Trong kỳ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nốt về lịch sử đĩa than cũng như các vật liệu và thiết kế của chiếc đĩa than ngày nay.
Nhà phát minh người Mỹ Thomas Alva Edison thường được xem như là người sáng tạo ra máy thu âm với chiếc phonograph – phát minh yêu thích nhất của ông. Mặc dù Charles Cros (1842-1888) từng viết ra kế hoạch tạo ra một cỗ máy tương tự, phải đến mấy chục năm sau Edison mới tiến hành thử nghiệm và nhận bằng sáng chế cho phonograph vào ngày 17/02/1878. Từ cuối năm 1877, Edison đã làm việc ở phòng thí nghiệm tại Menlo Park, New Jersey để cải tiến cho chiếc điện thoại của Alexander Graham Bell. Với mục tiêu tăng độ rung động ở đầu thu tín hiệu điện thoại, Edison đặt một mũi nhọn trên đó và rất ngạc nhiên khi nhận thấy rằng đầu thu của điện thoại có thể rung đủ mạnh để mũi nhọn đó chạm vào tay ông. Lúc này ông bắt đầu xây dựng giả thuyết rằng có thể đặt một mũi nhọn tương tự để ghi lại tác động của âm thanh lên một tấm lá thiếc đang chuyển động, và âm thanh có thể tái tạo bằng cách đi lại chính đoạn vừa tạo ra bằng một mũi nhọn khác gắn vào một màng loa.
Edison đã phác thảo bản vẽ cỗ máy này và đưa cho John Kruesi, yêu cầu làm nó ngay lập tức. Thiết bị mà Kruesi dựng ra sử dụng một ống trụ bằng đồng với các đường rãnh xoắn phía trên, được bọc xung quanh bằng lá thiếc. Khi quay một chiếc tay cầm, ống trụ cũng sẽ quay theo. Ở mỗi đầu của ống trụ có một màng mỏng một cây kim. Đầu thu sẽ đứa sóng âm đến rãnh kim, sau đó ống trụ được đặt lại. Ở đầu bên kia (có nối với bộ khuếch đại), âm thanh sẽ biến thành rung chấn và khắc lên lá thiếc. Ngày 06/12/1877, Edison thử chiếc máy của mình bằng cách nói câu “Mary Had a Little Lamb.” Mặc dù tín hiệu bị méo khiến âm thanh nghe không giống như ngoài đời thực, thế nhưng nó vẫn nghe được rất rõ ràng, hơn hẳn âm thanh từ chiếc điện thoại thời kỳ đầu của Alexander Graham Bell.
Tin tức về chiếc máy biết nói này lan ra rất nhanh, làm chấn động không chỉ Viện khoa học Quốc Gia và Viện Smithsonian. Ngay chính tổng thống Mỹ khi ấy là Rutherford B. Hayes cũng thức đến 3h sáng chỉ để nghe chiếc máy này.
Vật liệu thô
Vật liệu thô để các nhà sản xuất sử dụng làm đĩa than có thể chia làm ba loại: Vật liệu dùng làm đĩa master, vật liệu dùng để ép đĩa nghe và các loại giấy dùng để làm nhãn đĩa, vỏ lót và bìa bọc. Đĩa master vốn là đĩa nhôm phủ sơn mài màu đen, do đó người làm đĩa có thể dùng máy cắt để cắt rãnh đĩa chứa thông tin về âm thanh. Đĩa hoàn thiện sau đó được phủ một lớp bạc lên. Còn các đĩa dùng để ép làm đĩa nghe hoàn chỉnh sẽ được làm bằng nickel mạ chromium.
Thông thường đĩa than sẽ được làm thành màu đen nhựa, dù rằng đôi lúc chúng cũng được hoàn thiện với các màu khác. Công ty thu âm sẽ thiết kế nhãn đĩa, vỏ lót và bìa bóc, sau đó đưa các thiết kế này cho bên cung cấp giấy để họ in ra luôn.
Thiết kế
Đĩa than ngày nay có ba kích cỡ và ba hình thức tái tạo âm thanh khác nhau. Loại đĩa thực sự xuất hiện trong lịch sử là đĩa 78 vòng / phút. Đĩa 78 sau đó bị thay thế bởi đĩa có thời lượng dài LP. ĐĨa LP còn gọi là đĩa 33 vì nó có thể quay với tốc độ 33 vòng / phút. Đĩa chỉ có một bài duy nhất cho mỗi mặt thường được gọi là đĩa đơn hoặc đĩa 45 vì chúng được chơi với tốc độ 45 vòng / phút.
Trước những năm 60 của thế kỷ trước, các đĩa than này đều là đĩa monaural (chỉ có một kênh đường tiếng duy nhất). Khi công nghệ ngày càng tiến bộ, âm thanh cho đĩa than cũng được nâng cấp lên thành hai kênh (stereo) hoặc bốn kênh (quadrophonic), có thể xuất âm ra hai đến bốn loa và đem đến âm thanh chân thực hơn, vì nó rất gần gũi với những gì mà chúng ta cảm nhận được bằng hai tai.
Các thiết bị chơi đĩa than cơ bản đã hạn chế khá nhiều biến thể của đĩa than, ít nhất là về mặt ngoại hình. Thay vào đó, sự sáng tạo lại đến từ các studio thu âm cũng như các nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhà nghiên cứu, những người làm nên artwork và text trên vỏ bìa đĩa. Đôi lúc, những người sưu tầm lựa chọn đĩa không phải chỉ vì các bản nhạc bên trong mà còn vì những hình ảnh, bức vẽ cực kỳ khó kiếm xuất hiện trên vỏ bìa đĩa than. Cho nên, sưu tập đĩa than đôi lúc còn đòi hỏi người chơi không chỉ có kiến thức về âm nhạc mà còn cả lịch sử, hội họa hoặc nhiếp ảnh nữa.
(Hết kỳ 2)
Đĩa than – thế giới đặc biệt của audiophile (phần 1)
Đĩa than – thế giới đặc biệt của audiophile (phần 3)
Đĩa than – thế giới đặc biệt của audiophile (phần 4)
Đĩa than – thế giới đặc biệt của audiophile (phần 5)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Hướng dẫn cơ bản cho đặt vị trí loa trong hệ thống stereo
Nguyễn Hào