Củ loa tweeter và những điều cần biết | TapChiHiFi TV 27

Củ loa tweeter và những điều cần biết

Treble là một phần không thể thiếu của bất cứ chiếc loa nào để có thể tái tạo các dải âm. Với dải tần số âm thanh trải dài từ khoảng 6kHz đến 20kHz, âm treble góp phần làm tăng độ chi tiết, tươi sáng, sắc bén của mọi âm thanh có trong bản nhạc. Và để làm được điều đó, loa cần có sự góp mặt của một bộ phận khá quan trọng mang tên:  driver tweeter.

Không chỉ tái tạo từ giọng vocal, tiếng các nhạc cụ bộ dây, bộ hơi hay các nốt cao khác, tweeter còn góp phần không nhỏ trong việc hình thành âm trường và tạo nên cảm giác về không gian cũng như vị trí. Vậy, những yếu tố nào góp phần làm nên chiếc driver tweeter như chúng ta vẫn thường thấy? Câu trả lời sẽ có trong chương trình ngày hôm nay.

Các nhà sản xuất loa khi thiết kế tweeter thường cố gắng cân bằng giữa  yếu tố chất lượng âm thanh, khả năng tán âm và giá thành. Tweeter lý tưởng phải thật nhẹ để có thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng, nhưng cũng phải cứng chắc để không bị biến dạng  gây méo tiếng khi mở âm lượng lớn. Hệ số tắt dần – biểu thị khả năng ngừng chuyển động ngay tức khắc khi nhạc kết thúc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo ra âm thanh chính xác.

Để làm được như vậy, nhà sản xuất đã sử dụng nhiều loại hình dạng củ loa cùng vật liệu khác nhau. Hiểu được những yếu tố này sẽ giúp người dùng tìm được cặp loa với driver tweeter mà mình muốn.

Yếu tố đầu tiên là hình dạng của driver tweeter. Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tán âm cũng như lựa chọn vật liệu thích hợp. Một trong những thiết kế lâu đời nhất là tweeter dạng nón, giống như driver woofer hoặc midrange. Ngày nay, tweeter dạng nón xuất hiện chủ yếu ở hệ thống âm thanh xe hơi nhờ chi phí thấp, nhưng cách đây 40-50 năm, đây là loại tweeter rất phổ biến ở các hệ thống stereo hifi. Sự phổ biến của đĩa CD và các định dạng âm thanh chất lượng cao từ những năm 80 đã khiến tweeter dạng nón dần ít được sử dụng và gần như biến mất, bởi lẽ loại tweeter này rất hiếm khi chơi được các dải âm trên 15kHz. Bên cạnh đó, thiết kế của tweeter dạng nón khiến độ tỏa âm không cao, đồng thời vật liệu để làm màng loa cũng là loại giá rẻ khiến khả năng tái tạo âm thanh không được tốt như nhiều người mong đợi.

Tweeter dạng vòm xuất hiện từ thập niên 50 để thay cho tweeter dạng nón. Thiết kế dạng vòm giúp tỏa âm thanh rộng hơn. Vì các dải âm cao thường có đặc điểm hướng thẳng nên góc tỏa âm rộng sẽ giúp điểm ngọt rộng hơn, nhờ vậy lựa chọn vị trí cho loa, vị trí ngồi nghe cũng dễ dàng hơn.

Thông thường, nhà sản xuất sẽ nêu rõ kích thước của màng loa tweeter trong phần thông số kỹ thuật. Một loa tweeter dạng vòm cỡ lớn sẽ tỏa âm hiệu quả hơn, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nhiều năng lượng hơn, do đó, người dùng có thể cần một ampli mạnh hơn để phối ghép cùng.

Một trong những biến thể thường gặp của tweeter dạng vòm là tweeter vòm ngược, khá phổ biến ở loa của Focal. Đúng như tên của nó, tweeter vòm ngược có mặt lồi không hướng ra ngoài mà quay vào trong. Ưu điểm lớn nhất của dạng tweeter này là hướng tính thấp, đồng thời độ động cũng cao hơn so với tweeter thông thường trong khi dễ kiểm soát hơn hẳn.

Tweeter dạng vòm và dạng nón là hai dạng thường gặp ở loa điện động. Ngoài ra, còn có các dạng tweeter khác như Piezo, ribbon, AMT, planar ribbon. Bên cạnh đó, người dùng có thể tìm thấy loa tĩnh điện, sử dụng một tấm màng mỏng làm chuyển động không khí sinh ra âm thanh nhưng hoạt động trên nguyên tắc tương tác tĩnh điện thay vì dùng cuộn dây động như loa điện động.

Ngoài yếu tố hình dạng, vật liệu của màng loa cũng đóng vai trò rất quan trọng. Có cả một danh sách rất dài những loại vật liệu có thể dùng làm loa tweeter. Tuy nhiên, xét về bản chất, tựu chung có các loại vật liệu chính: nhựa tổng hợp, vải, kim loại và vật liệu gốc kim loại.

Nhựa tổng hợp như Mylar, polyimide, và PET có những đặc tính rất quý giá. Trước hết, chúng có khả năng kháng ẩm, đặc biệt phù hợp với những vùng nóng ẩm như các nước nhiệt đới đồng thời cũng rất nhẹ. Vì nhẹ nên ampli phối ghép cùng không cần mạnh vẫn có thể điều khiển chúng dễ dàng. Điều này khiến nhựa tổng hợp rất lý tưởng để làm các bộ loa không đòi hỏi nguồn năng lượng dồi dào. Nhược điểm của loại vật liệu này là thiếu độ cứng chắc, do đó hệ số tắt dần không cao, dẫn đến việc âm thanh được tái tạo không chính xác hoàn toàn.

Một trong những nguyên liệu thuộc họ vải được sử dụng làm màng loa tweeter nhiều nhất là lụa. Lụa cùng những nguyện liệu có gốc lụa thường có chất âm ấm, ngọt dịu và tinh tế. Lụa thường được sử dụng cho tweeter của những bộ loa chất lượng cao nhằm mang lại chất âm cân bằng, chân thực. Tweeter màng lụa với công suất lớn thường được gia cố bằng vật liệu tổng hợp để tăng độ cứng chắc cũng như hệ số tắt dần. Nhờ vậy, khi tăng âm lượng đến mức lớn, âm thanh vẫn rất mượt và chính xác.

Nếu ưa thích chất âm thiên sáng và hơi ồn ào, tweeter có màng kim loại sẽ là một lựa chọn phù hợp. Nhôm là vật liệu phổ biến nhất nhờ các ưu điểm nhẹ, bền và thường tạo ra chất âm thiên sáng ở những dải tần số cao. Ngoài nhôm, người ta còn dùng titan vì thứ kim loại này rất nhẹ, độ cộng hưởng cũng thấp hơn nhôm. Những phẩm chất này khiến titan trở thành kim loại lý tưởng nhờ tạo ra các dải cao cực kỳ chính xác mà không quá thô hay chói.

Các nhà sản xuất thường tìm những vật liệu mới để cải thiện cho tweeter, do đó người dùng có thể sẽ còn gặp nhiều loại vật liệu phi truyền thống như kim loại tráng gốm bên ngoài hay các vật liệu gốc kim loại khác.

Bên cạnh hai yếu tố hình dạng và vật liệu, các yếu tố như ống dẫn sóng, dầu tản nhiệt Ferro-fluid, cấu trúc đồng trục hoặc tách rời, thiết kế ba hoặc bốn đường tiếng cũng ảnh hưởng nhiều đến thiết kế của driver tweeter.

Tapchihifi TV