Các nền tảng của digital dưới dạng bit đã trở nên phổ biến, đem âm nhạc đến với tất cả mọi người. Tuy nhiên, điều này vẫn có những tác hại nhất định, đặc biệt là với chất lượng âm nhạc được tái tạo lại.
Cuộc chiến digital và analog (II)
Các định dạng digital có ưu điểm là có thể chia sẻ được. MP3 là một trong những định dạng phổ biến nhất, Apple và iTunes, Android, tất cả đều góp phần khiến cho tình huống vốn đã tệ nay lại càng tệ hơn. Để đảm bảo nhanh chóng và dễ dàng cho việc sao lưu, chia sẻ, các kỹ thuật nén được sử dụng, khiến cho một lượng rất lớn dữ liệu ban đầu bị cắt đi. Lấy một ví dụ đơn giản như định dạng MP3 chất lượng 128kbps, chỉ cần đưa vào một phần mềm tái hiện chất lượng qua biểu đồ như Spek cũng có thể thấy tất cả các dải trên 15kHz đã bị mất đi. Tuy nhiên, bộ não của chúng ta có khả năng tự tạo lại những thông tin bị mất đó dựa trên những gì còn sót lại, do đó ngay cả khi một file MP3 bị thiếu đi các dải trầm và dải cao, khi nghe chúng ta vẫn tưởng tượng ra được nó. Khả năng kỳ diệu này tất nhiên phải đánh đổi bằng một cái giá khá lớn, được biết với cái tên “hiện tượng mệt mỏi khi nghe.”
Bởi việc nghe là một hoạt động không chủ đích, chúng ta không nhận ra rằng bộ não đang phải làm việc để phục hồi lại các thông tin bị mất hay bị thay đổi. Chưa kể, sự xuất hiện của các thiết bị bỏ túi hay xách tay khiến người nghe không còn ngồi yên một chỗ để nghe một cách nghiêm túc nữa. Họ có thể vừa nghe nhạc vừa làm những việc khác, như vậy hiện tượng mệt mỏi khi nghe không còn mấy ảnh hưởng nữa. Điều này cũng giải thích vì sao giờ đây hầu hết mọi người đều không còn sở hữu những hệ thống stereo đúng nghĩa nữa. Với digital, cái gì cũng có thể nhỏ gọn và bỏ túi được.
Đứng từ góc độ âm thanh chuyên nghiệp, sự suy giảm về chất lượng còn thể hiện qua một hiện tượng bắt đầu diễn ra từ những năm 1990. Với analog, đĩa than chỉ có thể được cắt với một mức âm lượng vừa phải, vì nếu cắt quá lớn thì rãnh đĩa sẽ rất rộng, không chỉ tốn diện tích mà kim còn có thể nhảy ra khỏi rãnh và không chơi được nhạc. Đĩa CD không bị giới hạn vật lý giống như vậy. Cho đến năm 1994, tất cả các đĩa CD vẫn được làm với độ động rất lớn, có thể lên đến hơn 90dB (độ động là khoảng cách về âm lượng về nốt bé tiếng nhất và nốt lớn tiếng nhất). Tuy nhiên, ở thời điểm ấy các hãng thu âm đều muốn bản thu của mình lớn tiếng hơn các đối thủ cạnh tranh nên họ quyết định sử dụng phương pháp cắt độ động, vô tình làm mất đi một khía cạnh khiến âm nhạc là âm nhạn đúng nghĩa. Cho đến năm 2000, hiện tượng này được gọi là “cuộc chiến âm lượng”, góp phần làm nên thế giới âm nhạc digital ngày nay.
Kết luận
Công nghệ đã bắt đầu bước qua thời kỳ phát triển như vũ bão được vài năm nay và bắt đầu chậm lại. Định luật Moore khi mới ra đời cho rằng số lượng bán dẫn trên một đơn vị diện tích qua mỗi năm sẽ tăng gấp đôi, giờ thì khoảng thời gian ấy đã tăng lên thành 5-6 năm. Chuyên môn hóa trong mỗi lĩnh vực trở nên rất quan trọng vì không phải ai cũng có thể làm chủ được tất cả mọi thứ. Nếu như tham gia vào các hội thảo về công nghệ của audio, chúng ta có thể thấy rằng mỗi người sẽ có một vấn đề riêng, chẳng hạn như cải thiện thuật toán, giảm nhiễu jitter, tất cả đều chỉ là một phần của một bức tranh toàn cảnh rất lớn.
Tuy nhiên, công nghệ dù có tiến bộ đến đâu thì vẫn có những bước lùi bất ngờ. Chúng ta có thể thấy có những công nghệ đã tồn tại cả trăm năm, tưởng như có thể phải biến mất hoàn toàn nhưng cuối cùng vẫn quay trở lại. Âm thanh analog, đĩa than, ampli đèn ba cực, loa kèn… Đó là những minh chứng cho thấy công nghệ cũ vẫn có thể đồng hành cùng công nghệ mới, chừng nào chúng vẫn còn làm con người cảm thấy hài lòng.
Tuy nhiên, sự tồn tại của analog sẽ không kìm hãm sự phát triển của digital. Con người yêu thích sự ngọt ngào, ấm áp của âm thanh từ đĩa than, nhưng cũng không ngại trải nghiệm sự trung tính, chính xác của âm thanh digital. Đã từng có một thời, chất lượng của CD rất tệ, nhưng những sai lầm đó chỉ xuất hiện khi các kỹ sư làm đĩa chưa tìm ra được cách để làm đĩa cho đúng. Còn giờ đây, digital ngày càng trở nên tốt hơn bao giờ hết và trở thành một lựa chọn thứ hai bên cạnh analog. Suy cho cùng, analog cũng phải trải qua một quá trình tiến hóa rất dài, từ những ống trụ bọc sáp của Edison cho đến đĩa shellac 78 vòng / phút, cuối cùng là đĩa vinyl 33.3 vòng. Sẽ chẳng lạ mấy nếu như các định dạng audio digital cũng trải qua một quá trình như vậy, chỉ khác ở chỗ nhanh hơn và ngày càng tốt hơn mà thôi.
Lịch sử của audio (phần 3)
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây
Những điều cần biết về bóng đèn điện tử NOS cho ampli đèn
Nguyễn Hào