Loa Dynaudio LYD 7 – Trợ thủ đắc lực của phòng thu âm bình dân

Không quá đắt đỏ, LYD 7 phù hợp với những phòng thu cỡ nhỏ. Tuy nhiên, là một sản phẩm của thương hiệu danh tiếng Dynaudio, LYD 7 chắc chắn sẽ không khiến người nghe phải cảm thấy thất vọng.

Những cặp loa BM đầu tiên xuất hiện từ cách đây hơn 20 năm của Dynaudio – thương hiệu loa nổi tiếng đến từ Đan Mạch đã đánh dấu tên tuổi của họ đối với giới âm thanh kỹ thuật. Dòng loa BM đã trở thành lựa chọn loa monitor tầm gần của rất nhiều studio trên toàn thế giới, và những cặp loa lớn như M3 được đánh giá rất cao. Điều đó không có gì quá lạ, bởi ngay từ những ngày đầu tiên, Dynaudio đã tự sản xuất driver cho mình và tập trung vào ba mảng chính: OEM cho các hãng khác, sản xuất loa hi-fi truyền thống và cung cấp hệ thống âm thanh cho các thương hiệu xe hơi như Volvo, Volkswagen hay Bugatti. Chính nhờ kinh nghiệm ở những mảng này mà họ có thể lấn sang lĩnh vực pro audio chẳng mấy khó khăn.
Đầu năm 2016, dòng loa BM chính thức kết thúc nhiệm vụ của mình và dòng kế nhiệm LYD được Dynaudio giới thiệu trước công chúng. Dòng loa này ban đầu có ba mẫu là LYD 5, LYD 7, LYD 8, sau thêm mẫu loa ba đường tiếng LYD 48 vào. Dynaudio đã định hình cho dòng LYD là loa monitor tầm gần với kích thước nhỏ, độ chính xác cao, và hiển nhiên chúng làm rất tốt của mình. Loa Dynaudio LYD 7 vì thế cũng không phải là ngoại lệ so với các “anh em” của mình.

Giới thiệu về LYD 7

Loa Dynaudio LYD 7

Nếu so sánh LYD 7 với những mẫu loa hi-fi của Dynaudio, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy khá ngạc nhiên bởi cặp loa này thực ra cũng không khác các sản phẩm còn lại nhiều lắm, ít nhất về mặt ngoại hình. LYD7 sở hữu vẻ bề ngoài rất thực tế, được thiết kế khá tỉ mỉ và cẩn thận. Thùng loa dù nhỏ vẫn được làm bằng gỗ MDF khá chắc chắn, với các cạnh bên được sơn màu tối trong khi mắt trước lại là màu trắng khá nổi bật. Các cạnh ở mặt trước được gọt vát đi, chủ yếu là để tránh hiện tượng thùng loa quá vuông vức, từ đó dẫn đến hiện tượng méo tiếng do thùng loa gây ra. LYD 7 cũng khá nhẹ nhàng, nặng chỉ 8kg, kích thước các cạnh là 186 x 320 x 296mm.
Là một loa monitor tầm gần, vậy nên LYD 7 cũng sẽ được Dynaudio trang bị đầy đủ những công cụ cần thiết, từ mạch khuếch đại Class D cho đến các tính năng cân chỉnh quan trọng, tất cả đều sẽ có mặt trên cặp loa nhỏ nhắn này.

Chi tiết kỹ thuật

Nhìn chung, LYD 7 là một cặp loa khá cơ bản. Sở hữu cấu trúc hai đường tiếng, mỗi chiếc loa sẽ có hai driver gồm một tweeter và một midwoofer. Số 7 ở trong tên của loa bắt nguồn từ việc driver woofer có đường kính 17.78cm (tức 7 inches). Woofer sử dụng màng nón Magnesium Silicate Polymer (MSP) – một loại vật liệu thường được Dynaudio sử dụng vì những đặc điểm như đảm bảo cho màng loa có khối lượng nhẹ nhưng chắc chắn và đáp ứng tốt các tín hiệu tức thời. Trong khi đó, tweeter của LYD 8 khá truyền thống khi được thiết kế dạng vòm, màng loa lụa mềm với đường kính 2.5cm.

Loa Dynaudio LYD 7 dep

Ở mỗi loa sẽ có hai mạch khuếch đại class D, mỗi chiếc cho một driver khác nhau, với công suất mỗi mạch là 50 watt. So với cách đây tầm 20 năm, có thể thấy chất lượng của mạch class D đã được cải thiện đáng kể. Ngày nay, đây là lựa chọn rất phổ biến cho loa chủ động, đặc biệt là loa kiểm âm vì ba lý do chính: trung tính trong chất âm, công suất cao trong khi nhiệt lượng toả ra thấp. LYD 7 không cần phải sử dụng tản nhiệt, và trong suốt quá trình hoạt động, cặp loa này vẫn làm việc rất ổn định, với nhiệt độ chỉ cao hơn nhiệt độ trong phòng một chút. Đằng sau loa là một khe thông hơi hẹp chiều dọc, kéo dài gần hết chiều ngang của loa.
Mặt sau của thiết bị là nơi để thực hiện các tác vụ của DSP (bộ xử lý tín hiệu số), đây cũng là nơi chứa các cổng đầu vào cũng như đèn LED chỉ báo trạng thái hoạt động của loa. Ngoài các cổng đầu vào XLR và RCA ra, thiết bị còn có 5 nút gạt, 2 nút ở trên (dàn đều hai bên đèn LED) cùng 3 nút phía dưới. Nút bên trái đèn LED là nút chỉnh đô nhạy với ba nấc khác nhau: +6, 0 và -6dB. Bên cạnh là nút lựa chọn chế độ Standby gồm Auto và On. Khi chuyển về On, loa sẽ chỉ tắt đi khi sử dụng công tắc tổng ở dưới cùng, trong khi với Auto, thiết bị sẽ ngừng hoạt động sau một khoảng thời gian không có tín hiệu vào và tự hoạt động trở lại khi có tín hiệu.
3 nút gạt ở dưới là 3 nút gạt thực hiện chức năng của DSP. Đầu tiên là Bass Extension với các nấc +10, 0 và -10Hz. Với mức -10Hz, đáp tuyến tần số của các dải trầm sẽ mở rộng xuống 45Hz (-6dB) nhưng với mức âm lượng vừa phải, trong khi hai mức còn lại cho âm lượng lớn hơn nhưng roll-off của dải bass cũng sắc hơn, khiến đáp tuyến tần số của mức 0 và +10Hz bắt đầu thu hẹp lại, lần lượt là 55Hz và 65Hz.

Loa Dynaudio LYD 7 tot

Sound Balance là tên của nút gạt thứ hai với ba vị trí: B (Bright – thiên sáng), N (Neutral – trung tính) và D (Dark – thiên tối). Đây thực chất giống như một EQ dùng cho quá trình master bản nhạc, thường nó hoạt động bằng cách lấy điểm 1kHz làm gốc, sau đó tác động đến các dải tần số ở xung quanh để đem đến chất âm thiên sáng hoặc thiên tối. Chẳng hạn, với chất âm thiên sáng, âm lượng của các dải cao sẽ lớn hơn, khiến các dải này được nhấn mạnh trong khi âm lượng của các dải thấp hơn sẽ được giảm đi. Chất âm thiên tối thì ngược lại. Mặc dù từ thông tin mà Dynaudio đưa ra về LYD 7, EQ này chỉ thêm hoặc bớt tối đa 1dB, bằng ấy cũng đã đủ để đáp tuyến của loa phù hợp với phòng nghe hoặc sở thích cá nhân của người dùng.
Chức năng cuối cùng của DSP là Position. Chức năng này có hai lựa chọn là Wall và Free, điều chỉnh đáp tuyến tần số dựa vào việc loa đặt gần tường hay cách xa tường, bởi càng gần tường, các dải trầm sẽ càng được nhấn mạnh hơn. Khoảng cách đặt loa cách tường thông thường là khoảng vài chục cm, nếu chuyển nút gạt về vị trí Wall, cảm giác về âm trầm sẽ khá lớn.
Theo khuyến cáo của Dynaudio, tam giác đều tạo bởi hai loa cùng vị trí ngồi nghe không nên có cạnh lớn quá 2m vì nếu quá xa, mạch khuếch đại sẽ phải hoạt động vượt quá mức cho phép mới đủ âm lượng, dẫn đến việc xén ngọn tín hiệu rất hại cho loa. Bên cạnh đó, việc chạy rà loa vài giờ ở mức âm lượng cao cũng được khuyến khích vì sau đó, tiếng của loa sẽ rõ hơn và các dải trầm cũng được mở rộng hơn. Tần số cắt của LYD 7 là 4.3kHz, khá cao so với một loa hai đường tiếng. Thông thường, loa hai đường tiếng sẽ mang tần số cắt thấp hơn 1 quãng tầm, tầm 2kHz để không tạo áp lực quá nhiều cho driver midwwoofer.

Loa Dynaudio LYD 7 chat

Thế nhưng, ở cặp loa LYD 7, chúng ta vẫn có thể thấy rằng sự cân bằng vẫn được thể hiện rất tốt. Trước hết, giọng ca sĩ được thể hiện một cách ấn tượng, từ giọng tenor của Tony Lewis trong bài Voices Of Babylon cho đến chất giọng ấm áp của Czarina Russell trong bài Now We Are Free. LYD 7 không chỉ thể hiện được sự đa dạng mà còn tái hiện lại một cách trọn vẹn chất giọng của ca sĩ trong các bản nhạc đó.
Trái với nhiều cặp loa monitor hiện nay có chất âm hơi ngả về thiên sáng, Dynaudio thường thiên về xu hướng trung tính, với các dải âm cao rất tinh tế nhưng vẫn kết hợp hài hoà với trung, trầm, không đem lại cảm giác khó chịu cho người nghe. Đối với một cặp loa nhỏ như thế này, âm trầm mà chúng ta cảm nhận được thường là nhanh, chắc chắn. Trong trường hợp của LYD 7, khi để Position ở nấc Wall, các dải trầm sẽ có lực hơn mà vẫn giữ được độ chi tiết, chắc chắn của mình.

Kết luận

Hạn chế lớn nhất của LYD 7 có lẽ nằm ở những lúc phải xử lý các đoạn nhạc phức tạp, với nhiều nhạc cụ và người chơi cùng đồng thanh, bởi lúc này sự kiểm soát có phần yếu đi chút. Tuy nhiên, điều này là lẽ đương nhiên nếu ta nhìn vào thông số cũng như mức giá của cặp loa. Trên thực tế, người nghe vẫn sẽ cảm thấy hài lòng với những gì mà cặp loa này thể hiện. Có thể thấy, ở mảng loa monitor hai đường tiếng ngày nay, người dùng không hề thiếu lựa chọn. LYD 7 là một trong số đó, và nếu tin tưởng vào thương hiệu Dynaudio, đây chắc chắn sẽ là lựa chọn mà nhiều người hướng đến.

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Tìm hiểu về Viva Audio Solista MKIII và Solistino

Thanh Tùng