Lịch sử hình thành thương hiệu Marantz | TapChiHiFi TV 82

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1948 khi CBS bắt đầu giới thiệu những đĩa than mono thời lượng dài đầu tiên, khiến công chúng quan tâm nhiều hơn về khả năng tái tạo lại âm nhạc chất lượng cao. Saul Bernard Marantz lúc bấy giờ là một người yêu âm nhạc, một hoạ sĩ tự do và là nhạc sĩ nghiệp dư. Không hài lòng với những thiết bị đang có mặt trên thị trường lúc bấy giờ. Marantz đã bỏ ra hàng giờ liền ở tầng hầm nhà mình để tạo ra những chiếc ampli với chất lượng âm thanh có thể khiến ông thoả mãn.

Sau hơn 4 năm làm việc, năm 1952, Saul Marantz đã tạo ra một chiếc preamp vượt trội, đi trước thời đại khá xa. Chiếc preamp này được trang bị tất cả equalizer cần thiết để có thể xử lý đặc tính âm thanh của những bản nhạc phức tạp nhất, khiến bạn bè của ông phải giật mình vì những gì mình nghe được. Marantz đặt tên cho chiếc preamp là Audio Consolette. Vợ ông đã thuyết phục ông làm ra 100 chiếc để bán, thế nhưng ngay trong năm đầu tiên lượng đặt hàng đã lên tới 400 chiếc.

Với thành công của Audio Consolette, Marantz tự tin thành lập công ty riêng vào năm 1953 và một năm sau cho ra mắt thị trường chiếc Mono Preamplifier Model 1 – phiên bản thương mại mở rộng của Audio Consolette. Thời điểm ấy, đây là chiếc preamp cực kỳ tiên tiến vì được trang bị bộ phono equalizer đáp ứng chuẩn RIAA ra mắt cùng năm. Với 7 đầu vào, trong đó có đầu vào TV audio, Mono Preamplifier Model 1 thậm chí phục vụ được nhu cầu của người sử dụng tới 40 năm sau.

Năm 1956, Marantz tiếp tục mở rộng số lượng sản phẩm của mình. Power Amplifier Model 2 ra đời và được đánh giá là vượt xa đối thủ đương thời. Thiết bị có hai chế độ công suất và có thể chuyển được thông qua một nút gạt đơn giản, một là chế độ pentode 40 watt và hai là chế độ triode 25 watt. Thời điểm ấy, đã có nhà phê bình phải đánh giá chiếc power-amp này bằng cụm từ “vĩ đại”, một cụm từ rất ít khi được dùng trong giới hi-fi thập niên 50.

Ampli Marantz PM8006 tot

Trong giai đoạn những năm 50 – 60, Marantz đã cho ra mắt nhiều sản phẩm được đánh giá là huyền thoại, có tầm ảnh hưởng to lớn đến danh tiếng của công ty. Trước hết là chiếc preamp hai kênh Model 7C với mạch chỉnh âm sắc riêng cho từng kêng cùng khả năng lựa chọn chế độ stereo hoặc mono dựa vào bản thu. Doanh số kỷ lục của chiếc preamp này cũng là bằng chứng về chất lượng âm thanh của thiết bị. Sau Model 7C, Marantz tiếp tục ra mắt chiếc power-amp hai kênh đầu tiên của họ – Model 8. Trong năm 1963, chiếc Monoblock Model 9 và FM tuner Model 10 lần lượt ra đời

Sản phẩm chất lượng thường đòi hỏi chi phí phát triển và sản xuất cực lớn. Gánh năng tài chính cuối cùng đã buộc Saul Marantz phải bán công ty cho tập đoàn Superscope vào năm 1964. Tuy nhiên, trước khi mua lại công ty Marantz, Superscope đã buộc Marantz ký một hợp đồng, yêu cầu ông không được tham gia vào lĩnh vực sản xuất thiết bị hi-fi trong 30 năm tiếp theo. Điều này rất dễ hiểu, Saul Marantz là một thiên tài, và ông có thể dễ dàng trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng sợ nếu như mở một thương hiệu mới. Sự kiện Superscope mua lại thương hiệu của Saul đã chấm dứt thời kỳ Cựu Marantz cũng như thời hoàng kim của ampli đèn.

Giữa thập niên 70, Marantz vẫn tiếp tục sản xuất những thiết bị hi-end và hi-fi chất lượng cao. Thế nhưng đến cuối thập kỷ, do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường nên đến năm 1980, Superscope bán lại thương hiệu Marantz cho Royal Philips Electronics – thương hiệu thiết bị điện tử tiêu dùng cực kỳ nổi tiếng của Hà Lan.

Thời kỳ Philips-Marantz mở ra giai đoạn thứ ba của công ty, với đặc điểm chuyển từ thuần analog truyền thống sang âm thanh digital. Đại diện nổi bật nhất của thời kỳ này là đầu CD cao cấp Marantz CD-63 được giới thiệu vào năm 1982. Trong vòng 19 năm từ 1980 đến 1999, Marantz đã cho ra nhiều sản phẩm xuất sắc ở mảng âm thanh digital như ampli DPM7, đầu đĩa CDR-1 hay đầu SACD SA-1

Đến cuối những năm 90, các hệ thống âm thanh đa kênh xuất hiện, dẫn đến sự hình thành của các hệ thống rạp hát tại gia. Bên cạnh CD, DVD cũng được sử dụng phổ biến hơn. Với vị thế của một công ty danh tiếng, Marantz lại tiếp tục dấn thân vào những lĩnh vực mới mẻ này. SR-14 là chiếc AV receiver đầu tiên phục vụ xuất sắc cho cả hai nhu cầu xem phim đa kênh và nghe nhạc stereo. Bên cạnh đó, Marantz còn đầu tư vào công nghệ Digital Light Processing của Texas Instruments, từ đó phát triển máy chiếu VP-12S1. Sau phiên bản này, không ít dòng kế nhiệm cũng xuất hiện.

ampli Marantz

Ngày nay, Marantz vẫn là một trong những thương hiệu uy tín trên thị trường với khả năng tiếp cận xu thế rất tốt, bắt kịp những công nghệ quan trọng của thời đại. Bên cạnh đó, hãng còn tập trung vào việc đem đến vẻ bề ngoài độc đáo, thể hiện rõ ràng đặc trưng Marantz ngay từ cái nhìn đầu tiên. Công việc này bắt đầu từ năm 2001 với thiết kế C1 và chính thức hoàn thiện vào năm 2008 cùng thiết kế M1. Từ đó đến nay, toàn bộ sản phẩm của Marantz, từ dòng sơ nhập cho đến sản phẩm cao cấp nhất đều có chung một thiết kế ngoại hình rất dễ nhận ra.

Ngày nay, Marantz có hai mục sản phẩm chính. Đầu tiên là dòng The Range với lượng sản phẩm đa dạng, có thể tạo thành bất cứ phối ghép nào, phù hợp với bất cứ nhu cầu sử dụng nào. Thứ hai là loạt sản phẩm cao cấp trong dòng The Premium Series với khả năng đem đến những trải nghiệm ấn tượng nhất. Những năm gần đây, sản phẩm cao cấp của hãng còn mở rộng với dòng The Reference. Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến các model mang tên Ken Ishiwata – những thiết bị được phát triển và tinh chỉnh bởi đội ngũ kỹ sư do Ken Ishiwata dẫn dắt, được tạo ra chỉ để đem đến chất lượng âm nhạc cao nhất. Do đó, bên cạnh những linh kiện cao cấp, người dùng có thể tìm thấy ở những sản phẩm này tinh hoa của hơn 65 năm Marantz tồn tại trên thị trường.

Tapchihifi TV