Củ loa woofer và những điều cần biết | TapChiHiFi TV 28

Củ loa woofer và những điều cần biết

Woofer là một phần trong bộ driver của loa, có vai trò tái tạo lại các dải âm trầm hay còn gọi là bass. Cũng giống như các driver còn lại, woofer nhận tín hiệu điện từ ampli, sau đó nam châm điện sẽ biến đổi tín hiệu điện thành dao động cơ học, tác động đến cuộn dây động được nối đến màng loa và làm màng loa di chuyển, tạo thành âm thanh. Về cơ bản, một màng loa woofer lý tưởng phải đáp ứng được ba yếu tố: thứ nhất phải thât cứng, Thứ hai có khả năng tắt dần dao động tốt và thứ ba là khối lượng nhẹ.

Ba yếu tố này chính là nguyên nhân các loa woofer ở loa điện động đều có thiết kế dạng nón. Với thiết kế này, nhà sản xuất có thể tạo ra màng loa cứng chắc nhưng vẫn đảm bảo sự nhẹ nhàng, bởi với màng loa phẳng, để có thể cứng chắc như vậy sẽ nặng hơn nhiều. Đồng thời, hình nón cũng giúp màng loa đẩy không khí về phía trước hoặc ra sau dễ dàng hơn màng loa phẳng.

midrange mid woofer

 Đối với dải âm trầm có bước sóng rất dài thì việc di chuyển dễ dàng là yếu tố quan trọng. Màng loa dễ di chuyển cũng đồng nghĩa với việc woofer không phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Độ cứng chắc của woofer, bên cạnh việc ngăn chặn hiện tượng vỡ tiếng, còn đảm bảo màng loa ngừng chuyển động ngay lập tức khi dải âm kết thúc, hay còn có nghĩa là hệ số tắt dần tốt.

Bên cạnh hình dạng, vật liệu cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc đáp ứng các yêu cầu dành cho loa woofer. Một trong những vật liệu hay được dùng nhất là giấy. Nhiều người cho rằng giấy không bền nhưng điều đó là không đúng. Loại giấy để làm màng loa woofer nhẹ và bền hơn giấy thường nhiều lần. Mặc dù giấy hút ẩm từ không khí nên khối lượng và khả năng tắt dần dao động của màng loa có thể thay đổi theo thời gian, chúng ta không thể phủ nhận rằng có khá nhiều loại woofer, chẳng hạn như woofer của Dayton, sở hữu chất âm khá tuyệt vời. Để xử lý vấn đề ảnh hưởng của thời tiết, nhiều nhà sản xuất đã thêm một lớp nhựa tổng hợp bên ngoài màng loa giấy, vừa để màng loa ổn định hơn, đồng thời cũng trở nên cứng chắc hơn.

Ngoài giấy, Polypropylene là vật liệu được sử dụng nhiều nhất để làm màng loa woofer. Mỗi nhà sản xuất có thể có tên gọi khác nhau vì mục đích marketing nhưng bản chất vẫn chỉ là một. Polypropylene có hai ưu điểm lớn, thứ nhất là chất âm khá ổn, thứ hai là việc sản xuất ra những màng loa polypropylene cực kỳ dễ và chi phí rẻ.

Chất âm của màng loa polypropylene có được là nhờ khả năng khả năng tắt dần dao động màng loa tốt, đồng nghĩa với việc có khả năng kiểm soát vỡ tiếng, do đó có thể chuyển sang các dải âm cao một cách mượt mà trơn tru. Nếu được xử lý cẩn thận, một màng loa polypropylene với hệ số tắt dần tốt có thể chơi hoàn hảo trung âm và âm trầm trong khi chi phí sản xuất chỉ bằng một phần so với các màng loa giấy chất lượng cao.

Kevlar cũng là một vật liệu hay được dùng để làm màng loa woofer. Đây vốn là một loại sợi dệt có độ cứng chắc cao, đảm bảo hệ số tắt dần tốt. Tuy nhiên, các loa woofer tốt với màng Kevlar thường phải trải qua quá trình chế tạo khá phức tạp, do đó loại vật liệu này không được sử dụng phổ biến như giấy hay polypropylene.

Mang loa chuan

Với vật liệu kim loại để làm màng loa dạng nón nón, bery là một lựa chọn lý tưởng, nhưng kim loại này rất đắt, bởi vậy, các nhà sản xuất đều chọn nhôm. Hợp kim nhôm khi được xử lý nhiệt sẽ rất cứng, cộng thêm các ưu điểm như nhiều và rẻ đã khiến thứ kim loại này lựa chọn để làm màng loa cho các bộ loa phổ thông và tầm trung. Tuy nhiên, độ dày của màng nhôm là một vấn đề lớn. Nếu quá mỏng, màng loa sẽ không đủ cứng, nhưng quá dày thì màng loa không đủ nhạy, cứ tăng khối lượng lên gấp đôi thì độ nhạy sẽ giảm đi 6dB, gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phối ghép với các thiết bị khác.

Các vật liệu kể trên chỉ là một phần rất nhỏ trong danh sách hàng trăm loại vật liệu khác nhau được sử dụng để làm loa woofer. Vậy loại vật liệu nào tooid ưu hơn so với số còn lại? Câu trả lời là không lựa chọn nào nổi trội hơn cả. Những vật liệu nêu ở trên đều có khả năng tái tạo các dải âm trầm tuyệt vời cho loa nếu như biết kết hợp các yếu tố khác. Những yếu tố làm nên chất lượng của loa woofer bao gồm: thùng loa, phân tần, lỗ thông hơi, môi trường nghe và gu âm nhạc của người thường thức.

Trong năm yếu tố ấy, hai yếu tố cuối cùng sẽ quyết định việc người dùng có lựa chọn loa woofer hay không. Ở những môi trường nghe khác nhau, chất âm mà người nghe cảm nhận được cũng sẽ khác nhau. Ngoài ra, không phải loa woofer nào cũng thể hiện được chất âm giống nhau. Có chiếc tái hiện rất tốt các dải siêu trầm với uy lực mạnh, tốc độ chậm rãi, có chiếc lại yếu hơn, thiên về các dải trầm nhanh, mạnh. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là được nghe thử loa trong một môi trường quen thuộc để tìm ra chiếc phù hợp với sở thích của mình.

Tapchihifi TV