Huyền thoại audio: James Lansing, Altec Lansing và JBL (Phần 3)

Sau khi sát nhập Lansing Manufacturing Company với Altec Service Corporation, Altec Lansing Company chính thức ra đời. James B. Lansing vẫn ở lại công ty giữ chức Phó Chủ tịch bộ phận Kỹ thuật. Tuy nhiên, đó không hẳn là điều mà James Lansing mong muốn.

Việc sát nhập hai công ty với nhau diễn ra khá tốt đẹp. Giờ đây, với tình hình hoạt động ổn định, Lansing cuối cùng đã có thể tự do theo đuổi công việc của mình mà không cần quan tâm đến vấn đề tài chính. Trong quãng thời gian này, ông đã hoàn chỉnh nhiều công đoạn sản xuất – những công đoạn sau này trở thành tiêu chuẩn cho ngành sản xuất loa trên toàn thế giới, từ việc cuốn dây nhanh cho cuộn voice coil dây phẳng bằng trục máy cho đến dùng máy ép thủy lực để tạo hình cho màng loa tweeter nhôm. Trong những năm nay, Lansing đã tạo ra hai hệ thống âm thanh rất đáng chú ý, một là mẫu loa đồng trục 604 và hai là hệ thống Voice of Theatre đầu tiên – mẫu loa A-4.

loa a4

Phát thanh viên Arthur Crawford, một khách hàng quen thuộc, đồng thời cũng là chủ một cửa hàng bán lẻ của địa phương đã gợi ý cho Altec Lansing thiết kế ra mẫu loa đồng trục hai đường tiếng, sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất của họ. Ngày nay, chúng ta sẽ thấy rằng loa 604 sử dụng một họng kèn chia nhiều ô nhỏ đặt trước driver woofer 38.1cm. Giữa driver woofer và họng kèn là một driver tweeter 801. Xuất hiện lần đầu vào năm 1944, mẫu loa 604 nhanh chóng trở thành chiếc loa đầu bảng, sử dụng trong công việc phát thanh và là một trong những mẫu loa thành công nhất trong lịch sử. Cặp loa này có tuổi đời khá dài, những năm 80 vẫn còn được sản xuất và ngày nay vẫn được giới yêu âm thanh tìm kiếm cho bộ sưu tập của mình.

duplex 1945

Mẫu loa A-4, sản phẩm của sự hợp tác giữa John Hilliard với Altec Lansing chính là mẫu loa đầu tiên của dòng Voice of the Theatre – dòng loa giúp cho hãng trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực âm thanh điện ảnh mai cho đến giữa thập niên 80. Với một kích thước khá đồ sộ không thua gì hệ thống Shearer – MGM đời đầu tiên, A-4 sử dụng khoang chứa driver woofer có lỗ thông hơi, bên cạnh đó còn đặt thêm hai driver woofer hướng trước với họng kèn thẳng, Driver tweeter được sử dụng là driver 288, với đường kính màng loa 7.5cm, cuộn voice coil dây phẳng làm từ nhôm, đi cùng với họng kèn xẻ ô. Các driver woofer mà A-4 dùng là driver 515, với đường kính 38.1cm, sử dụng cuộn voice coil dây nhôm 7.5cm. Đây cũng là driver woofer 38.1cm đầu tiên sử dụng voice coil dây phẳng. Hệ thống Voice of the Theatre sử dụng nam châm Alnico V- một sản phẩm mang tính đột phá lúc bấy giờ.

Ở thời điểm ấy, nam châm vĩnh cửu đã xuất hiện và là một trong những bước đột phá cho ngành sản xuất loa. Nam châm vĩnh cửu trong loa có vai trò tương tác với cuộn voice coil để kéo / đẩy màng loa khi nhận được tín hiệu âm thanh dưới dạng dòng điện. Alnico V là loại mạnh nhất trong số các loại nam châm Alnico. Sở dĩ nó được ưa chuộng hơn so với các loại nam châm vĩnh cửu khác vì một lý do rất đơn giản: lực từ của nó rất mạnh. Cùng một lực từ cho trước, nếu sử dụng Alnico V, khối lượng và kích thước của nam châm giảm đi rõ rệt. Năm 1945, để tạo ra cùng mức lực từ của một nam châm nặng 2.5kg năm 1930, với vật liệu Alnico V người ta chỉ cần dùng một nam châm nặng 0.13kg là đủ. Chênh lệch quá lớn về khối lượng đã khiến Alnico trở thành vật liệu làm nam châm được các nhà sản xuất loa ưa chuộng, cho đến khi Neodymium xuất hiện 30 năm sau đó. Cũng trong thời gian này, James B. Lansing dốc hết công sức và thời gian vào việc chế tạo driver loa và hoàn thành công nghệ áp dụng cho sản phẩm.

Altec 604

Khi Lansing bán công ty cũ cho Altec Service Corporation vào năm 1941, hợp đồng có nêu rõ toàn bộ tên giao dịch, tài sản và những thứ liên quan sẽ thuộc về sở hữu của công ty mới. Lansing cũng chấp nhận làm việc cho Altec Lansing trong năm năm và không có bất cứ hành động nào cạnh tranh với công ty trong khoảng thời gian đó. Tuy được giao chức phó Chủ tịch, James B. Lansing chưa bao giờ hài lòng với vai trò này bởi ông cho rằng mình không thực sự có quyền hành gì. Bởi vậy, khi hợp đồng kết thúc vào năm 1946, Lansing quyết định rời công ty và tự lập ra thương hiệu loa của riêng mình. Không ai ở Altec Lansing ngạc nhiên khi ông tuyên bố điều đó. Điều duy nhất khiến họ bất ngờ là sự thành công đến với thương hiệu non trẻ ấy nhiều năm về sau, khiến nó trở thành đại diện cho trường phái âm thanh Bờ Tây nước Mỹ vào thập niên 70.

(Hết kỳ 3)

Huyền thoại audio: James Lansing, Altec Lansing và JBL (Phần 1)

Huyền thoại audio: James Lansing, Altec Lansing và JBL (Phần 2)

Huyền thoại audio: James Lansing, Altec Lansing và JBL (Phần 4)

Huyền thoại audio: James Lansing, Altec Lansing và JBL (Phần 5)
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây

Giới thiệu dòng loa Pylon Audio Sapphire

Nguyễn Hào