Hơn 200 năm trước, không một âm thanh nào được thu lại. Thế nhưng giờ đây chuyện tái tạo lại âm thanh lại là một điều quá đơn giản, nằm trong khả năng của con người.
Khi nghĩ về lịch sử audio, nhiều người thường nghĩ rằng đó là một chuỗi liên tục các cải tiến hoặc thay đổi, từ âm thanh nguyên thủy cho đến thời đại digital ngày nay. Những bản thu đầu tiên trong lịch sử, tức những ống trụ bọc sáp của Edison từ những năm 1890, ở một đẳng cấp khác hoàn toàn so với những chiếc iPod hoặc iPad, một bên quá thô lậu trong khi bên còn lại tinh xảo và vượt trội. Tuy nhiên, cũng có những giai đoạn trong tiến trình phát triển của công nghệ tái tạo âm thanh thế kỷ 20, chất lượng âm thanh không những không cải thiện mà còn đi xuống. Sự suy giảm chất lượng này trái lẽ thông thường đến mức rất khó có thể tìm được lời giải thích chỉ bằng một hai câu ngắn gọn. Để hiểu được điều đó, chúng ta cần xem lại lịch sử của audio để hiểu được điều gì đã diễn ra.
Khởi nguyên
Cho đến nay, chúng ta vẫn còn đang tranh cãi loài người biết đến âm nhạc, tạo ra âm nhạc từ khi nào. Có thể nhân loại đã làm như vậy từ trước cả khi loài Homo Sapiens xuất hiện. Chỉ có thể biết rằng âm nhạc đã xuất hiện từ rất lâu về trước. Thế nhưng tái tạo lại âm nhạc thì lại ra đời muộn hơn rất nhiều. Sự xuất hiện của khả năng tái tạo lại âm nhạc thông qua máy móc có thể xem như là một bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại, là một mốc đáng lưu ý trong lịch sử công nghệ. Lịch sử của khả năng tái tạo lại âm nhạc dường như cũng phần nào nói lên ảnh hưởng của công nghệ với tư cách là một phần của tiến trình tự nhiên.
Nhìn chung, ngày nay con người có rất nhiều cách để thưởng thức âm nhạc. Chúng ta có thể nghe chúng từ các thiết bị cá nhân như điện thoại hay máy nghe nhạc, hay thậm chí có thể thấy nhạc được chơi ở bất cứ đâu, từ các cửa hàng hay bất cứ địa điểm công công. Âm nhạc có mặt ở khắp nơi mà không cần mất tiền để thưởng thức. Mà như vậy thường bị xem là vô giá trị.
Thế nhưng khoảng gần 150 năm trước, khi âm nhạc được tái tạo lại lần đầu, tình thế lúc đó lại khác hẳn. Việc chúng ta có thể nghe nhạc mà không cần đến những nơi biểu diễn trực tiếp là phép màu thực sự. Trước khi có chiếc loa hay microphone, nghệ sĩ chỉ có thể biểu diễn ở những nhà hát hoặc nhà thờ, nơi kết cấu âm học rất đặc biệt, có thể khuếch đại âm thanh lên một ngưỡng tương đối cao. Sau này, khi mà công nghệ thu thanh sơ khởi ra đời, họ sẽ chơi trước một họng kèn rất dài, từ đó tác động đến transducer để tạo thành năng lượng cơ học, cắt tín hiệu lên một ống trụ và sau đó chuyển thành bản ghi âm. Như vậy có thể thấy giọng hát hay nhạc cụ đã thực sự tạo ra tác động vật lý đến transducer để làm nên tín hiệu âm thanh cho bản thu.
Microphone xuất hiện vào thập niên 20 của thế kỷ trước và đã làm thay đổi tất cả mọi thứ. Lần đầu tiên, một nhạc cụ hay giọng hát đã có thể khuếch đại bằng thiết bị điện tử, và cũng từ lúc này, tất cả mọi thử đều có thể thu âm được, ngay cả những thứ quy mô lớn như một dàn nhạc giao hưởng cũng không thành vấn đề.
Thập niên 20 cũng là giai đoạn thịnh vượng của Mỹ và châu Âu. Ở những quốc gia thường hàng cường quốc như Mỹ, Đức hay Anh, một lượng tiền bạc, thời gian và công sức khổng lồ đã được bỏ ra để phát triển các cộng nghệ dành cho tái tạo âm thanh, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho điện thoại, micro, những công nghệ dành cho mảng thu âm như radio, máy ghi âm, thậm chí phim ảnh ra đời. Điện ảnh từng là một phần không thể thiếu của đời sống hàng ngày, cũng giống như ngày nay có TV và internet vậy. Ở các thành phố lớn từng xuất hiện những rạp hát làm việc 24/7. Sự ra đời của phim có thoại là dấu ấn không thể quên, bởi nó đã làm thay đổi vĩnh viễn phim ảnh cũng như các ngành giải trí khác.
Trong giai đoạn ấy, có hai tập đoàn lớn thống trị mảng công nghệ âm thanh không chỉ ở Mỹ mà còn ở trên toàn thế giới, đó là RCA và Western Electric. Những công ty này chính là nơi khai sinh ra hầu hết những tiến bộ công nghệ ngày nay, từ hệ thống điện thoại, công nghệ thu âm, TV, VCR cho đến gần như toàn bộ sự phát triển của âm thanh cho điện ảnh.
Cũng cần nhớ rằng trong suốt giai đoạn thập niên 20 và đầu những năm 30, thời điểm mà Western Electric (mà đại diện là Bell Labs) cùng RCA đưa ra những phát kiến quan trọng cả về lý thuyết cũng như thực tế, lúc ấy còn chưa có máy tính, chưa có các chương trình về không gian, chưa có bất cứ ý niệm nào về hạt nhân, thậm chí Thế chiến thứ nhất chỉ vừa mới trải qua không lâu trước đó. Những tài năng vĩ đại nhất khi ấy đã cùng làm việc với nhau để giải quyết vấn đề làm thế nào để có âm thanh cho phim ảnh. Ngay cả ở thời kỳ sơ khai như vậy, phim ảnh vẫn cần rất nhiều âm thanh khác nhau và đó là một vấn đề rất lớn.
Nếu so sánh về quy mô, nhà hát không phải là một tổ hợp công trình nhỏ như ngày nay. Chúng thường rất hoành tráng, có thể chứa được hàng nghìn người. Nhà hát thường có rất nhiều ghế ngồi, sử dụng những tấm rèm kéo rất nặng, bản thân người ngồi nghe cũng hấp thụ âm thanh, khiến cho việc tái tạo lại âm thanh càng trở nên phức tạp hơn. Nhu cầu cho âm thanh với âm lượng lớn rất bức thiết, thế nhưng ampli thời kỳ đầu sử dụng bóng đèn ba cực chỉ có thể tạo ra mức công suất khá thấp, trung bình khoảng 10 watt cho mỗi cỗ máy. Ngay cả khi có hàng chục chiếc ampli nặng nề, đắt đỏ như vậy trong tay, tổng công suất mà chúng tạo ra vẫn không đủ cho lượng khán giả đồ sộ như vậy, thậm chí vẫn còn ít hơn rất nhiều so với những gì mà một chiếc ampli phổ thông ngày nay làm được. Vậy họ đã làm thế nào để biến một lượng công suất nhỏ như vậy thành thứ âm thanh lớn để bất cứ ai cũng có thể nghe được?
(Hết kỳ 1)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Lịch sử hệ thống âm thanh stereo
Nguyễn Hào