Bên cạnh những mâm đĩa than sử dụng bộ cơ dùng bánh dẫn đà, dây đai hoặc bộ cơ direct-drive, thị trường còn có những mâm đĩa than khác không được xếp vào một trong ba loại kể trên.
Nếu nhìn vào sự phát triển của đĩa than, có thể thấy rằng hàm lượng nghiên cứu cũng như thời gian bỏ ra để tìm được phương pháp khiến mâm đĩa than có thể quay với tốc độ ổn định nhiều đến mức không tưởng. Nhiều người sẽ nghĩ rằng, công việc duy nhất của mâm đĩa than chỉ là xoay. Thế thì khó ở chỗ nào?
Trên thực tế, nếu có thời gian để tìm hiểu, ai cũng sẽ biết rằng điều này trên thực tế cực kỳ phức tạp. Đĩa than là một phương tiện gần như đã trở nên lỗi thời, thiếu đi sự tinh tế cũng như chất lượng thường thấy của các bản thu digital cao cấp hiện nay, thế nhưng để vận hành một cách tốt nhất, nó lại đòi hỏi sự chính xác đến mức bất ngờ. Quay mâm đĩa than chỉ là một công việc đơn giản, nhưng phần khó nhất nằm ở chỗ làm thế nào để thu lại được các rung động từ rãnh đĩa rồi biến nó thành tín hiệu có ích.
Hay nói cách khác, khi bắt đầu thiết kế một hệ thống đĩa than từ con số 0, chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu?
Một trong những yếu tố quan trọng là cách ly tín hiệu sinh ra từ rãnh đĩa khỏi các rung chấn cơ học từ bên ngoài càng nhiều càng tốt. Chúng ta cần đảm bảo rằng quá trình này không bị gián đoạn vì tiếng ồn của phương tiện giao thông, từ tiếng bước chân trên sàn nhà hay âm thanh phát ra từ loa. Bên cạnh đó, đầu kim chạy trên rãnh đĩa cũng không được gây ra tiếng ồn hay cộng hưởng trên hệ thống. Ngoài ra, cần đảm bảo rằng rung chấn từ đĩa sẽ không tác động lên mâm xoay rồi dội ngược lại, đĩa không bị trượt, đầu kim không bị mài đến mức trở nên quá nóng, làm hỏng rãnh đĩa và làm hỏng chính chiếc kim.
Chỉ từ một vài vấn đề trên, có thể thấy rằng thiết kế được một mâm đĩa than có thể hoạt động tốt quả thực không đơn giản.
Ở bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là trong lĩnh vực âm thanh, những nhà thiết kế khác nhau sẽ theo đuổi một khía cạnh kỹ thuật hoặc hiệu năng mà họ cho là quan trọng để lấy nó làm gốc, từ đó hoàn thiện thiết kế của mình. Trong một số trường hợp, có những thiết kế quá dị biệt, đến mức chúng ta khó có thể hiểu được.
Lấy phần mâm xoay đỡ cho đĩa làm ví dụ. Hầu hết mọi người tin rằng để quá trình chơi đĩa tạo ra được chất âm sạch, không có méo tiếng, đĩa cần phải sát bề mặt mâm xoay hết sức có thể. Một số thiết kế sử dụng cục chặn hoặc tạ lắp vào, một số khác lại dùng cơ chế hút chân không như TechDAS Air Force One. Mỗi phương pháp lại được ủng hộ bởi một lượng lớn những người sử dụng khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có những người lại cho rằng điều đó không thực sự cần thiết. Ed Meitner là một trong những kỹ sư được kính trọng nhất trong giới kỹ sư audio. Ông từng thiết kế một loạt thiết bị audio stereo cho thương hiêu Museatex, tập trung vào đối tượng khách hàng ở phân khúc tầm trung, gần cao cấp. Trọng tâm của hệ thống Meitner là một mâm đĩa than, và nó không phải là một phiên bản nhái của Thorens 160. Hình thù kỳ lạ của Meitner AT-2 khiến không ít người tự hỏi nó là gì và làm sao mà nó có thể chạy đĩa được.
Và tất nhiên, cũng chẳng có gì lạ khỉ chỉ có khoảng 40 mâm đĩa than Meitner AT-2 được sản xuất. Chất lượng của nó như thế nào cũng không ai dám khẳng định. Chỉ biết rằng trên trang chủ của Museatex có viết như sau: “Cho đến tận ngày hôm nay chúng tôi cũng không dám chắc rằng mình đã mở ra được tất cả những gì quý giá nhất được lưu trên rãnh đĩa hay chưa. Hệ thống AT-2 sử dụng cơ chế chơi nhạc không cần mâm xoay. Trên thực tế, mâm xoay được thay thế bằng một bánh đà kim loại với cạnh được mài sắc để nâng đĩa từ phần nhãn đĩa ở mặt dưới. Phần mặt đĩa được chơi chỉ tiếp xúc duy nhất với không khí cả ở đỉnh lẫn dưới đáy.”
“Trong nhiều năm liền, các nhà thiết kế mâm đĩa than đã cải tiến cho mâm xoay và tấm lót. Tuy nhiên, dù cải tiến đến đâu thì ở mâm xoay và tấm lót vẫn còn một vấn đề cơ bản. Điểm mà đĩa tiếp xúc với mâm xoay hay tấm lót là một vị trí tích tụ năng lượng, nơi các rung chấn với tốc độ cao sẽ phải đi qua. Những rung chấn này sẽ không được hấp thụ hoàn toàn bởi bề mặt giao thoa và một phần năng lượng đáng kể sẽ quay ngược trở lại đĩa. Vì hầu hết năng lượng được tạo ra bởi đầu kim, đây chính là nơi thu hết mọi năng lượng phản hồi lại. Kết quả là đầu kim thu nhận vào một dạng méo tín hiệu và tích hợp nó với tín hiệu âm thanh.”
“Hầu hết mọi người đều không nhận ra rằng đường kính 30cm của đĩa than khiến nó trở thành điểm nối nửa bước sóng lý tưởng cho các năng lượng âm học từ quãng dưới của các dải trầm, và cải thiện dần khi dải tần số ngày càng cao hơn. Tự bản thân đĩa có thể làm đẩy các rung chấn ra ngoài không khí, đặc biệt là ở các mức và tần số mà chúng xảy ra. Do đó, không khí cũng giống như một mâm xoay có khả năng hấp thụ, đây cũng là vật chất duy nhất không làm cho các năng lượng này quay trở lại đĩa. Nhờ vậy, khi chơi nhạc, chất âm cũng trở nên rất tự nhiên, rộng mở và có độ động lớn.”
(Hết phần 7)
Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 1)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 2)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 3)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 4)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 5)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 6)
Cơ đĩa than – Những điều chưa kể (Phần 8)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc đĩa than
Nguyễn Hào