ECC83 Bóng đèn preamp huyền thoại | TapChiHiFi TV 162

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong video mới nhất của Tapchihifi TV. Trong số những bóng đèn NOS, tức các bóng được sản xuất từ lâu nhưng chưa được sử dụng, có mặt trên thị trường hiện nay, những cái tên được tìm kiếm nhiều nhất phải kể đến là các bóng preamp 12AX7/ECC83, 5751, 12AU7 và các bóng power-amp EL84/6BQ5,  EL34 hay 6L6. Trong video ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bóng đèn 12AX7/ECC83 – một trong những loại bóng đèn huyền thoại được ưa chuộng không chỉ bởi audiophile mà còn bởi các nghệ sĩ guitar bởi chất âm và độ bền của mình.

Bóng đèn 12AX7, hay còn gọi là ECC83 là một loại bóng đèn chân không ba cực kép – phiên bản thu nhỏ của bóng đèn 6AV6 với độ khuếch đại điện áp cao. Loại bóng đèn này được các kỹ sư của RCA tại Camden, New Jersey phát triển vào năm 1946 với mã số A-4522. Đúng 1 năm sau, 12AX7 chính thức được tung ra thị trường vào ngày 15 tháng 9 năm 1947.

Ban đầu người ta dự định dùng bóng 12AX7 để thay thế cho dòng bóng đèn ba cực kép 6SL7 ở các thiết bị âm thanh. Đây là loại bóng đèn rất nổi tiếng với những người đam mê ampli đèn, và việc được sử dụng liên tục trong các thiết bị âm thanh đã khiến 12AX7 trở thành một trong số ít các bóng đèn chân không tín hiệu mức thấp được sản xuất liên tục kể từ khi được ra mắt đến nay.

den ECC83 hay

Tính đến năm 2018, bóng đèn 12AX7 được sản xuất ít nhất tại một nhà máy ở Nga (nhà máy New Sensor, chuyên sản xuất bóng đèn cho Sovtek, Tung-Sol và Mullard), hai nhà máy ở Trung Quốc (Shuguang và Quanzhen Electron Tube Technology, thường được dán nhãn TJ FullMusic) và một ở Slovenia (JJ Electronic). Hiện nay số lượng bóng đèn thuộc họ 12AX7 rơi vào khoảng 2 triệu bóng.

Trên thực tế, ECC83 hay 12AX7 cũng đều để chỉ chung một loại bóng đèn preamp. ECC83 là tên gọi ở châu Âu của bóng đèn 12AX7. Loại bóng đèn này được rất nhiều hãnh như Mullard, Amperex, Siemens, hay Philips quan tâm và sản xuất. Bóng đèn ECC83 của Châu Âu rất được ưa chuộng vì hầu hết đều có chất âm ấm áp. Những bóng đèn này tập trung vào hài âm bậc chẵn, vì thế âm thanh có độ ấm và độ “sạch” nhất định, khi chơi trên ampli guitar sẽ đem lại cảm giác cực kỳ dễ nghe.

Ở Mỹ, bóng đèn này có tên là 12AX7 và được một số hãng như RCA, GE, Sylvania hoặc Tung-Sol sản xuất. Bóng đèn 12AX7 của Mỹ thường chú trọng đến các dải âm cơ bản chứ không như bóng đèn châu Âu tập trung nhiều vào hài âm bậc chẵn. Điều này đồng nghĩa với việc âm thanh của các bóng này đậm chất “Mỹ”, khá trung tính, cân bằng giữa các dải âm và thể hiện được nhiều chi tiết.

den ECC83

Những người sử dụng ampli của Fender sẽ rất quen với loại bóng đèn này, đặc biệt là những ai chuộc chất âm của nhạc rock hoặc blues cổ điển thuộc giai đoạn thập niên 50, 60. Ngoại lệ của những bóng đèn này là các bóng đèn với phiến đèn màu đen do RCA, Sylvania, Raytheon, và Ken-Rad sản xuất. Những bóng đèn ấy có chất âm đậm chất châu Âu, rất ấm áp và tập trung nhiều vào hài âm.

Nhìn chung, các bóng ECC83 / 12AX7 thường được dùng ở tầng preamp của 99% các ampli guitar đèn. Nhà sản xuất có thể sử dụng từ 2 đến 5 bóng đèn loại này. Tất cả đều có chung một nhiệm vụ là khuếch đại một tín hiệu cực nhỏ để trở thành tín hiệu lớn hơn. Vì đây là nhiệm vụ khá năng, một bóng đèn không thể làm được nên các hãng thường thiết kế nhiều tầng khuếch đại nối tiếp nhau để đạt độ lợi được như mong muốn. Thông thường, ở một ampli guitar điển hình sẽ có 3 bóng ECC83 với 6 tầng độ lợi.

Có một điều mà bất cứ ai sử dụng bóng đèn NOS cũng cần lưu ý, đó là logo và nhãn hiệu trên bóng đèn không thật sự có nhiều ý nghĩa. Hầu hết các hãng sản xuất bóng đèn lớn của châu Âu và của Mỹ làm sản phẩm dưới nhiều logo khác nhau. Nhiều bóng đèn thậm chí còn là bóng OEM, tức là bóng của thương hiệu này nhưng lại do thương hiệu khác sản xuất. Chẳng hạn, các nhà sản xuất của Mullard hay RCA cũng đồng thời sản xuất bóng đèn cho nhiều công ty khác và họ sẽ đặt những logo khác nhau lên sản phẩm của các hãng khác nhau.

den ECC83 dep

Những bóng đèn như The Fisher, Bogen, hay Knight của Mullard chắc chắn vẫn là sản phẩm của Mullard. Thế nhưng có không ít bóng Mullard ECC83 của Anh lại mang nhãn Amperex và ngược lại. Nhiều khi những bóng mang nhãn dấu “Gt. Britain” trên vỏ của Mullard lại là bóng do Ei, RFT hoặc Amperex sản xuất. Điều này cũng đúng với bất cứ hãng bóng đèn phổ thông nào. Thậm chí có trường hợp người dùng còn tìm thấy bóng ECC83 của châu Âu nhưng lại mang logo của các thương hiệu Mỹ như RCA.

Đây chính là lý do vì sao việc hiểu được cấu trúc bóng đèn, mã bóng và lịch sử của bóng đèn rất quan trọng, hoặc ít nhất nên mua bóng đèn từ những người có đủ bằng ấy kiến thức. Yếu tố thực sự quyết định bóng đèn chính là cấu trúc bóng, nơi sản xuất và ngày sản xuất cùng mã in trên bóng. Chẳng hạn, các bóng RCA hay Telefunken được đề nhãn Zenith hay Fisher vẫn sẽ giống như bóng RCA hay Telefunken thật nếu chúng được sản xuất ở cùng nhà máy và có cùng mã in.

Với chất âm cực kỳ ấn tượng, bóng đèn 12AX7/ECC83 đã một trong những loại bóng đèn huyền thoại, có lịch sử lâu đời và cực kỳ được ưa chuộng. Hi vọng rằng video ngày hôm nay sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của quý vị và các bạn. Còn giờ, thời lượng của chương trình đã hết. Hẹn gặp lại trong những số tiếp theo của Tapchihifi TV.

Tapchihifi TV