Những chiếc loa cổ nhất trên thế giới hiện nay đã bước qua tuổi 100 được vài năm. Thế nhưng, ngay từ khi ngành kỹ thuật điện còn ở giai đoạn sơ khai, con người đã tìm kiếm những phương thức khác nhau để lưu giữ, tái tạo và làm cho âm thanh trở nên rõ ràng hơn. Ngành công nghiệp audio mới chỉ bắt đầu từ cách đây vài chục năm, nhưng lịch sử của loa lại là một câu chuyện trải dài qua ba thế kỷ.
Một trong những thiết bị có liên quan trực tiếp đến sự ra đời của loa ngày nay là điện thoai. Khi Alexander Graham Bell thực hiện cuộc gọi đầu tiên vào ngày 10 tháng 3 năm 1876, chiếc máy thô sơ có thể truyền được giọng nói này đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trong lịch sử thông tin liên lạc, thay thế cho điện tín. Trước khi chiếc điện thoại của Bell ra đời, trước đó, đã có một vài thiết bị truyền âm thanh tương tự ra đời, nhưng chỉ duy nhất ông được công nhận vì lý do: Alexander Graham Bell là người đầu tiên đăng ký bằng phát minh sáng chế ra điện thoại.
Đối với điện thoại, người ta không cần tiếng to. Và trong một phát minh khác khá gần gũi với công nghệ viễn thông là radio, thời kỳ đầu người ta sử dụng tai nghe hoàn toàn vì không có bất cứ thiết bị nào để khuếch đại tín hiệu âm thanh. Thiết bị để tạo ra âm thanh cho điện thoại và radio thời ấy không gọi là loa, mà là hệ thống tái tạo âm thanh hoặc hệ thống nhận tín hiệu. Cho đến giai đoạn 1880 – 1890, các nhà phát minh bắt đầu nghĩ đến việc phát thanh từ điện thoại hoặc radio cho một nhóm người nghe. Ý tưởng ban đầu rất đơn giản, họ lắp một họng kèn lớn vào bộ phận thu tín hiệu của điện thoại để tạo ra một chiếc điện thoại phát tiếng lớn. Chính từ lúc này, khái niệm loa bắt đầu ra đời.
Họng kèn thường được xem như một trong những hình thức khuếch đại âm thanh sớm nhất. Khác với các thiết bị khuếch đại mọi người thường thấy ngày nay, họng kèn không sử dụng điện. Thomas Edison, Magnavox và Victrola tập trung vào phương pháp này trong suốt giai đoạn từ những năm 1880 cho đến thập niên 20 của thế kỷ trước. Vấn đề lớn nhất của họng kèn là hiệu quả không cao, mặc dù tiếng có thể nghe rõ nhưng không quá to. Dù vậy, đây vẫn là phương thức phát thanh và khuếch đại tốt nhất của loài người lúc bấy giờ.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi bóng đèn 2 cực được nhà khoa học Anh John Ambrose Fleming phát minh vào năm 1904. Đến năm 1906, Lee de Forest sáng chế ra đèn 3 cực, bóng chân không cho phép nhận và khuyếch đại tín hiệu điện tử. Tròn 10 năm sau, Bell Labs cho ra mắt mẫu ampli dùng đèn điện tử khuếch đại và mạch kéo đẩy đầu tiên trên thế giới, nhưng mãi gần hai thập kỷ sau nó mới thực sự đi vào cuộc sống. Cũng trong thời gian này, người ta bắt đầu hoàn thiện dần thứ mà ngày nay chúng ta gọi là loa.
Những chiếc loa hiện đại mà chúng ta dùng ngày nay gọi là loa điện động, vì chúng dùng nam châm điện để biến đổi tín hiệu điện thành dao động cơ học, tác động đến cuộn dây động được nối đến màng loa nhằm tái tạo âm thanh mà con người nghe được. Cách hoạt động nghe đơn giản, nhưng để làm được một chiếc loa như vậy, người ta cần phải có hiểu biết về điện, sóng vô tuyến, sóng âm, cơ chế hoạt động, hóa học và vật lý. Ngày nay, để đào tạo một kỹ sư chuyên về loa chỉ cần mất vài năm. Nhưng quay trở lại đầu thế kỷ 20, những kiến thức này vẫn còn nằm trong bí ẩn. Nam châm điện dành cho loa được phát minh vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 19, thế nhưng phải hơn 40 năm sau người ta mới bắt đầu có hiểu biết về tính chất âm học và các vật liệu có liên quan. Năm 1911, Peter L. Jensen cùng Edwin S. Pridham trở thành những người đầu tiên trong lịch sử tạo ra loa sử dụng cuộn dây động khi sáng chế ra mẫu loa Magnavox đầu tiên và chính thức cho ra mắt thị trường bốn năm sau đó. Mặc dù vẫn sử dụng họng kèn để khuếch đại âm thanh, Magnavox được xem như thiết kế gần nhất với những mẫu loa hiện đại, thậm chí còn được gọi là chiếc loa đầu tiên của lịch sử loài người.
Rice và Kellogg là những người đầu tiên giúp chiếc loa thoát ly hoàn toàn khỏi chiếc họng kèn nặng nề. Năm 1921, hai kỹ sư này cho ra mắt nguyên mẫu loa đầu tiên được tích hợp mạch khuếch đại bằng đèn điện tử bên trong. Thiết bị này có thể tạo ra âm thanh đủ lớn để cạnh tranh với họng kèn, đồng thời đủ khả năng tái hiện toàn bộ dải động và điều chỉnh âm lượng một cách rõ rệt. Sản phẩm hoàn thiện chính thức xuất hiện vào 1924, được cải tiến dần để có thể nhỏ hơn và cho vừa vào trong radio. Sau này bản quyền của phát minh được bán lại cho một liên danh rất có thế lực lúc bấy giờ – RCA.
Người ta nói rằng việc bán lại bản quyền sáng chế loa cho liên danh RCA là một bước tiến rất quan trọng, bởi RCA được hình thành dưới áp lực nước Mỹ cần tập hợp những công ty mạnh nhất trong lĩnh vực điện tử để có thể cạnh tranh với các tập đoàn châu Âu được nhà nước tài trợ như Philips hay Siemens. Liên danh như RCA được thành lập sẽ thúc đẩy việc tập hợp các công nghệ có bản quyền một cách nhanh chóng để từ đó có thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh hơn.
Đồng thời, cũng từ sau giai đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất, người ta nhận ra rằng công nghệ radio có thể tạo ra khoảng cách rất lớn trong thông tin liên lạc, từ đó quyết định đến chiến thắng của quân đội. Ernst Alexanderson – một kỹ sư đồng thời cũng là doanh nhân người Thụy Điển đã từng trải qua những trận chiến khốc liệt nhất nên hiểu rõ điều này. Chính ông là người đã hỗ trợ cho Rice và Kellogg trong giai đoạn chế tạo ra bộ loa đầu tiên của mình.
Loa nhiều đường tiếng chính thức xuất hiện lần đầu vào năm 1931, khi Bell Labs giới thiệu cặp loa hai đường tiếng đầu tiên sử dụng một họng kèn nhỏ để tái tạo dải âm từ 3000Hz đến 13kHz và một củ loa với màng loa nón, đường kính 30.5cm để tái tạo dải âm từ 50Hz đến 10kH. Đây chính là lần đầu tiên loa có cấu trúc hoàn chỉnh giống như ngày nay.
Tapchihifi TV