếc loa ở trong hình cũng không phải nhỏ. Đường kính của nó phải đến hơn 40cm. Căn cứ vào khung loa khá rộng cùng phần đế được đúc bằng đồng, có thể đoán rằng nó cũng không hề nhẹ chút nào.
Đối với những người chuyên sưu tầm đồ cổ, những chiếc loa như vậy thường có giá trị không quá đắt vì hai lý do: tuy là đồ cổ nhưng chúng không hề hiếm, và nếu như màng loa có bị hỏng thì sửa lại cũng không quá khó, chỉ cần cẩn thận một chút là được. Không hiếm những chiếc loa có lỗ trên màng loa sau khi dán lại bằng băng dính vẫn chạy được bình thường, không có bất cứ sự thay đổi nào về mặt chất âm cả.
Vậy, vì sao hình nón lại là hình dạng lý tưởng cho màng loa, đặc biệt là midrange và woofer. Quay trở lại với yêu cầu màng loa nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, hãy thử dùng một mẩu giấy bìa khổ to và vẫy thử, để tờ giấy di chuyển cả về đằng trước lẫn đằng sau là điều không thể, dù cho có cầm tờ giấy ở bất cứ cạnh nào đi chăng nữa. Nhưng nếu như gấp tờ giấy lại thành hình nón có lòng nông, sau đó móc vào giữa chóp nón – tức là nơi người ta thường nối cuộn voice coil, tờ giấy ấy sẽ đẩy được cả về trước lẫn sau rất dễ, mặc dù độ nhẹ thì cũng chỉ như tờ giấy để phẳng. Rõ ràng hình nón sẽ giúp tờ giấy cứng hơn hẳn.
Bên cạnh đó, để tăng cường độ cứng chắc cũng như điều chỉnh chất âm của driver, người ta có thể đặt màng nón bên trong những khung tròn hoặc có hình dạng đồng trục rất chắc chắn. Một trong những ví dụ điển hình nhất chính là mẫu loa đồng trục RCA LC-1 do huyền thoại Harry F. Olson thiết kế. Mẫu loa này ban đầu cũng được sản xuất với những màng nón mang khung nhẹ loại thường. Thế rồi, các phiên bản điều chỉnh của nó (LC-1A, LC-1B, và LC-1C) có thêm những nón lồi trong lòng driver và hai mảnh nhựa nhỏ ngay chính giữa tâm để làm lệch hướng tỏa âm. Có thể những nón lổi bên trong driver đã góp phần làm màng nón trở nên cứng chắc hơn. Và với kinh nghiệm và kiến thức của Olson, khối lượng màng loa có thể tăng lên nhưng không đáng kể, không ảnh hưởng quá nhiều đến chất âm.
Ngày nay, những thương hiệu nổi tiếng về thiết kế và sản xuất driver như SB Acoustics hay Kurt Müller vẫn cung cấp rất nhiều driver màng giấy cho các hãng sản xuất lớn. Việc lựa chọn màng loa giấy ngoài những ưu điểm nổi bật như nhẹ, có độ cứng chắc tốt hay không quá đắt đỏ còn là do quan điểm cá nhân về chất âm. Gediminas Gaidelis, người sáng lập thương hiệu AudioSolutiosn cho biết sở dĩ các mẫu loa cao cấp của hãng vẫn dùng driver Satori màng giấy của SB Acoustics là bởi driver màng giấy đem lại chất âm ấm áp rất tự nhiên. Có thể thấy rằng sau sự xuất hiện của những driver màng nhựa, màng kim loại, thậm chí gốm, giấy vẫn là một vật liệu quan trọng trong ngành sản xuất loa và ngày tàn của chúng, như Irving M. “Bud” Fried dự đoán cách đây gần 60 năm vẫn còn rất xa mới thành hiện thực.
Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây
Câu chuyện của màng loa giấy (phần 1)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Những cặp loa có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử 1
Nguyễn Hào