Huyền thoại audio: Dynaco (Phần 1)

Trong kỳ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự ra đời của một trong những huyền thoại không chỉ của nước Mỹ mà còn là của cả ngành công nghiệp audio: Dynaco.

Quay trở về thủa ban đầu của ngành công nghiệp audio, có thể thấy rằng hi-fi ở Mỹ bắt đầu bùng nổ từ sau thế chiến thứ hai, với sự hiện diện của rất nhiều thiết bị audio cũng như kỹ sư điện tử. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ nói về một con người huyền thoại, người được mệnh danh là Henry Ford của lĩnh vực audio, người đã làm nên sự ra đời của hai công ty Dynaco và Acrosound, đồng thời cũng góp phần gián tiếp làm nên sự có mặt của rất nhiều công ty khác. Đó là David Hafler.

ampli dynaco

Hafler sinh vào năm 1919, nhận bằng Cử nhân Toán học từ Trường Đại học Pennsylvania. Trong thế chiến thứ hai, ông là chuyên viên liên lạc của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển. Cũng giống như nhiều kỹ sư thiết kế thiết bị audio sau này, David Hafler học những kiến thức cần thiết khi còn trong quân đội và đến thời điểm giải ngũ sau này, ông cũng bắt đầu kiếm sống bằng nghề kỹ sư điện tử.

Trước khi chính thức thành lập công ty Dynaco, David Hafler cũng người bạn của mình là Herbert Keroes còn lập ra một công ty khác ở Philadelphia vào năm 1950 có tên là Acrosound. Công việc chính của công ty lúc bấy giờ là cuốn dây biến áp cho cá nhân sử dụng cũng như làm OEM cho các thương hiệu khác. Rất nhanh chóng, biến áp của Acrosound được khá nhiều người biết đến và yêu thích.

ampli Dynaco PAS 3X

Danh tiếng cũng như uy tín của Acrosound ngày càng được củng cố khi mà Hafler và Keroes liên tiếp cho ra những bài báo trên tạp chí Audio Engineering của Hiệp hội Kỹ thuật Âm thanh. Bài báo “Một chiếc ampli siêu tuyến tính” đăng vào tháng 11 /1951 đã giúp cho ampli siêu tuyến tính trở thành hiện tượng được nhiều người quan tâm đến (và cũng chẳng biết có phải tình cờ hay không mà biến áp của Acrosound cũng được sử dụng cho ampli siêu tuyến tính rất nhiều). Bài báo tiếp theo, “Chế độ hoạt động Siêu tuyến tính của ampli Williamson” phát hành vào tháng 6/1952, giới thiệu phiên bản nâng cấp của chiếc ampli Williamson vốn khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Chiếc ampli này do kỹ sư D.T.N. Williamson của công ty M.O. Valve thiết kế và được nhắc đến rất nhiều trên tạp chí Wireless World của Anh từ năm 1947 đến năm 1949.

ampli dynaco PAT 4 dep

Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, các kỹ sư âm thanh thiết kế ampli thường là tự phát. Họ bắt đầu mọi thứ từ đầu, sử dụng một bản vẽ kỹ thuật, một danh sách các linh kiện cần thiết và phải tự mình mua các linh kiện đó. Kể cả những bộ kit do các công ty chuyên nghiệp bán ra cũng yêu cầu người dựng ampli phải tự lắp linh kiện và hàn bảng mạch. Hafler khi ấy đã có ý tưởng khá táo bạo, đó là cũng cấp những bộ kit hoàn chỉnh với bảng mạch được lắp ráp sẵn. Bộ kit đầu tiên mà Acrosound tung ra thị trường là một bộ kit preamp. Tuy nhiên, Keroes phản đối dữ dội ý tưởng này, dẫn đến việc hai người ngừng hợp tác với nhau vào năm 1954. Acrosound cũng chính thức đóng cửa từ đây.

Một năm sau đó, Hafler bắt đầu quan hệ hợp tác với kỹ sư Ed Laurent. Họ thành lập một công ty mới có tên là Công ty Dyna, hay còn được biết đến với cái tên Dynaco. Công ty này có trụ sở đặt tại Philadelphia và sản phẩm đầu tiên của họ là một chiếc power-amp do Laurent thiết kế với công suất 50 watt. Điều thú vị là chiếc power-amp này có tên Mk.II trong khi Mk.I chưa từng thấy xuất hiện. Hoặc cũng có thể Mk.I đã từng tồn tại nhưng sự xuất hiện của nó không được nhiều người biết đến.

ampli dynaco PAT 4

Hiển nhiên, chiếc power-amp Mk.II này sử dụng biến áp do Dyna sản xuất, và xuất hiện dưới dạng bộ kit đã được lắp ráp hoàn chỉnh. Dyna nổi tiếng rất nhanh và danh tiếng mà họ có được là nhờ vào những sản phẩm dễ lắp ráp cũng như hướng dẫn sử dụng cực kỳ chi tiết, rõ ràng. Mk.II nhanh chóng được cải tiến thành chiếc power-amp huyền thoại Mk.III của năm 1957, đi cùng với preamp PAM-1 (PreAmp: Mono). Chiếc preamp được cấp nguồn từ một ổ cắm hình bát giác trên power-amp Mk.III.

Dynaco bước chân vào thời kỳ stereo năm 1959, với sự ra mắt của Stereo 70 – chiếc power-amp với công suất 35 watt mỗi kênh. Stereo 70 cũng sử dụng ổ cắm hình bát giác để cấp nguồn cho PAM-1 và gần 1 năm sau, phối ghép cho chiếc ampli này mới hoàn thiện khi Dynaco giới thiệu một chiếc preamp khác: PAS-2 (PreAmp:Stereo).

dynaco st 70

Power-amp Mk.III và preamp PAS-2 (Cũng như chiếc preamp kế tục sau này là PAS-3) trở những sản phẩm audio bán chạy nhất mọi thời đại. Hàng trăm ngàn chiếc đã được bán ra và trên thực tế, trong một thời gian rất dài, nhiều thương hiệu audio bắt đầu từ việc chỉnh sửa, nâng cấp cho bộ kit này.

Ở kỳ tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục với câu chuyện của Mk.III và PAS-2/3 để xem chúng có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp audio như thế nào. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu một vài sản phẩm nổi bật của Dynaco cũng như di sản mà David Hafler và những người làm việc cùng với ông để lại.

(Hết kỳ 1)

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Lịch sử hình thành thương hiệu Tannoy

Thanh Tùng