Hướng dẫn lựa chọn bộ xử lý đa kênh (phần 2)

Ngoài số lượng cổng đầu vào, đầu ra, các tính năng như tự động cân chỉnh loa, tinh chỉnh DSP và cân chỉnh phòng nghe hay bypass chế độ analog cũng là những tính năng không thể thiếu của một bộ xử lý đa kênh.

Khả năng cân chỉnh loa tự động

Một bộ xử lý đa kênh bắt buộc phải có khả năng cân chỉnh cho từng loa, phù hợp với phòng nghe nơi nó được sử dụng. Cụ thể hơn, người nghe phải điều chỉnh âm lượng của từng kênh để độ lớn tiếng của chúng giống nhau, đồng thời bộ xử lý đa kênh phải cung cấp khả năng cho phép người nghe nhập thông tin về khoảng cách từ loa đến vị trí ngồi nghe, để từ đó điều chỉnh cho tiếng từ các loa đến tai người nghe cùng một lúc. Tuy nhiên, có một vài hệ thống cung cấp khả năng cân chỉnh tự động. Người nghe sẽ đặt micro đi kèm máy tại vị trí ngồi nghe rồi nhấn nút. Bộ xử lý đa kênh sẽ làm nốt những công việc còn lại. Lúc này thiết bị sẽ phát ra một loạt tín hiệu test và các tín hiệu này sẽ được loa tái tạo thành âm thanh. Các âm thanh sẽ được micro thu lại rồi gửi về bộ xử lý để phân tích. Nhờ vào những thông tin phân tích được, bộ xử lý sẽ được cân chỉnh lại dựa vào loa, vị trí của chúng và chỗ ngồi nghe.

height speakers layout

Tinh chỉnh DPS và cân chỉnh phòng nghe

Nhiều bộ xử lý đa kênh có khả năng đo đáp tuyến tần số của cả loa và phòng nghe, từ đó áp dụng chỉnh sửa vào vùng digital để từ đó đem đến đáp tuyến tần số phẳng tại vị trí ngồi nghe. Với những hệ thống có khả năng cân chỉnh tự động, người nghe sẽ đặt micro tại vị trí ngồi nghe và đợi hệ thống phát, phân tích lại chuỗi tín hiệu test. Chẳng hạn, nếu hệ thống phát hiện ra đỉnh +4dB ở dải 125Hz, nó sẽ tự tạo ra một bộ lọc để suy hao tín hiệu tại dải 125Hz, hạ bớt đi 4dB. Nhìn chung, hệ thống chình sửa sẽ tự làm méo tín hiệu trước để khi được loa tái tạo lại trong phòng, những gì mà người nghe cảm nhận thấy là đáp tuyến tần số thật phẳng. Trên thực tế, hệ thống tinh chỉnh DPS này tương đối phức tạp, với cách hoạt động tinh vi hơn những gì mà lý thuyết đề ra. Những phần mềm tinh chỉnh DPS như Audyssey có thể đem đến kết quả rất ấn tượng cho các dải bass, khiến chúng trở nên mượt và ít méo hơn. Tinh chỉnh DPS cho phòng nghe sẽ có tác động đến toàn bộ dải âm, từ đó làm thay đổi hẳn âm sắc của hệ thống. Đôi lúc điều này chỉ khiến cho chất âm trở nên tệ hơn.

Audyssey

Chế độ bypass tín hiệu analog

Đối với những người muốn một hệ thống vừa có thể nghe nhạc, vừa có thể xem phim, bộ xử lý đa kênh cũng sẽ kiêm luôn vai trò của preamp stereo. Vì thế, khả năng trình diễn khi phối ghép cùng các nguồn phát analog hai kênh và các thiết bị digital như đầu CD, các thiết bị di động là điều rất quan trọng. Trong trường hợp này, người dùng sẽ cần một bộ xử lý có chế độ bypass tín hiệu analog. Không có chế độ này, tín hiệu analog sẽ bị chuyển thành tín hiệu digital và chuyển đổi lại về analog khi đi qua controller. Việc chuyển đổi quá nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín hiệu, từ đó có thể để lại ảnh hưởng nặng nề đến chất âm tổng thể.

Có hai điều cần lưu ý khi tìm hiểu về chế độ bypass. Thứ nhất, bộ xử lý cần phải có khả năng điều chỉnh âm lượng analog. Hầu hết các bộ xử lý hiện đại điều chỉnh âm lượng digital thông qua chip DSP, vốn có chất lượng âm thanh không tốt như chỉnh âm lượng analog truyền thống. Thứ hai, khi sử dụng tính năng kiểm soát âm bass, ngay cả bộ xử lý với chế độ bypass tín hiệu analog cũng sẽ chuyển đổi tín hiệu từ analog sang digital, bởi tính năng chỉ có thể thực hiện bởi chipDSP. Nếu như sử dụng phối ghép loa vệ tinh và subwoofer, đồng thời sử dụng phân tần của bộ xử lý để tách dải, chế độ bypass sẽ giữ nguyên quá trình chuyển đổi tín hiệu hai lần. Đây là những hạn chế lớn nhất đối với những ai muốn giữ nguyên chất lượng âm thanh giống với bản gốc.

Có một phương pháp hiện đang được một số hãng sản xuất sử dụng, đó là tách tín hiệu analog, lọc âm bass từ cổng đầu ra trái / phải với một bộ lọc analog. Tín hiệu này không được digital hóa sau khi tách bass sẽ được gửi thẳng đến power-amp, rồi khuếch đại và đưa tới loa. Nửa tín hiệu bị tách sẽ được digital hóa và xử lý bằng tính năng kiểm soát bass, sau đó trở thành tín hiệu cho subwoofer. Phương pháp này không phải là phương pháp thuần analog vì tín hiệu cho subwoofer vẫn bị digitall hóa, thế nhưng lúc này các dải âm tổng thể không bị kém chất lượng đi vì quá trình chuyển đổi sang dạng digital.

Nếu như người dùng tìm thấy một bộ xử lý đa kênh đáp ứng được yêu cầu cho hệ thống rạp hát tại gia nhưng thiếu đi tính năng bypass tín hiệu analog, họ vẫn có thể tận hưởng trải nghiệm âm nhạc thuần túy bằng cách thêm một preamp analog vào hệ thống. Lúc này, các nguồn phát analog sẽ kết nối với preamp kể trên, cổng đầu ra trái / phải phía trước của bộ xử lý cũng sẽ kết nối với preamp. Nhìn chung, preamp này sẽ chen vào giữa bộ xử lý và power-amp của hai loa trái / phải. Khi xem phim, toàn bộ tín hiệu sẽ do bộ xử lý phân tích và preamp không làm gì cả. Một vài preamp thậm chí còn có tính năng theater pass-through, trao quyền điều chỉnh âm lượng cho bộ xử lý, như vậy người nghe không cần chỉnh volume từ preamp để đạt volume chuẩn xác từ các loa trái / phải nữa, vì lúc này tất cả các loa sẽ được bộ xử lý cân chỉnh để đồng đều như nhau.

(Hết kỳ 2)

Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây

Hướng dẫn lựa chọn bộ xử lý đa kênh (phần 1)

Hướng dẫn lựa chọn bộ xử lý đa kênh (phần 3)

Hướng dẫn lựa chọn bộ xử lý đa kênh (phần 4)

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Những cặp loa có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử 2

Nguyễn Hào