Giới thiệu dòng loa Pylon audio Opal | TapChiHiFi TV 95

Tapchihifi TV rất vui được gặp lại quý vị và các bạn. Trong những kỳ trước đây, chúng tôi đã giới thiệu đến quý vị và các bạn một thương hiệu loa rất nổi tiếng của Ba Lan, đó là Pylon Audio. Nếu nhìn lại quãng đường phát triển của hãng loa này, chắc hẳn ai cũng sẽ phải giật mình trước những gì mà họ làm được trong vòng 8 năm qua. Khó có thể tin được rằng kể từ khi cặp loa đầu tiên – Pearl xuất hiện vào năm 2011, Pylon đã có một chỗ đứng rất vững chắc trên thị trường.

Tuy chưa đến mức thống trị, họ đã có thể cạnh tranh với những tên tuổi lớn như Monitor Audio, KEF hay Q Acoustics, đặc biệt là ở phạm vi phân khúc tầm trung và phổ thông. Để làm được điều này, tất nhiên không thể không kể đến sự năng động và khả năng làm việc hết mình của CEO Mateusz Jujka, tài năng của đội ngũ kỹ sư làm việc cho Pylon Audio cũng như định hướng làm việc đúng đắn. Với những dòng loa mang giá thành hợp lý cùng chất lượng rất cao, không khó hiểu vì sao họ có thể thành công chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.

Loa Pylon Audio Opal 23 hay

Tính đến thời điểm hiện tại, Pylon Audio đang sản xuất 7 dòng loa và đã ngừng hai dòng. Trong số này, Opal là dòng loa đầu bảng của phân khúc bình dân, ở trên hai dòng loa khác là Pearl và Coral. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về dòng loa Opal của họ.

Những cặp loa Opal đầu tiên xuất hiện vào năm 2016 đã gây được ấn tượng rất mạnh bởi với chất lượng của chúng, rất khó để tin được rằng đây là loa trong phân khúc bình dân do chất lượng rất tốt. Hiện tại, dòng loa Opal có tổng cộng 6 mẫu loa, trong đó ba mẫu loa Opal 20, Opal 23 và Opal 30 là loa sàn đứng, Opal Monitor là loa bookshelf, các loa Opal Sat / Opal Center là loa vệ tinh và loa trung tâm dùng để phục vụ cho các hệ thống rạp hát tại gia.

Loa Opal có đặc điểm chung là thùng loa được làm từ những tấm gỗ MDF dày 18mm rất chắc chắn. Lớp phủ veneer nhìn đẹp tới mức nếu không để ý kỹ, chúng ta khó có thể nhận biết được liệu đây có phải veneer tự nhiên không. Ngoài màu veneer PVC ra, người dùng cũng có quyền lựa chọn veneer gỗ tự nhiên, sơn bóng hoặc sơn mài màu lì. Vách mặt trước được phủ sơn đen, dày 25mm. Cạnh trên và dưới của vách được bo tròn, khiến cho cặp loa trông mềm mại hơn rất nhiều

Loa Pylon Audio Opal 23 dep

Về mặt thông số kỹ thuật, khác biệt lớn nhất giữa các mẫu loa trong dòng Opal là về kích thước và số lượng driver sử dụng. Woofer của loa là driver PSW 18.8 CS màng giấy do chính Pylon Audio tự sản xuất tại nhà máy của họ ở Jarocin, Ba Lan. Toàn bộ những bộ phận cấu thành nên woofer, từ hệ thống nam châm cho đến cuộn voice coil đều do Pylon Audio làm ra. Driver tweeter là PST T-50/8 sử dụng màng vòm lụa mềm, đường kính 25mm.

Tweeter này là sản phẩm từ Monacor – một hãng driver của Đức chế tạo. Đây cũng là bộ phận duy nhất không được Pylon Audio sản xuất tại nhà máy của họ mà được Monacor chỉnh sửa lại từ driver DT-25N để phù hợp với các tiêu chí kỹ thuật do Pylon Audio đề ra.

Mặc dù giá thành của loa không quá đắt đỏ, bộ phân tần của loa vẫn được làm rất cẩn thận, sử dụng các linh kiện chất lượng cao, ít khi xuất hiện trong những cặp loa cùng mức giá. Mạch phân tần này được đấu dây bằng biện pháp thủ công point-to-point, tuy rất mất thời gian nhưng đảm bảo đường tín hiệu ngắn nhất có thể, dẫn đến khả năng duy trì nguyên vẹn chất lượng tín hiệu âm thanh từ nguồn phát.

Các cặp loa Opal đều sử dụng cấu trúc cấu trúc D’Appolito midrange – tweeter – midrange, trong đó hai driver midrange sẽ ở trên cùng và dưới cùng trong khi driver tweeter được kẹp ở giữa. Trường hợp chỉ có hai driver như Opal Monitor hay Opal 20, tweeter cũng được đặt ở dưới midwoofer.

Việc này có thể là để đảm bảo không xảy ra hiện tượng lobing. Lobing là hiện tượng hai driver đặt cạnh nhau cùng phát ra một dải tần số, khiến cho âm thanh không còn tỏa ra theo quỹ đạo hình cầu nữa mà trở thành tia thẳng, khiến cho một dải âm ở một vị trí nào đó nghe rất tốt nhưng ở vị trí khác không thể tốt bằng. Thông thường để xử lý lobing, người ta sẽ thiết kế loa toàn dải hoặc loa đồng trục, nhưng đối với loa nhiều driver, hiện tượng lobing không thể xử lý triệt để mà chỉ có thể giảm thiểu xuống đến mức thấp nhất. Việc đặt tweeter phía dưới woofer cũng là một trong những cách đó.

Để tóm gọn lại âm chất của dòng loa từ Ba Lan, chúng ta có thể mô tả như sau: nhanh nhưng vẫn có độ rộng mở, với mức độ “sạch” đầy bất ngờ và âm hình hai kênh chuẩn xác, độ hài hòa giữa các dải âm khó có thể chê được. Tất nhiên, một cặp loa trong tầm giá này vẫn có một vài nhược điểm, bên cạnh sự chắc chắn, nhanh nhạy, đôi lúc người nghe vẫn cảm nhận được đôi chút cộng hưởng không mong muốn ở các dải trung âm đầy màu sắc, không hoàn toàn lộ rõ nhưng cũng chẳng thể che hết đi được.

Loa Pylon Audio Opal 20 dep

Tuy mang một chất âm khá cân bằng, những người muốn để sự ấm áp mạnh hơn sẽ cần sử dụng một ampli có chất âm thiên tối. Trong khi đó, các ampli như Cambridge Audio hay Audia Flight sẽ làm nổi bật sự cân bằng của chúng, với chất âm rất mạnh mẽ và giàu năng lượng.

Trong tầm giá của mình, có thể thấy Opal là một dòng loa khá xuất sắc, có đủ khả năng để cạnh tranh với nhiều thương hiệu loa nổi tiếng của Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Sự ấn tượng của cặp loa này còn nằm ở chỗ chúng có thể phối ghép được với những chiếc ampli cao cấp, có giá trị cao hơn chúng nhiều lần mà vẫn phát huy được hết chất âm của mình. Do đó, Opal có thể phù hợp với nhiều phối ghép khác nhau và cho nhiều mục đích khác nhau. Quý vị và các bạn vừa cùng tìm hiểu về dòng loa Opal của Pylon Audio. Rất cám ơn mọi người đã theo dõi chương trình của chúng tôi. Còn giờ, thời lượng của chương trình đã hết.

Tapchihifi TV