Cố đại sứ thương hiệu của Marantz là một người có ảnh hưởng rất lớn đến thế giới hi-fi. Thế nhưng, không phải ai cũng biết đến người đàn ông đặc biệt này.
Một con người với cuộc sống trọn vẹn
Ken Ishiwata có lẽ là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới hi-fi hiện đại. Người ta nói rằng ông là người đem lại niềm vui, thế nhưng lại đến từ Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, một quốc gia ở vào một thời điểm mà niềm vui là thứ gì đó cực kỳ xa xỉ. Thứ khiến ông tách biệt khỏi đám đông không phải là cái tôi mà là niềm cảm hứng đặc biệt đối với âm nhạc, hi-fi và các thiết kế máy móc. Thực tế, Ken Ishitwata là một người trầm lặng, nhẹ nhàng và cực kỳ giản dị, đôi khi còn có gì đó không hợp với những danh hiệu mà người ta gán cho ông mỗi khi nói về chủ đề hi-fi.
Ở con người của Ken Ishiwata, có hai điều khiến bất cứ ai cũng phải nể phục. Thứ nhất là kiến thức sâu rộng của ông về hi-fi và các thiết bị điện tử, sâu đến mức có thể hiểu đến từng linh kiện một. Ông đã từng dành ra một khoảng thời gian rất lớn chỉ để nghe từng chiếc tụ, điện trở hay biến áp của từng thương hiệu riêng. Ông cũng chính là người khởi xướng cho nhận định rằng từng linh kiện riêng lẻ cũng sở hữu chất âm của riêng mình. Quay trở lại thập niên 90, đấy vẫn còn là một nhận định khá lạ và ít ai tin rằng điều đó lại là sự thật.
Thứ hai, bên cạnh vốn kiến thức cực kỳ sâu rộng, ông còn sống một cuộc sống rất trọn vẹn bên cạnh sự nghiệp. Bản thân Ken Ishiwata là một kỹ sư yêu thích chế tạo, chỉnh sửa và thiết kế. Thế nhưng ông cũng rất dễ bị thu hút bởi các thương hiệu thời trang cao cấp. Thực tế, những năm cuối đời ông dành khá nhiều thời gian ở Antwerp, Bỉ – một trong những trung tâm thời trang ở châu Âu, đồng thời cũng có không ít bạn bè ở những thương hiệu hàng đầu thế giới. Nhiều người tin rằng niềm yêu thích của ông dành cho thời trang và thiết kế trang phục cũng mạnh mẽ không khác gì tình yêu của Ishiwata dành cho âm nhạc cả. Ngoài ra, ông cũng sở hữu một bộ sưu tập xe hơi khá đồ sộ.
“Chỉnh sửa đặc biệt”
“Chỉnh sửa đặc biệt” là câu nói cửa miệng của Ken Ishiwata. Từ những thiết bị máy móc trong công việc cho đến những vật dụng cá nhân nhỏ như chiếc điện thoại di động, dường như Ken Ishiwata luôn biết cách để khiến nó trở thành một thứ khác biệt. Tuy nhiên, một trong những chỉnh sửa đặc biệt quan trọng nhất mà Ken Ishiwata từng thực hiện lại là những chiếc đầu CD Marantz thuộc phân khúc phổ thông. Đối với ông, đỉnh cao của sự nghiệp khi ở Marantz chính là dòng đầu đĩa CD Ken Ishiwata Signature. CD-63 KI Signature cho đến nay vẫn là một chiếc đầu đĩa điển hình của hãng. Cho đến nay, phiên bản đầu tiên đã được 23 năm tuổi và không ít người vẫn giữ lại nó trong bộ sưu tập của mình. Đấy không phải là chiếc đầu đĩa trung tính nhất, thế nhưng chất âm của nó vẫn được đánh giá là quyến rũ đặc biệt. Không phải ai cũng biết rằng chính Ken Ishiwata đã áp dụng nhiều chỉnh sửa quan trọng cho các thiết bị của Marantz, từ thời điểm hệ thống loa LD-50 còn tồn tại, tức là từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Công việc đầu tiên của Ken tại Marantz khi mới đến vào năm 1978 là giải quyết những hiểu nhầm giữa nhóm kỹ sư người Nhật và bộ phận kiểm soát chất lượng ở châu Âu. Trong thời gian này ông đã học được rất nhiều thứ, từ đó dần chuyển mối quan tâm đến loa và thiết bị điện tử, cả hai thứ này Ken đều đã từng dựng thử từ khi còn là học sinh ở Nhật Bản. Thực tế, Ken Ishiwata từng làm một phiên bản nhái của preamp Marantz Model 7C. Tuy nhiên, do không đủ tiền để mua linh kiện cao cấp, ông buộc phải sử dụng những loại tụ, diode và điện trở rẻ nhất mà mình có thể tìm được. Dĩ nhiên, chiếc preamp nhái này không bao giờ bằng hàng thật được và những trải nghiệm này sớm giúp ông nhận ra rằng chất lượng linh kiện đóng vai trò rất quan trọng.
Khi nghiên cứu về thiết bị của Marantz vào cuối thập niên 70, Ken Ishiwata nhận ra rằng chất âm của chúng khác hẳn với chất âm cổ điển của thập niên 50 và 60. Do đó ông đã báo lại với Marantz Nhật Bản và cùng tham gia vào quá trình thiết kế. Những sản phẩm đầu tiên chính là đầu CD. Trên thực tế, khi CD xuất hiện vào đầu thập niên 80, mọi thứ đã thay đổi mãi mãi. Ken Ishiwata tin rằng chuẩn CD Red Book không đủ tốt để trở thành âm thanh cao cấp, nhưng ông cũng hiểu rằng một công ty lớn phải làm ra được sản phẩm có thể đem lại điều đó với mức giá hợp lý. Khi làm việc với các chuyên gia của Philips, vốn hiểu viết về âm thanh digital của ông ngày một tăng và những điều đó đã giúp ông làm nên các sản phẩm đầu CD phiên bản đặc biệt.
(Hết phần 1)
Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây
Huyền thoại audio: Ken Ishiwata (phần 2)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Master Horn – Kiệt tác từ Viva Audio
Nguyễn Hào