Der Erlkönig là một trong những tác phẩm sớm nhất của nhạc sĩ Franz Schubert. Đây cũng là bản nhạc mở đường cho sự nghiệp rộng mở của ông.
Erlkönig, hay còn có tên khác là Vua Erl hay Vua Yêu Tinh, là bản nhạc do Franz Schubert sáng tác vào năm 1815. Bản nhạc dựa trên bài thơ cùng tên do nhà người Đức Johann Wolfgang von Goethe viết trước đó 33 năm. Nhiều người tin rằng Erlkönig chính là một trong những bản lied ballad vĩ đại nhất từng được chắp bút. Bản nhạc này được viết để hai người, một ca sĩ và một nghệ sĩ piano cùng biểu diễn. Ở bản nhạc này, người nghe có thể cảm nhận được sự căng thẳng, kịch tính kéo dài cho dù nó chỉ khoảng 4 phút mà thôi. Điều này thậm chí còn ấn tượng hơn, bởi lẽ Schubert chỉ mới 18 tuổi khi sáng tác Erlkönig.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Schubert với nguồn cảm hứng từ tình bạn với hàng loạt ca sĩ tài năng lúc bấy giờ đã viết hơn 600 tác phẩm mặc cho tuổi đời của ông không quá dài (Schubert qua đời năm 31 tuổi). Erlkönig được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc và nổi bất. Bài thơ mà bản nhạc này dựa vào, cũng giống như hàng loạt câu chuyện siêu linh thống trị nền văn học trong suốt thế kỷ 18, có nguồn gốc từ một câu chuyện cổ của Bắc Âu. Bài thơ của Goethe kể về chuyện hai cha con trên đường cưỡi ngựa trở về nhà. Cậu con trai hoảng sợ khi phát hiện ra rằng vua Erl, một thực thể siêu nhiên, hùng mạnh nhưng cũng cực kỳ đáng sợ đang bám theo họ. Tuy nhiên, cha cậu bé dường như không thể nhìn thấy cũng như không nghe được sinh vật đó và chỉ đáp lại rằng trí tưởng tượng của cậu đang đánh lừa cậu mà thôi (cũng có người cho rằng người cha thực ra biết vua Erl đang đuổi theo để bắt cậu bé, nhưng ông cố tình nói vậy để cậu bé yên tâm hơm). Người con ngày càng hoảng sợ khi nghe những lời dụ dỗ của vua Erl để bắt cậu đi theo, nhưng ông bố vẫn trả lời rằng những gì cậu bé nghe và nhìn thấy thực ra chỉ là thiên nhiên trong một đêm tăm tối, mưa gió bão bùng mà thôi. Cuối cùng, vua Erl sử dụng vũ lực để giằng lấy cậu bé. Người cha vội thúc ngựa chạy nhanh hơn và kịp chạy về đến nhà. Thế nhưng, khi xem tới đứa con thì cậu bé đã qua đời từ lúc nào không biết.
Nhiều người kể rằng bài thơ này dựa trên một câu chuyện có thật. Một ngày nọ, Goethe đến thăm một người bạn vào lúc đêm tối, trong màn đêm có một bóng đen ôm một vật trong tay phi như bay qua cổng. Ngày hôm sau nhà thơ và người bạn nghe người khác kể rằng họ đã nhìn thấy một người người nông dân mang đứa con bị bệnh đến bác sĩ. Tình tiết này cùng những câu chuyện về loài yêu tinh trong thần thoại Bắc Âu đã là nguồn cảm hứng cho bài thơ.
Bằng sự tài năng của mình, Schubert khéo léo nhấn mạnh, khắc họa các hành động được mô tả trong bài thơ thông qua cách phối nhạc rất tỉ mỉ, cẩn thận, từ đó khiến người nghe cứ thế dần bị cuốn hút vào câu chuyện. Sự đáng sợ, kinh hoàng của câu chuyện này được nâng tầm lên rất xuất sắc chỉ thông qua một vài phương pháp cơ bản. Cho dù chỉ có một ca sĩ trong bản nhạc, Schubert vẫn khắc họa lên được bốn nhân vật gồm người dẫn chuyện, người cha, cậu bé và Vua Erl, với phong cách rất đặc trưng cho từng người. Chẳng hạn, mỗi khi đến đoạn cậu bé lên tiếng, sự hoảng sợ của cậu được khắc họa rất rõ nét với tông giọng ngày càng cao dần, trong khi giọng nói của cha không chỉ thấp hơn mà còn đều đều, với mục đích để trấn an, xua tan đi nỗi sợ hãi của cậu con trai. Ngược lại, giọng nói của Vua Erl, ban đầu rất ngọt ngào, nhưng, khi đã mất kiên nhẫn với cậu bé, tông giọng của hắn chuyển sang giận dữ, đầy sự đe dọa.
Người nghệ sĩ piano cũng góp phần rất lớn trong việc làm nên sắc thái biểu cảm của từng nhân vật cũng như khắc họa nên bối cảnh cho bản nhạc. Có thể thấy Schubert đã quyết định để tay phải thực hiện một chuỗi các hợp âm staccato liên tục gợi ra sự dồn dập, không ngừng nghỉ của tiếng vó ngựa cũng như tình huống khẩn cấp của hoàn cảnh lúc bấy giờ. Trong khi đó, các bước chuyển của tay bên trái khá nhỏ, đều đều, thậm chí có phần lặng lẽ giống như đang khắc họa màn đêm ảm đạm, nhợt nhạt. Khi gần kết thúc bài hát âm nhạc chậm hẳn lại và tiếng piano dừng trước khi câu kết “In seinen Armen das Kind war tot.” (Đứa trẻ đã chết trong tay ôn) cất lên, báo hiệu số phận của cậu bé. Cho đến tận bây giờ, Der Erlkönig vẫn được xem là một bản nhạc rất khó, là thử thách đối với bất cứ người đệm nhạc nào, dù là trên piano hay trên các nhạc cụ bộ dây khác.
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Những cặp loa có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử 1
Nguyễn Hào