Ở thời đại của các thiết bị di động và thiết bị không dây, có lẽ hình ảnh một người đang ngồi gỡ dây rối cũng bắt đầu trở nên ít dần. Với các công nghệ phổ biến như 4G, Wi-Fi và Bluetooth, các thiết bị audio cũng đang dần chuyển mình thành theo xu hướng không dây. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách khá lớn về mặt chất âm giữa các thiết bị không dây và các thiết bị có dây truyền thống? Tại sao lại như vậy?
Không dây là một khái niệm mang tính xu thế, và xu thế này đang ở trong giai đoạn cực kỳ phát triển. Suy cho cùng, ai cũng muốn tìm đến sự tiện lợi, và do đó, headphone cũng như earphone không dây ngày càng trở nên phổ biến và dễ dàng tiếp cận đối với nhiều người.
Những công nghệ không dây quen thuộc như Bluetooth, Wi-Fi hay NFC được sử dụng để truyền dẫn tín hiệu audio. Và chất lượng của chúng cũng đủ để khiến nhiều người cảm thấy hài lòng. Beats X, V-MODA Crossfade hay u-JAYS đều là những chiếc tai nghe không dây nổi tiếng nhờ vào chất ấm xuất sắc. Nhưng, cũng phải thừa nhận rằng bên cạnh khả năng di động và sự tiện lợi, tai nghe không dây vẫn còn những hạn chế chưa dải quyết được. Bluetooth hoạt động dựa trên nền tảng băng tần 2.4GHz. Radio và rất nhiều các thiết bị khác cũng hoạt động ở khoảng tần số này, vì thế không hiếm trường hợp xuất hiện can nhiễu, tai nghe Bluetooth có thể bắt sóng từ radio hay một thiết bị nào đó. Can nhiễu cũng xuất hiện trên tai nghe có dây, nhưng trường hợp này rất hiếm, chỉ xảy ra khi lớp bọc chống nhiễu chất lượng kém khiến tai nghe hoạt động giống như một ăng-ten, có khả năng bắt những dải tần số thấp với biên độ cực mạnh.
Nếu sử dụng tai nghe Bluetooth để nghe nhạc từ điện thoại hay laptop, người nghe có thể di chuyển một cách thoải mái. Hiện tại, chuẩn Bluetooth 4.0 có phạm vi hoạt động lên đến 10m. Dù vậy, nếu có các thiết bị Bluetooth khác đang hoạt động trong cùng phạm vi, khả năng xuất hiện can nhiễu cũng rất cao. Do đó, nhiều thiết bị đã được nâng cấp lên Bluetooth 5.0 để tránh hiện tượng này.
Một trong những giao thức không dây thường thấy là NFC (Near Field Communication). Giao thức này không có khả năng truyền tín hiệu audio liên tục, vì thế người ta chỉ dùng nó để kết nối giữa hai thiết bị hỗ trợ NFC với nhau. Tín hiệu audio vì thế vẫn phải truyền qua Bluetooth.
Nhược điểm lớn nhất của các thiết bị không dây là việc bị mất chất lượng âm thanh khi đang chơi, đặc biệt là khi đang phát các bản nhạc chất lượng cao. Để giảm thiểu hiện tượng này, các công ty như Qualcomm, Apple và Sony đã tạo ra các Bluetooth codec. Những ai sử dụng thiết bị không dây có chất lượng thu – phát sóng tốt, đồng thời hỗ trợ các loại codec tiên tiến nhất sẽ ít gặp phải hiện tượng giảm chất lượng khi truyền tín hiệu qua phương thức không dây.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là headphone không dây mà không có codec thì sẽ không hoạt động. Thực tế cho thấy các công ty chuyên về tai nghe vẫn đang nỗ lực tạo ra những thiết bị không dây có chất âm tốt nhất có thể. Và trên thị trường hiện nay, các loại tai không dây ngày càng được nâng cao về chất lượng, với không ít sản phẩm có thể hỗ trợ nhạc chất lượng cao và thời lượng pin cực kỳ đáng nể. Có lẽ, tương lai khi các thiết bị không dây sở hữu chất âm tốt như có dây không còn quá xa xôi như chúng ta thường nghĩ nữa.
Wi-Fi là một giao thức khác không dây cũng rất phổ biến, với ưu điểm là phạm vi kết nối rất rộng. Phần lớn các hệ thống loa công cộng ngày nay nếu không sử dụng dây thì sẽ dùng kết nối Wi-Fi. Do tính kết nối liên thông rất cao và chất lượng tín hiệu tốt hơn hẳn nên với Wi-Fi, người dùng không phải lo về can nhiễu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một tai nghe Wi-Fi nào xuất hiện vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu do hai điều: thứ nhất, tiêu hao pin cho Wi-Fi rất lớn so với Bluetooth, và thứ hai, việc kết nối Wi-Fi có phần đi ngược lại tính di động, do phải phụ thuộc vào một thiết bị thứ ba phát Wi-Fi, vốn không hề di động chút nào. Do đó các thiết bị âm thanh Wi-Fi chủ yếu vẫn là home audio chứ không phải tai nghe.
Khi so sánh giữa tai nghe có dây và tai nghe không dây, ưu điểm lớn nhất của tai nghe có dây vẫn là chất lượng âm thanh tốt hơn. Hầu hết cáp tai nghe đều có sợi dẫn làm bằng đồng, có khả năng dẫn tín hiệu rất tốt nên không xảy ra hiện tượng thất thoát tín hiệu. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất, cũng là lý do để tai nghe không dây xuất hiện là dây tai nghe dễ bị rối. Đồng thời, trong quá trình sử dụng, các tác động vật lý như kéo căng, giật, đè lên tai nghe về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tai nghe và khiến tai nghe bị hỏng. Chưa kể, nếu như sử dụng tai nghe không phải với điện thoại hay máy nghe nhạc bỏ túi, chắc chắn khả năng di động cũng sẽ bằng không do hạn chế về độ dài dây.
Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng ở thời điểm hiện tại, các máy phát nhạc chất lượng cao, headphone amp và DAC chủ yếu vẫn hỗ trợ cho tai nghe có dây, khiến thiết bị này chưa thể dễ dàng biến mất khỏi thị trường và chắc chắn rằng, vẫn còn phải mất khá nhiều thời gian nữa thì tai nghe có dây mới bị thay thế hoàn toàn bởi tai nghe không dây được.
Tapchihifi TV