Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự xuất hiện của một trong những bộ cơ đĩa phổ biến nhất hiện nay – cơ đĩa than sử dụng dây cu-roa.
Những chiếc phonograph đầu tiên của Edison, loại quay ống trụ chứ không phải quay đĩa, đều sử dụng dây đai. Điều thú vị là những mâm đĩa than sử dụng dây cu-roa đầu tiên chỉ xuất hiện sau Thế chiến thứ hai. Trước đó, mâm đĩa than chủ yếu sử dụng bánh xoay dẫn đà hoặc một biến thể của bộ cơ direct drive. Tất nhiên, vẫn sẽ có những trường hợp ngoại lệ, chỉ có điều chúng hiếm khi được tìm thấy mà thôi.
Thiết kế bộ cơ của mâm đĩa than Philips HX301a năm 1950
Gã khổng lồ ngành công nghiệp điện tử Philips bắt đầu sản xuất các sản phẩm liên quan đến đĩa LP từ thập niên 50. Mâm đĩa than đầu tiên có thể dùng để chơi đĩa than là đầu HX301a với hai tốc độ khác nhau. Cũng như Thorens TD-124, bộ cơ của mâm Philips kết hợp giữa bánh dẫn đà và dây cu-roa, thế nhưng phong cách thiết kế lại khác Thorens hoàn toàn. TD-124 kết dây đai với motor và pulley chia tầng, pulley này sẽ truyền động cho bánh xoay dẫn đà, từ đó làm quay mâm đĩa.
Còn đối với mâm đĩa than Philips, tốc độ 78 vòng/phút được thực hiện thông qua motor truyền động cho một trong hai trống xoay với điểm neo cố định. Để chuyển sang tốc độ 33 1/3 vòng/phút, motor sẽ được trượt về phía bánh dẫn đà, từ đó làm giảm tốc độ. Không như những mâm đĩa than dùng dây cu-roa sau này, Phiplips chỉ để một phần của mâm xoay tiếp xúc với dây đai. Các thiết kế khác thường sẽ cuốn dây cu-roa vòng quanh mâm xoay rồi nối vào pulley.
Mâm đĩa than dùng dây đai đầu tiên do Mỹ sản xuất là từ thương hiệu Components Corporation. Được mệnh danh là “mâm đĩa than chuyên nghiệp”, có vẻ như những lời này không hề khoa trương chút nào. Trong một bài đánh giá từ năm 1954, có thể mâm đĩa than này có mâm xoay nặng tới 11.3kg, truyền động bằng dây đai vải. Tác giả của bài đánh giá là Roy Allison, ông là kỹ sư thiết kế của Acoustic Research và sau này tự mở công ty của riêng mình, Allison Acoustics.
Chỉ trong vài năm tiếp theo, một mâm đĩa than Components giá rẻ khác đã xuất hiện, nhỏ hơn, nhẹ hơn và không còn là “Mâm đĩa than chuyên nghiệp” nữa. Một thiết bị khác, mâm đĩa than có khả năng tự đổi đĩa Garrard RC-80 cũng xuất hiện và được sản xuất với số lượng lớn. Kỹ sư J. Gordon Holt (khi đó còn chưa thành lập Stereophile) đã viết về hai thương hiệu trên vào năm 1957 như sau:
“Mâm đĩa than dùng dây đai đang ngày càng trở nên phổ biến. Đặc điểm tự nhiên của dây đai giúp hạn chế tối đa những hiện tượng bất thường của động cơ, vốn là nguyên nhân gây ra các tiếng ì, hay méo do lệch tốc độ… Những ví dụ tốt về các mâm đĩa than dùng dây đai là Garrard RC-80 và mâm đĩa than của Components Corporation. Đối với Garrard, bí quyết làm nên hiệu năng trình diễn tốt chính là giữ cho dây đai sạch, thay luôn khi bị mài mòn và giữ chỉ một lượng dầu rất nhỏ ở các trục xoay (nhưng vẫn phải giữ cho chúng sạch). Người viết nhận thấy rằng các mâm đĩa than tự đổi đĩa được thiết lập cẩn thận rất dễ dùng với dây đai. Các méo dải trầm và méo tốc độ giảm hẳn ở mâm Garrard nhờ vào việc bôi trơn trục xoay mâm định kỳ. Cứ sau một khoảng thời gian, nó cần được tháo ra, làm sạch, tra dầu và điều chỉnh (chỉ cần một chút, không quá chặt cũng không quá lỏng).”
“Mâm đĩa than Components, không có gì phải nghi ngờ, là một thiết bị chất lượng tốt. Các hướng dẫn để bảo đảm thiết bị hoạt động chuẩn xác tương đối hoàn thiện. Dù vậy ta vẫn có thêm một số ý sau: đối với tiếng ì ì ở các dải trầm nhất, mức căng của dây đai càng thấp càng tốt, đồng thời dây được đặt ở chính giữa pulley. Hãy đảm bảo mâm xoay được cân chỉnh phẳng đến mức tuyệt đối. Nếu bạn phải nâng thiết bị lên hoặc vận chuyển thiết bị, hãy đảm bảo rằng mâm xoay được cách ly với ổ trục dưới – mọi ảnh hưởng đều sẽ thể hiện bằng méo tiếng do lệch tốc độ.”
Năm 1958, Fairchild cho ra mắt hệ thống chơi nhạc được thiết kế đặc biệt chỉ dành riêng cho các bản thu stereo. Chuẩn rãnh đơn Westrex 45-45 đã đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với các đặc tính nhiễu ồn dải trầm của mâm đĩa than, và Fairchild 412 xuất hiện với các phiên bản một tốc độ, hai tốc độ (33 1/3/45) và bốn tốc độ. Phiên bản cuối cùng sử dụng cơ chế điều khiển tốc độ điện tử để thay đổi tốc độ. Mặt khác, bộ cơ truyền động được thực hiện bằng hai dây đai: một từ động cơ đến pulley trung gian, cái kia kết nối từ pulley đến mâm xoay.
Năm 1960, mâm đĩa than Empire Troubador chính thức xuất hiện. Mâm đĩa than này sử dụng cơ chế truyền động bằng dây đai, có ba tốc độ, động cơ được trang bị là động cơ đồng bộ trễ Pabst, mâm xoay và trục xoay được cắt máy với độ chính xác cao. Mâm đĩa than Empire được sản xuất khá lâu, cho đến năm 1977 với một vài tinh chỉnh nhỏ ở các biến thể tiếp theo.
(Hết kỳ 3)
Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 1)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 2)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 4)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 5)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 6)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 7)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 8)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc đĩa than
Nguyễn Hào