Winbat Technology – một công ty của Đức đã đưa ra giải pháp cách li toàn bộ điện nguồn cho hệ thống âm thanh khỏi mạng điện lưới gia dụng.
Nguồn điện sạch cho hệ thống âm thanh luôn là điều khiến bất cứ audiophile nào cũng phải quan tâm, bởi nguồn điện có tốt thì mới phát huy được hết chất âm của hệ thống cũng như duy trì nguyên vẹn được tín hiệu âm thanh. Tuy nhiên, phần lớn các hệ thống hiện nay đều lấy điện nguồn từ mạng điện lưới gia dụng, vốn bị tác động rất mạnh bởi sự sai lệch về sóng sine cũng như các loại nhiễu không dây, nhiễu điện từ khác. Tất cả đều tác động vào các thiết bị trong hệ thống và thể hiện ra ngoài bằng âm thanh.
Ở Nhật Bản, từng có câu chuyện về các audiophile bỏ một số tiền cực lớn để trồng cột điện riêng, lắp đặt đường dây điện riêng để có nguồn điện sạch cho dàn âm thanh hi-end. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện để làm điều đó. Do vậy, một vài cách thức sau vẫn thường được áp dụng.
· Biến áp cách ly: Biến áp cách ly là loại biến áp được chế tạo với cuộn dây sơ cấp và thứ cấp hoàn toàn độc lập với nhau về mặt điện. Sử dụng biến áp cách ly sẽ giúp khắc phục vấn đề rò điện ở vỏ máy, từ đó giảm thiểu hiệu quả các vấn đề nhiễu và ồn gây ra do hiện tượng vòng lặp tiếp địa giữa các thiết bị khác nhau. Biến áp cách ly cũng được cấu thành từ các cuộn dây nên bản thân chúng tồn tại cảm kháng khá lớn – vốn là “kẻ thù” với các nguồn nhiễu cao tần. Bởi vậy, các thành phần nhiễu tần số cao trong các nguồn điện lưới sẽ bị suy giảm rất mạnh khi đi qua biến áp cách ly, vô tình tạo cho loại thiết bị này khả năng lọc nhiễu khá hiệu quả. Nhiều bộ lọc nguồn hiện nay thường sử dụng phương pháp này để vừa lọc sạch điện, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng
· Máy phát lại điện: Thay vì chỉ đơn thuần là lọc sạch và bảo vệ nguồn điện như các bộ lọc nguồn thông thường, một máy phát điện lại chuyển hóa nguồn điện lưới xoay chiều đi vào thành điện một chiều, loại bỏ nhiễu ồn trong quá trình đó, rồi biến dòng điện một chiều trở lại thành điện xoay chiều bên trong một mạch điện kín. Dòng điện xoay chiều mới này hầu như hoàn toàn sạch, sẵn sàng để đưa tới hệ thống của bạn.
· Tiếp địa: Tiếp địa là một trong những cách đơn giản và hiệu quả để loại bỏ nhiễu khỏi dòng điện. Với cách này, người dùng thường hướng nhiễu tập trung về điểm tiếp địa để xả nhiễu một cách đơn giản và nhanh nhất có thể. Việc xử lý nhiễu điện thường được thực hiện bằng việc nối đất cho các thiết bị bao gồm 3 hình thức tiếp địa mặt đất, tiếp địa trên vỏ thiết bị và tiếp địa tín hiệu của những dòng cực thấp trên mạch điện tử. Một vài thiết bị cao cấp có thể tạo ra mặt đất giả lập, có “xu hướng” hút nhiễu từ các thiết bị âm thanh để xử lý triệt để.
Vậy sẽ thế nào nếu như một máy phát điện lại kết hợp cùng một ắc quy có khả năng tích điện cực kỳ lớn, có khả năng cung cấp lên đến hàng ngàn watt giờ?
Khi ấy chúng ta sẽ có một nguồn điện cực mạnh cho hệ thống âm thanh, đủ để hoạt động trong vài tiếng đồng hồ mà không cần phải dựa vào dòng điện xoay chiều lấy từ ổ cắm.
Stromtank là một thương hiệu con của Winbat Technology – một công ty ở Đức chuyên về các giải pháp cung cấp nguồn điện ổn định dành riêng cho hệ thống audio. Nếu như những ai đã từng tham dự Hong Kong High End Audio Visual Show năm ngoái, họ sẽ được tận mắt chứng kiến hai thiết bị Stromtank S2500 và Stromtank S5000HP. Lý thuyết của hai thiết bị này là sử dụng biến tần tạo sóng sine chuẩn (pure sine wave inverter) để hoạt động như một bộ lọc điện, tạo ra dòng điện xoay chiều với sóng hình sine chuẩn xác. Đồng thời, pin của thiết bị sẽ tích lại dòng điện đã được lọc này và truyền tải đến các thiết bị âm thanh.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, ngay cả thiết bị nhỏ nhất là Stromtank S2500 vẫn quá cồng kềnh, đắt đỏ. Bởi vậy, giải pháp đưa ra là đem đến một thiết bị Stromtank nhỏ hơn nhưng vẫn đủ khả năng đem đến nguồn điện sạch, dồi dào trong khoảng thời gian ngắn. Đến với Hong Kong Audio Visual Show năm 2019, người tham dự có thể được chiêm ngưỡng chiếc Stromtank S1000, sản phẩm mới nhất hiện nay của hãng.
Đúng như tên gọi của nó, thiết bị có khả năng tích điện lên đến 1000 watt giờ. Bằng ấy là đủ để S1000đem đến một nguồn năng lượng sạch với công suất trung bình khoảng 400 watt trong vòng 2.5 giờ đồng hồ. Sau 2.5 giờ, thiết bị sẽ tự động chuyển về chế độ sạc. Ở chế độ này, chất lượng âm thanh vẫn không bị ảnh hưởng vì thiết bị trong hệ thống vẫn được cấp điện từ pin của S1000 chứ không phải từ dòng điện xoay chiều của ổ điện. Lúc này, S1000 sẽ giảm thiểu tương tác giữa hệ thống âm thanh và mạng điện lưới xuống đến mức tối thiểu.
Stromtank S1000 được trang bị 8 pin lithium-ferrophosphate rất thân thiện với môi trường. Để đảm bảo an toàn, các pin này sẽ được giám sát và điều khiển thông qua một bộ xử lý được tích hợp bên trong máy. Giá bán lẻ của S1000 hiện tại là 11500 euro.
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Nuda – Nối tiếp sự ấn tượng của Viva Master Horn
Nguyễn Hào