JBL những năm 70 (phần 1)

Thập niên 70 là thời kỳ quan trọng của JBL bởi đây chính là thời điểm để họ gây dựng danh tiếng, làm nên những thành tựu vẫn còn được ghi nhận cho đến ngày nay.

Khi tìm hiểu về sự phát triển của JBL trong suốt thập niên 70, chúng ta không thể không nói đến những yếu tố làm nên thương hiệu của công ty từng được vạch William H. Thomas cùng các cộng sự vạch ra từ trước. Dựa vào những gì mà James B. Lansing để lại, Thomas đã đưa ra những quyết định quan trọng cho việc tinh chỉnh lại và mở rộng hệ thống sản xuất loa của hãng. Tất nhiên, Thomas không phải tự xoay sở một mình được Bart Locanthi, một nhà vật lý học từ Viện Công nghệ California và Edmond May, một kỹ sư thiết kế loa rất nổi tiếng trong ngành thiết bị âm thanh trợ giúp.

jbl nhung nam 70 3

Dựa vào một nghiên cứu năm 1949 của Winston Kock ở bên Bell Laboratories cũng như cấu trúc thấu kính âm học do John Frayne đề xuất, Locanthi đã phát triển những khái niệm ở một tầm vóc lớn hơn. Kết quả thu lại được là một loạt thiết kế cho thấu kính ấm học dùng cho các họng kèn / driver nén. Người ta tin rằng bộ lens Slant Plate chính là sản phẩm do Locanthi tạo ra. Ông cũng là người chịu trách nhiệm cho sự ra đời của loạt loa màng nón Linear Efficiency và sau này là mạch chữ T sử dụng ở các thiết bị của JBL. Trong khi đó, người đồng sự Edmond May lại nổi tiếng với tài năng biến những lý thuyết khó hiểu trở thành những linh kiện, chi tiết cực kỳ hữu ích, có vai trò to lớn trong việc nghiên cứu, sản xuất loa.

Công chúng ngày càng chú ý đến JBL, xem đó như là một thương hiệu nổi bật, đổi mới cho ngành công nghiệp audio hi-fi. Đó hoàn toàn là nhờ công của Thomas và Ray Pee – Phó chủ tịch Marketing của công ty. Cả hai đều làm việc không biết đến mệt mỏi, rất chăm đi gặp gỡ các đại lý bán lẻ trên toàn lãnh thổ nước mỹ, đồng thời thuyết phục tất cả mọi người về sự ưu việt của JBL, không phải chỉ sản phẩm mà còn cả chính sách phân phối và bảo hành.

jbl nhung nam 70

Cho đến nay, rất ít người biết về Ray Pepe cũng như chẳng có nhiều thông tin về ông, chỉ biết rằng ông từng là kiểm soát viên cho chính quyền thành phố New York thời thị trưởng Fiorello LaGuardia. Pepe thừa khả năng sử dụng quan hệ quen biết của mình với giới truyền thông để thu hút sự chú ý cho JBL, đặc biệt là với A.C. Spectorsky – người phát hành tạp chí Playboy lúc bấy giờ. Vì thế mà không hiếm những hình ảnh của loa JBL xuất hiện trên tờ tạp chí nổi tiếng vào những năm ấy. Quảng cáo cho công ty khi ấy vẫn còn hơi thái quá, họ sẵn sàng giới thiệu rằng đây là thương hiệu loa ưu việt, với những sản phẩm mang chất lượng cao nhất và độ bền thì tốt nhất. Hầu hết các quảng cáo bên cạnh việc đưa ra hình ảnh của JBL còn có thêm ảnh của một vài nhạc cụ cực kỳ quý hiệm, ngụ ý rằng loa của JBL cũng có những phẩm chất tuyệt vời như thế.

Trong khi mở rộng hệ thống nhà phân phối ở thị trường nội địa, Thomas và Pepe cũng không quên tầm quan trọng của thị trường quốc tế. Ở châu Âu Nam Mỹ, họ được Ernest Wetzig – một người rất có thế lực ủng hộ. Thị trường Nhật Bản ban đầu cũng là do Thomas và Pepe phát triển. Đây cũng là một nơi thu lại được kết quả vô cùng tốt đẹp. Có lẽ Thomas và Pepe đã nhận ra rằng Nhật Bản sau chiến tranh là một thị trường giàu tiềm năng, khi mà công chúng ở đây rất chuộng các mặt hàng sử dụng công nghẹ của Mỹ, thậm chí gần như sùng bái hoàn toàn. Những sản phẩm độc đáo của JBL cũng không phải là ngoại lệ khi mà càng ngày càng được nhiều người yêu thích. Người ta kể lại rằng một bác sĩ rất giàu có ở Nhật đã sưu tầm toàn bộ hệ thống âm thanh khép kín (tức loa, ampli và nguồn phát đều cùng chung một thân vỏ) mà JBL đã từng sản xuất. Trong bộ sưu tập này còn có cả mấy bộ loa Paragon – một trong số đó được hoàn thiện với sơn mài màu đen.

James lansing

Để hiểu về độ chịu chơi của vị bác sĩ trên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về JBL Paragon. Paragon (tên đầy đủ là JBL D44000 Paragon) là mẫu loa stereo họng kèn, được chia thành hai phần (tính cả thùng khuếch tán âm nữa là ba phần), dài 2.75m. Mẫu loa này được thiết kế dựa trên nguyên tắc khuếch tán âm thanh của Richard Ranger – cố vấn cho JBL. Chính thức ra mắt thị trường vào năm 1957, Paragon khi ấy là mẫu loa stereo sớm nhất dành cho mục đích sử dụng tại nhà, đồng thời cũng là mẫu loa đắt nhất thời bấy giờ. Là mẫu loa đầu bảng của JBL, năm 1957 nó có giá là 1830 đô la, tương đương với 15 nghìn đô la ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là mẫu loa có tuổi đời sản xuất lâu nhất trong các dòng sản phẩm JBL. Đến năm 1983, mẫu loa này chính thức được thay thế bằng dòng Everest. Ước tính về số lượng loa Paragon hiện tại chỉ còn khoảng 1000 chiếc, và chúng lúc nào cũng được giới sưu tập săn lùng và đón nhận vì độ quý hiếm của mình.

(Hết kỳ 1)

Các bạn có thể xem thêm phần khác tại đây 

JBL những năm 70 (phần 2)

JBL những năm 70 (phần 3)

JBL những năm 70 (phần 4)
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây

Lịch sử hình thành thương hiệu Audio Research

Nguyễn Hào