[Hong Kong AV Show 2019] Gryphon Audio Designs và dòng ampli mới Essence (phần 2)

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về hai thiết bị còn lại trong dòng sản phẩm mới nhất của Gryphon, đó stereo power-amp và monoblock Essence.

Stereo power-amp / monoblock Gryphon Essence

Những thiết bị khuếch đại của dòng Essence có thể xem như là kiệt tác thực sự. Sử dụng mạch phân cực nguồn xoay chiều đối xứng, phiên bản stereo của power-amp Essence đã cải thiện rất nhiều so với các sản phẩm đời trước về độ vang, độ sâu âm trường cũng như khả năng tái hiện lại các dải tức thời. Với băng thông siêu rộng (0.5 Hz – 350 kHz, +0 dB, -3 dB), phiên bản stereo power-amp có thể cung cấp công suất liên tục 50 watt / kênh ở trở kháng 8 Ohm và tối đa là 190 watt / kênh ở trở kháng 2 Ohm. Trong khi đó, phiên bản monoblock cung cấp 50 watt ở trở kháng 8 Ohm và 200 watt với trở kháng 2 Ohm. Quan trọng hơn, cả hai đều là ampli class A, từ đó mang lại những trải nghiệm giàu nhạc tính nhất. Với mức công suất rất cao so với bình thường, chúng có thể dễ dàng phối ghép với bất cứ cặp loa nào ở bất cứ mức trở kháng thường gặp nào.

power essence stereo

Bên cạnh việc sử dụng thiết kế dual mono, cả hai chiếc power-amp này đều có phần thân rất đồ sộ và chắc chắn, ở chứa bên trong là biến áp nguồn xuyến cực kỳ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tầng đầu ra và tầng lái sử dụng mạch nguồn riêng để cách ly hoàn toàn, không gây ảnh hưởng đến tầng đầu vào. Đồng thời, một biến áp nguồn khác nhỏ hơn cũng được sử dụng để cấp nguồn cho màn hình và mạch điều khiển, từ đó loại bỏ mọi tác động đến đường tín hiệu.

Triết lý cơ bản của Gryphon cho rằng các thiết bị trong chuỗi hệ thống phải thật sự trung tính, không thêm bớt gì vào bản nhạc dù cho méo tiếng có mang lại chất âm hấp dẫn thế nào đi chăng nữa. Với quan điểm như vậy, Essence chính là những chiếc ampli dành cho các audiophile tìm kiếm sự thuần khiết, trung thực nhất.

Cấu trúc mạch

Công suất chính là yếu tố then chốt của bất cứ chiếc power-amp nào, và các power-amp Essence được thiết kế để có thể phối ghép cùng với bất cứ cặp loa nào, dù là khó đánh nhất đi chăng nữa. Để làm điều đó, tầng đầu ra của ampli sử dụng các transistor lưỡng cực của Sanken có khả năng hoạt động cực kỳ ổn định cũng như chất âm cực kỳ hay. Essence Stereo sử dụng 20 transistor cho mỗi kênh, trong khi Essence Monoblock được trang bị 40 transistor cho mỗi chiếc. Các transistor này chính là bí quyết để đem đến nguồn công suất đỉnh cực mạnh mà không gây ra hiện tượng quá tải cho thiết bị.

power essence stereo mat sau

Tầng lái của ampli được thiết kế tách rời hoàn toàn các tầng khác, sở hữu nguồn cấp riêng biệt truyền tải qua các dây đấu riêng trên bộ biến áp nguồn. Thiết kế độc đáo ở tầng này cho phép tối ưu hóa khả năng nhận biết nhiệt giữa tầng lái và tầng đầu ra. Ngoài ra, tầng đầu ra cũng sở hữu dãy tụ điện chất lượng cao của riêng mình. Các tụ nguồn của Essence Stereo có tổng điện dung lên đến 440,000 µF trong khi phiên bản Monoblock sở hữu con số gấp đôi.

Mạch bảo vệ

Đối với một thiết bị cao cấp như dòng ampli Essence, cơ chế bảo vệ thiết bị đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ hiệu quả, chúng còn phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cấu trúc mạch đơn giản cũng như sự thuần khiết của tín hiệu. Một khi phát hiện ra dòng một chiều ở cổng đầu vào, ampli sẽ tự ngắt cho đến khi lỗi được chỉnh sửa. Tín hiệu tầng đầu ra sẽ liên tục được so sánh với tầng đầu vào, nhờ vậy sự sai khác tín hiệu sẽ được hạn chế xuống mức tối thiểu.

Nhiệt độ ở tấm tản nhiệt hai bên sẽ được một điện trở nhiệt giám sát liên tục. Nếu như quá nhiệt (cao hơn 90 độ C), ampli sẽ tự động ngắt và trở về trạng thái hoạt động bình thường khi nhiệt độ đạt mức an toàn. Ngoài ra, các power-amp Essence tuân thủ nguyên tắc không sử dụng hồi tiếp âm toàn cục, nối dòng một chiều (DC coupling) được thực hiện thông qua mạch DC servo, dây đấu trong cũng chỉ được duy trì ở mức tối thiểu nhất.

Đối với phần điều khiển và hiển thị màn hình, các power-amp Essence cũng được trang bị biến áp và mạch nguồn riêng để ngăn nhiễu digital xâm nhập vào đường tín hiệu của thiết bị.

preampli Gryphon Essence

Thiết kế class A

Tiêu chuẩn của Gryphon luôn là sử dụng mạch thuần class A, bởi lẽ không có một thiết kế nào khác có thể sánh được về mặt chất âm. Thuần class A cũng đồng nghĩa với việc ampli sẽ rất đồ sộ vì phải chứa bên trong một biến áp khổng lồ, dùng những tấm tản nhiệt cỡ lớn do năng lượng tiêu thụ và lượng nhiệt thoát ra đều rất lớn. Đồng thời, chi phí cho linh kiện và lắp đặt cũng vô cùng đắt đỏ.

Vấn đề tiết kiệm năng lượng luôn là điều mà Gryphon quan tâm. Họ sử dụng mạch class A bởi không cấu trúc mạch nào khác có thể thể hiện được như vậy. Tuy nhiên, họ đã phát triển nhiều công nghệ để những chiếc ampli class A của mình sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, trong đó có công nghệ Green Bias, cho phép người dùng lựa chọn mức độ bias hợp lý để có thể tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn, cho phép đánh với loa ở chế độ class A hoàn toàn nhưng không sử dụng năng lượng nhiều như mạch class A truyền thống. Thiết lập này phụ thuộc vào các yếu tố như độ nhạy loa, kích thước phòng, độ động bản nhạc và điều chỉnh âm lượng trên preamp. Việc thiết lập được bias class A, dù rằng tiết kiệm năng lượng chưa được như class A/B hay như auto-bias, vẫn thể hiện mức độ tiêu hao giảm đi đáng kể mà không làm ảnh hưởng đến chất âm đúng nghĩa của class A.

[Hong Kong AV Show 2019] Gryphon Audio Designs và dòng ampli mới Essence (phần 1)

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Aurora và Linea – Ampli chủ lực của Viva Audio

Nguyễn Hào