Trong phần này, chúng ta sẽ cùng điểm lại những thành phần cơ bản cấu tạo nên một hệ thống audio high-end cơ bản.
Lựa chọn một hệ thống âm thanh high-end có lẽ cũng là một trong những quyết định quan trọng nhất. Không giống như việc mua một món đồ gia dụng thông thường, việc lựa chọn các thiết bị trong hệ thống sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách người nghe cảm nhận âm nhạc. Một hệ thống có chất âm hay thậm chí đủ khả năng thay đổi phong cách của người nghe vì suy cho cùng, âm nhạc có ảnh hưởng quan trọng hơn chúng ta tưởng. Và đừng quên rằng, hệ thống âm thanh càng tốt bao nhiêu thì cảm nhận của người nghe càng tinh tế bấy nhiêu.
Mặc dù việc lựa chọn các thiết bị âm thanh có vẻ như khá khó khăn, một chút kiến thức cùng sự chuẩn bị kỹ càng sẽ rất hữu ích – giúp người nghe dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm hệ thống của mình trong khi vẫn giữ nguyên ngân sách đã định ra từ trước. Tìm kiếm đúng thiết bị, phối ghép chúng với nhau và lắp đặt cẩn thận vẫn quan trọng hơn là đổ một đống tiền vào. Do đó, hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, chú ý đến việc phát huy tối đa nhạc tính cũng như thẩm mỹ của hệ thống trong khi đảm bảo rằng hệ thống này vẫn nằm trong ngân sách cho phép của mình.
Một hệ thống âm thanh high-end là sự kết hợp của nhiều thành phần khác nhau, mỗi thành phần lại có một công việc cụ thể. Các thành phần này thường được chia ra làm ba loại: thiết bị nguồn phát, thiết bị điều khiển và thiết bị chơi nhạc.
Thiết bị nguồn phát là một cỗ máy có chức năng tạo ra tín hiệu audio từ một phương tiện lưu trữ thông tin hay giải mã các tín hiệu đó. Đầu CD, mâm đĩa than, máy vi tính đều được cọi là thiết bị nguồn phát. Trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng DAC là thiết bị điều khiển, thực chất đó cũng là thiết bị nguồn phát. Đây được coi là khâu đầu tiên của chuỗi thiết bị chơi nhạc.
Thiết bị điều khiển ở đây là preamp. Công việc của cỗ máy này là nhận tín hiệu từ nguồn phát, sau đó quyết định xem tín hiệu đó sẽ được gửi đến power-ano như thế nào. Preamp thường được xem như là trái tim của một hệ thống âm thanh bởi mọi nguồn phát đều phải chạy qua preamp để từ đó quyết định lượng độ lợi của tín hiệu (ảnh hưởng đến âm lượng), equalizer (cân chỉnh âm sắc)…
Thiết bị chơi nhạc ở đây sẽ có hai phần riêng biệt là power-amp và loa. Chúng sẽ hoạt động với nhau để biến đổi tín hiệu đi từ preamp trở thành âm thanh.
Một hệ thống âm thanh high-end truyền thống sẽ tập hợp đầy đủ mâm đĩa than, đầu CD, preamp với mạch tín hiệu phono được tích hợp bên trọng, power-amp, loa và các loại dây tín hiệu, dây loa để kết nối thiết bị với nhau. Mặc dù hệ thống truyền thống như vậy vẫn khá phổ biến, ngày nay, nhờ vào khoa học kỹ thuật, người nghe đã có thể sử dụng thêm nhiều loại thiết bị khác, từ đó làm phong phú thêm cho bộ sưu tập cũng như đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau.
Một trong những thiết bị đó là ampli tích hợp, với DAC được tích hợp bên trong và có thể kết nối được internet được. Ampli tích hợp có thể xem như một giải pháp tối ưu, đem đến một hệ thống nhỏ gọn kết hợp giữa preamp và power-amp. Ampli tích hợp hi-end ngày càng tỏ ra phù hợp với nhu cầu nghe nhạc chất lượng cao trong những không gian có diện tích vừa phải nhưng đòi hỏi tính thẩm mỹ nhất định. Hơn nữa, trên góc độ đầu tư, ampli tích hợp bao giờ cũng tiết kiệm hơn một hệ thống preamp – power-amp rời đi kèm theo hàng loạt dây nối và phụ kiện.
Những ampli tích hợp hiện đại có khả năng kết nối rất đa dạng, không chỉ nhận tín hiệu analog từ các nguồn phát analog mà cả tín hiệu digital từ những thiết bị như cổng USB của máy tính hay các thiết bị không dây, từ điện thoại cho đến các hệ thống thống NAS. Một hệ thống như vậy nhiều khả năng có thể kết nối với mạng internet để truy cập vào thư viện nhạc từ các thiết bị khác.
Nếu không sở hữu nguồn phát analog, chẳng hạn như nguồn phát chỉ có duy nhất máy tính hoặc điện thoại, người dùng có thể lựa chọn xây dựng một hệ thống không có preamp. Một DAC với khả năng điều khiển âm lượng kết nối trực tiếp với power-amp là quá đủ trong trường hợp này. Đối với những người có thói quen sử dụng Equalizer, một số DAC sử dụng nhiều bộ lọc khác nhau để thay đổi chất âm cũng có thể đem đến hiệu quả tương tự dù có thể không triệt để bằng. Người dùng sẽ không cần đến ampli tích hợp vì không sử dụng đến đầu vào analog cũng như chẳng có nhiều nguồn phát khác nhau. Lựa chọn này được xem là khá kinh tế, đồng thời đảm bảo hệ thống sẽ nhỏ gọn, đơn giản hơn nhiều so với hệ thống âm thanh truyền thống.
(Hết phần 1)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Lịch sử hệ thống âm thanh stereo
Nguyễn Hào