Đĩa than – thế giới đặc biệt của audiophile (phần 3)

Bắt đầu từ kỳ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quá trình một chiếc đĩa than được tạo ra hoàn chỉnh. Loạt bài viết này sẽ tiếp tục nói về các giai đoạn làm đĩa than khác nhau. Trong kỳ đầu tiên, chúng ta sẽ nói về quá trình thu âm và làm đĩa master.

Quá trình thu âm

Để tạo ra một bản thu hoàn chỉnh, trước hết chúng ta sẽ cần thu âm. Ở studio hoặc nơi tổ chức biểu diễn (trong trường hợp thu âm trực tiếp), microphone sẽ được đặt ở những vị trí khác nhau tùy vào đặc tính âm học của nơi thực hiện thu âm và bản nhạc được thu âm. Có khá nhiều microphone khác nhau, có loại chuyên dùng để thu giọng hát solo, một vài loại khác dùng để thu tiếng nhạc cụ phía sau để làm nhạc nên. Bản chất của microphone là transducer (thiết bị biến năng lượng từ dạng này sang dạng khác), sau khi bắt được âm thanh, nó sẽ chuyển đổi âm thanh thành một loạt dòng điện và đưa sang đầu thu trên máy thu chạy băng từ. Đầu thu này được làm bằng nhiều lớp kim loại để hình thành điện từ, và từ tính sẽ gửi sóng âm dưới dạng dòng điện tới băng từ. Lượng dòng điện hoặc từ tính sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức năng lượng mà microphone nhận được từ âm thanh.

mam dia than dung day cu-roa

Trước khi đi sâu hơn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về băng từ. Băng từ có một dải băng làm bằng plastic với độ rộng 5cm, một mặt được phủ các hạt oxit sắt. Khi băng chạy trên máy và tiếp xúc với điện từ, phần oxide sắt sẽ phản ứng với thay đổi trong dòng điện hoặc từ tính, từ đây hình thanh nên các đặc tính âm thanh trên băng từ do cách sắp xếp các hạt oxit sắt trên bề mặt. Nếu nhìn qua kính hiển vi, ta có thể thấy được lớp hạt này nhưng bằng mắt thường thì không. Dù vậy, lớp hạt oxit sắt vẫn có độ chính xác rất cao và có thể tồn tại vĩnh viễn.

Trong quá trình thu âm, kỹ sư âm thanh sẽ giám sát công việc để đảm bảo tất cả các nốt sẽ được thu lại trên băng từ. Bình thường, một cuộn băng từ với độ rộng 5cm sẽ được chia làm 16 phần riêng biệt, mỗi phần dùng để ghi lại một nhạc cụ, một giọng hát, một phân bộ của dàn nhạc giao hưởng hay âm thành từ các micro khác nhau. Trong quá trình thu âm, kỹ sư âm thanh cũng sẽ can thiệp vào bằng cách dùng bảng điều khiển master để thêm các hiệu ứng đặc biệt hoặc để điều chỉnh âm thanh đúng như ý muốn. Trên bảng điều khiển master cũng cho phép điều chỉnh từng phần riêng trong 16 phần của băng từ, từ đó có thể tăng hoặc giảm mức âm lượng theo yêu cầu. Kỹ sư âm thanh sẽ tiến hành trộn lẫn các phần trên băng từ (thuật ngữ mix bắt đầu từ đây) khi quá trình thu âm hoàn thành để điều chỉnh từng phần khác nhau, đảm bảo cân bằng giữa các nhạc cụ và ca sĩ. Họ có thể tập trung vào một nhạc cụ cụ thể ở phân đoạn nào đó, rồi sau đó lại chuyển sang các nhạc cụ khác ở phần tiếp theo.

mam dia than dung day cu-roa tot

Đôi lúc, âm thanh của một giọng hát hay một nhạc cụ nhất định trên bản thu hoàn chỉnh không đúng như yêu cầu, do vậy các nghệ sĩ sẽ phải thu âm lại. Để không mất thời gian, người ta sẽ không thu âm toàn bộ mà chỉ riêng phần bị hỏng. Quá trình này gọi là chèn âm (overdubbing), khi đó người ta sẽ thêm một phần mới trên băng từ. Nếu như phải chèn âm, có khả năng băng từ sẽ phải remix lại. Đôi khi các nghệ sĩ không thể tiến hành thu âm cùng lúc ở studio. Khi đó, kỹ sư âm thanh sẽ thu phần bộ gõ tạo giai điệu trước, sau đó là đến ca sĩ rồi cuối cùng là bộ dây. Nhà sản xuất và kỹ sư thu âm cùng làm việc với nhau để tạo ra bản thu hoàn chỉnh. Băng chứa bản thu này sẽ được gọi là băng master, được sử dụng để làm đĩa master.

Làm đĩa master

Đĩa master được làm bằng nhôm phủ sơn mài đen và được gọi là đĩa lacquer. Các kỹ sư master là những người chịu trách nhiệm làm loại đĩa này. Đầu tiên họ sẽ đưa tất cả âm thanh thu được lên một một mặt đĩa với độ rộng nhất định. Chẳng hạn, âm thanh dành cho đĩa 45 vòng / phút sẽ nằm trên rãnh đĩa rộng 3cm, bất kể bản nhạc đó kéo dài 3 hay 4 phút. Công việc của các kỹ sư master rất quan trọng vì đĩa master do họ làm ra sẽ được dùng để sản xuất hàng loạt các đĩa than hoàn chỉnh khác. Những âm thanh có mức âm lượng lớn sẽ đòi hỏi rãnh đĩa rộng, trong khi âm lượng thấp chỉ cần rãnh đĩa nhỏ là đủ.

dau dia than Lenco L-85

Kỹ sư master sẽ sử dụng máy cắt rãnh chuyên dụng, có trang bị kim điện cắt rãnh để khắc rãnh lên bề mặt đĩa lacquer. Nhìn chung, đĩa master rất giống đĩa than hoàn chỉnh nhưng kích thước lớn hơn hẳn. Để làm một đĩa 45 vòng / phút với đường kính 17.8cm, người ta sẽ cắt lên đĩa trắng đường kính 25.4cm. Tương tự, với đĩa 33.3 vòng / phút đường kính 30.5cm, người ta cắt đĩa trắng 35.6cm. Rãnh đĩa này thực chất giống như lớp hạt oxit sắt trên băng từ vì nó lưu lại thông tin của rung chấn âm thanh. Khi cắt đĩa lacquer, đầu kim sẽ được làm nóng để cắt dễ hơn. Máy cắt đĩa cũng được trang bị ống tạo chân không bên cạnh kim, có nhiệm vụ hút mạt rãnh sau khi cắt xong.

Khi quá trình cắt hoàn thành, kỹ sư master sẽ đánh dấu ở rìa ngoài đĩa các thông tin nhận dạng như tên bài hát hay album, số master và loại âm thanh cần thực hiên trên đĩa (mono, stereo hay quadrophonic). Đến lúc này, nhà sản xuất và nghệ sĩ sẽ nghe thử trên đĩa tham chiếu hoặc đĩa master trước khi bước vào những giai đoạn cuối cùng. Sau khi được phê duyệt, người ta sẽ tráng một lớp bạc rất mỏng lên đĩa.

dau dia than Audio-Technica AT-LP5

Ở nhà máy sản xuất, người ta sẽ làm khuôn kim loại từ đĩa master đã tráng bạc, sau đó đổ dung dịch nickel lên khuôn để làm bản stamper (mỗi stamper tương ứng với một mặt của đĩa hoàn chỉnh). Các bản stamper này sau đó được mạ điện với một lớp chromium mang độ dày chỉ 0.0025cm. Lớp chromium này sẽ bảo vệ cho bản stamper không bị trầy xước hay tác động vật lý làm hỏng.

(Hết kỳ 3)

Đĩa than – thế giới đặc biệt của audiophile (phần 1)

Đĩa than – thế giới đặc biệt của audiophile (phần 2)

Đĩa than – thế giới đặc biệt của audiophile (phần 4)

Đĩa than – thế giới đặc biệt của audiophile (phần 5)

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Giới thiệu dòng loa Pylon Audio Sapphire

Nguyễn Hào