Borg là một cặp loa có phần mâu thuẫn, ít nhất là về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu biết người sáng tạo nó là ai, có thể nhiều người sẽ không còn thắc mắc nữa.
Karl-Heinz Fink – người đàn ông đứng sau Fink Audio-Consulting và FinkTeam là người Đức chính gốc. Thế nhưng, các thiết kế của ông lại chịu khá nhiều ảnh hưởng từ những cặp loa Anh. Khách hàng của Karl-Heinz Fink khá đông, trong đó có những thương hiệu danh tiếng như Tannoy, Yamaha, Q Acoustics, Boston Acoustics, Castle, Denon, hay Marantz. Thậm chí, ông từng thiết kế các mẫu thiết bị Naim Ovator và làm driver cho hệ thống Naim audio trên xe Bentley, nên nếu như đã từng dùng sản phẩm của những hãng kể trên, rất có thể người dùng đã từng nghe một mẫu loa do Karl-Heinz Fink thiết kế.
Borg là một trong hai mẫu loa của FinkTeam (mẫu loa còn lại là WM-4). Từng xuất hiện ở Munich High End Show 2018, cặp loa này khiến nhiều người khá ngạc nhiên bởi thiết kế cấu trúc đường tiếng cũng như kích thước driver của nó. Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta cần biết rằng loa sàn đứng sử dụng cấu trúc hai đường tiếng không phải là lạ, nhưng không phải cặp loa hai đường tiếng nào cũng sử dụng woofer với đường kính lên đến 26cm như Borg vì lý do kỹ thuật. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem FinkTeam đã làm thế nào để tạo ra Borg giống như hiện tại.
Giới thiệu về FinkTeam Borg
Khi thiết kế Borg, đội ngũ thiết kế của FinkTeam đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng – đó là tạo ra một cặp loa có thể đặt được ở những phòng nghe có kích thước bình thường. Bởi lẽ cặp loa WM-4 trước đó có kích thước rất đồ sộ (bản thân WM cũng là viết tắt của “Washing Machine” – Máy giặt), chỉ có thể đặt được ở những phòng nghe có kích thước rất lớn. Do đó, Borg có kích thước nhỏ hơn khá nhiều.
Hình dáng đặc biệt, phi truyền thống của FinkTeam Borg sẽ khiến nhiều người nghĩ đến những cặp loa của Avalon. Thực ra khi thiết kế, đội ngũ của FinkTeam coi trong yếu tố kỹ thuật nhiều hơn là thẩm mỹ, do đó họ lựa chọn một hình dáng được cho là tối ưu hóa độ cứng chắc cũng như giảm thiểu được rung chấn bên trong. Bản thân vách thùng được làm theo cấu trúc sandwich, với hai lớp gỗ ở hai bên và vật liệu giảm chấn được kẹp ở giữa. Độ dày của vách thùng cũng không đồng nhất mà có giao động tùy từng vị trí khác nhau.
Bản thân thùng loa có thể chia làm ba phần khác nhau: mặt trước, mặt sau và đế. Mặt trước và mặt mặt sau phủ enamel – một loại véc-ni đặc biệt có thể tạo ra bề mặt khá cứng chắc sau khi đã khô. Ở mặt sau, thùng loa được phủ màu sơn veneer gỗ tự nhiên rất đẹp. Có ba màu hoàn thiện cho loa, gồm, mặt trước màu xám đậm và mặt sau tối màu, mặt trước màu kem và đằng sau màu nhạt, mặt trước màu đen và mặt sau màu sáng.
Chi tiết kỹ thuật
Đối với loa hai đường tiếng, thông thường nhà sản xuất chỉ sử dụng driver woofer 16.5cm, cắt tần quanh phạm vi 2080Hz hoặc woofer cỡ lớn hơn thì khoảng 20cm, cắt tần quanh dải 1600Hz. Vấn đề lớn nhất của việc dùng củ loa woofer cỡ lớn cho loa hai đường tiếng là người thiết kế phải chọn cắt tần cao hơn phạm vi mà loa woofer hoạt động hiệu quả, hoặc thấp hơn dải mà tweeter có thể chơi hay, không bị vấn đề gì. Do đó, rất hiếm khi có thể tìm thấy một cặp loa hai đường tiếng với màng loa woofer lớn hơn 20-21cm.
Đối với Borg, đội ngũ ở FinkTeam sử dụng driver woofer 26cm màng nón làm bằng giấy với cuộn voice coil khá lớn, lên đến 75mm để xử lý tải. Driver này sử dụng khung thân làm bằng nhôm đúc tái hiện lại âm thanh với độ động cao, không bị lên màu và có khả năng chơi tốt ngay cả khi mở mức âm lượng rất lớn. Driver tweeter được sử dụng là driver AMT do hãng Mundorf thiết kế và sản xuất, sử dụng màng loa làm từ vật liệu Kapton dày 25µm kết hợp với các dải nhôm dày 50µm. Loa được cắt tần ở dải 1600Hz.
Đối với Borg, FinkTeam sử dụng phân tần bậc 4 Linkwitz-Riley khá phức tạp với độ trễ nhất định giữa hai khoảng dải âm. Tần số cắt 1600Hz của loa được coi là rất thấp, với mục đích là để các dải trầm không xuất hiện hướng tính, có thể nghe tốt dù ngồi ở bất cứ vị trí nào. Muốn như vậy, bản thân tweeter cũng phải có khả năng chơi các dải thật thấp để bù vào khoảng trống của woofer. Đó là lý do vì sao Borg lại sử dụng driver AMT tweeter với diện tích bề mặt lên đến 6464 mm2.
Do phân tần sử dụng tới hai bảng mạch riêng nên nếu nhìn đằng sau, ta sẽ hấy có tới hai cặp cọc loa riêng rẽ, do đó cần dùng tới clamp để nối lại. Loa sử dụng jumper do Mundorf cung cấp, đồng thời tụ điện polypropylene cao cấp của hãng cũng có thể tìm thấy trên mạch phân tần của hãng. Ngoài ra, với mục đích tạo nên một cặp loa dễ phối ghép với bất cứ ampli nào, FinkTeam đã tạo nên Borg với trở kháng của loa không bao giờ thấp hơn mức 6 Ohm và độ nhạy là 87dB. Đáp tuyến tần số của loa nằm trong phạm vi 41Hz – 30kHz ở khoảng ± 6dB.
Bên cạnh clamp, FinkTeam Borg còn sở hữu một thứ rất hiếm khi xuất hiện trong hệ thống hi-fi thông thường mà có mặt nhiều hơn, thậm chí còn là một thứ không thể đối với các hệ thống studio chuyên nghiệp. Đó là hệ thống chỉnh âm sắc. Ta có thể thấy bộ chỉnh trung âm thực chất là một bộ lọc khoảng, hoạt động trong phạm vi 300Hz – 2kHz. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến vị trí âm trường, khiến âm trường có thể gần sát hoặc cách xa người nghe. Ngoài ra, chức năng này còn có thể dùng để bù lỗi âm học của phòng nghe.
Núm chỉnh Presence thực chất là một bộ lọc khoảng với phạm vi hẹp, trọng tâm ở dải 2.5kHz. Chức năng của nó là thay đổi đặc điểm chất âm bị ảnh hưởng từ nguồn phát, dây cáp hay ampli. Theo nhà sản xuất, các nấc từ dấu “+” trở đi phù hợp với hệ thống có chất âm dịu dàng, trong khi dấu “–” dành cho các hệ thống có chất âm sáng và cứng. Ở đây, chúng ta cũng có núm chỉnh Damping để điều khiển hệ số tắt dần của loa với ba nấc khác nhau. Nấc 1 dành cho các ampli bán dẫn có hệ số tắt dần dao động cao. Nấc 2 dành cho các ampli có hệ số tắt dần dao động thấp 2, còn nấc 3 chỉ dành riêng cho ampli đèn.
Kết luận
Có thể thấy FinkTeam Borg là một cặp loa kỳ lạ, với những công nghệ, quan điểm thiết kế ít khi được thấy trong thiết kế loa hi-fi thông thường. Cặp loa này sở hữu một chất âm khá ấm áp, có phần hơi lên màu nhưng cực kỳ giàu cảm xúc, dễ nghe và thể hiện nhạc tính rất rõ. Dù tập trung nhiều hơn vào các dải trầm nhưng thứ khiến người nghe giật mình không phải là sức mạnh của các dải bass, mà là sự cân bằng, hài hòa giữa các dải âm được thể hiện.
Chất âm của cặp loa này có phần ít năng lượng hơn so với những cặp loa tốt nhất của Harbeth, chủ yếu để truyền tải nội dung cũng như cảm xúc rõ hơn. Đây sẽ là một cặp loa mà nhiều người cảm thấy rất thích vì sự dung hòa trong chất âm của nó.
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Giới thiệu dòng loa Pylon Diamond
Thanh Tùng