Với ưu thế về chất lượng và giá cả, ELAC Debut F5 là mẫu loa sàn đứng dành cho những khách hàng đang tìm kiếm một cặp loa với chất lượng thực sự tốt nhưng giá thành không quá cao, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được.
Cho đến tận ngày nay, tư tưởng “tiền nào của nấy”, chất lượng đi cùng với giá thành vẫn còn rất phổ biến. Ngành công nghiệp âm thanh cũng không phải ngoại lệ khi mà ngay cả một vài audiophile nhiều kinh nghiệm cũng tin rằng loa chất lượng cao thường rất đắt đỏ. Điều này thực ra vẫn đúng trong vài trường hợp, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Mọi sự thay đổi kể từ năm 2011 khi Andrew Jones – một kỹ sư nổi tiếng từng thiết kế loa cho TAD, KEF và Infinity tham gia đội ngũ của Pioneer và tạo ra một dòng loa chất lượng cao có mức giá thấp bất ngờ – Pioneer SP-PK52FS. Thế rồi, vào năm 2015, Andrew Jones chuyển từ Pioneer sang làm việc cho ELAC, một thương hiệu loa Đức với vai trò là phó giám đốc kỹ thuật của ELAC chi nhánh Mỹ.
Loa sàn đứng ELAC Debut F5 và loa bookshelf Debut B6 chính là những sản phẩm đầu tiên của Andrew Jones khi làm việc cho ELAC. Ngay khi trải nghiệm những cặp loa này, ta có thể nhận thấy rằng người đàn ông này chưa bao giờ ngừng sáng tạo kể cả khi đã đạt được những thành công nhất định. Khi so sánh dòng Debut của ELAC với Pioneer SP-PK52FS, bất cứ ai cũng sẽ nhận xét rằng có một khoảng cách rất lớn giữa hai dòng loa này.
Thiết kế loa ELAC Debut F5
Trong một cuộc phỏng vấn diễn ra cách đây vài năm, Jones cho biết về mối quan hệ gắn bó giữa ELAC với nhà máy ở Trung Quốc phụ trách sản xuất dòng loa này. Ông cũng không giấu về sức mạnh công nghệ của họ khi nhận định rằng hệ thống đo đạc, kiểm tra loa của nhà máy đó hoàn toàn giống với hệ thống của nhà máy ELAC ở California. Mục tiêu của Jones là tạo ra những cặp loa tốt hơn hẳn so với những gì mà mình từng làm cho Pioneer. Những chi tiết nhỏ trên dòng loa này là bằng chứng rõ nhất cho nhận định trên.
Debut F5 là mẫu loa sàn đứng 3 đường tiếng với thiết kế bass phản xạ khá quen thuộc. Loa sử dụng driver tweeter 2.5cm đặt trong một ống dẫn sóng tròn khá sâu. Kết hợp với nó là ba driver 13.3cm màng nón sợi Aramid. Ở phía trên là driver midrange, cùng với tweeter được đặt ở một khoang chứa bên trong thùng loa, với lỗ thoát hơi riêng cho nó. Hai driver dưới cùng là driver woofer với mỗi driver lại có một cổng bass phản xạ riêng. Andrew Jones cũng thiết kế một bộ phân tần ba đường tiếng riêng cho F5 để phát huy hết hiệu năng trình diễn của từng driver.
Mẫu loa này sở hữu kích thước khá nhỏ nhắn, với chiều cao 96.5cm, chiều rộng 20cm và chiều sâu 22.2cm, nặng 14.9kg mỗi chiếc. Thùng loa được làm từ ván gỗ MDF khá đẹp, bên ngoài phủ lớp vinyl hoàn thiện màu đen. Phía trước loa, để bảo vệ driver, nhà sản xuất sử dụng ê-căng vải che lại. Đây không phải là ê-căng gắn từ, ELAC gắn các chân pin lên mặt loa thay vì tạo lỗ cắm. Bên cạnh đó, phía sau loa cũng có móc nhỏ dùng để treo trên tường. Những chi tiết nhỏ này dù không quan trọng nhưng cũng phần nào làm nên sự khác biệt của cặp loa so với hàng loạt sản phẩm khác trên thị trường.
Khi gõ nhẹ lên thùng loa Debut F5, ta sẽ nghe thấy tiếng vang rỗng phát ra. Dù rằng nhiều người có thể chuộng những thùng loa chắc chắn, đắt đỏ hơn, ta không thể phủ nhận rằng ở trong tầm giá dưới 600 đô la, rất khó có cặp loa sàn đứng nào đem đến cảm giác được làm tốt hơn. Điều quan trọng nữa là khi nghe thử, hiện tượng tiếng thùng hoàn toàn không xuất hiện ở cặp loa này.
Trải nghiệm
Khi kết nối với hệ thống preamp/power-amp rời Emotiva BasX PT-100/BasX A-300 cùng hệ thống dây dẫn của AudioQuest, Debut F5 tỏ rõ đây là một cặp loa khá chất lượng. Âm nhạc phát ra từ cặp loa này khá mạnh, có lực đánh đáng kể, thế nhưng vẫn giữ được sự chi tiết, dễ nghe, tốc độ nhanh, những yếu tố cần có ở một cặp loa chất lượng cao. Dù chỉ là một cặp loa sàn đứng cỡ nhỏ, Debut F5 vẫn thể hiện âm lượng rất lớn, giàu năng lượng giống như ở những cặp loa to hơn. Bởi vậy, nếu để nghe nhạc stereo, ta không cần phải phối ghép F5 với loa subwoofer Debut S10EQ. Trong một phòng khoảng 20m2, cặp loa này thể hiện rất tốt. Với những phòng nghe có diện tích gấp đôi, tiếng có phần loãng hơn một chút nhưng sự đi xuống này chỉ ở mức rất nhỏ, chất lượng âm thanh nhìn chung vẫn rất tốt.
Đối với những giai điệu mềm mại, trầm lắng, thiên hướng acoustic như bản Strawberry Wine của Ryan Adams, Debut F5 tái hiện lại một cách sống động, như thể đưa giọng hát và tiếng guitar của Adams vào tận phòng nghe. Chất âm loa được thể hiện một cách rất tự nhiên, thoải mái, với âm hình luôn tập trung ở phía trước và trung tâm.
Khi so sánh loa sàn đứng Pioneer SP-FS52 (cũng do Andrew Jones thiết kế) với Debut F5, ta có thể cảm nhận rõ sự khác biệt trong chất âm giữa hai cặp loa này. SP-FS52 có chất âm mềm mại, ấm áp hơn, kém độ động và chi tiết hơn so với Debut F5. Nhìn chung, cặp loa của ELAC thể hiện sự tiến bộ rõ rệt so với loa của Pioneer.
Với album nhạc của Crosby, Stills và Nash, ta có thể thấy chất âm của họ được thể hiện một cách tròn trịa, đầy đặn, cân bằng một cách tự nhiên với cặp loa Debut F5. Pioneer SP-FS52 dường như thu nhỏ lại quy mô của bản thu, chưa thể hiện được tốt tiếng đàn bass điện như đối phương của mình. Trong khi đó, cặp loa của ELAC chỉ nhỉnh hơn một chút về kích thước nhưng lại lớn hơn nhiều về mặt âm lượng.
Kết luận
ELAC Debut F5, cũng giống như các mẫu loa Debut khác, là một cặp loa xuất sắc trong tầm giá của mình, phục vụ tốt cho cả hệ thống stereo cũng như rạp hát tại nhà. Một lần nữa, Andrew Jones lại khiến người khác bất ngờ khi cho thấy chỉ với một mức chi phí hạn hẹp, khách hàng của ông có thể sở hữu một sản phẩm chất lượng như thế nào.
Debut quả thực là một cặp loa đáng để thử, nhưng đối với những khách hàng sở hữu nguồn kinh phí lớn hơn, họ vẫn có thể tìm được những cặp loa có chất lượng tốt hơn. SVS Prime Tower và Pioneer Elite SPEFS73 đều là những mẫu loa nổi bật với chất âm tự nhiên, tinh tế và có hấp dẫn hơn so với Debut F5. Dù vậy, Debut mới chỉ là sự khởi đầu cho ELAC chi nhánh Mỹ. Andrew Jones còn có nhiều kế hoạch hơn cho thương hiệu này.
Nguyễn Hào
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây