Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong video mới nhất của Tapchihifi TV. Khi xây dựng một hệ thống audio hay phòng nghe, tiêu chí về chất lượng âm thanh thường được gói gọn trong vài từ để mô tả như “hay” hoặc “chính xác”. Tuy nhiên, “hay” là một khái niệm mang tính chủ quan, phụ thuộc nhiều ở người nghe, trong khi yếu tố chính xác lại là điều khó nắm bắt được vì không phải ai cũng biết như thế nào mới được cho là chính xác. Hiểu được điều này, các kỹ sư âm thanh đã phát triển những bài kiểm tra riêng để đánh giá hệ thống, từ các đĩa test tổng hợp như của Chesky Record, hay các bài kiểm riêng biệt như LEDR. Trong video ngày hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về một bài kiểm tra chất lượng phòng nghe có tên là MATT.
MATT là viết tắt của Musical Articulation Test Tones, được Acoustic Sciences Corporation phát triển vào năm 1986. Nó được thiết kế để giúp người nghe có thể đánh giá về đặc tính âm học của phòng nghe khi có tín hiệu âm thanh xuất hiện. Sau này, khi phòng nghe đã được áp dụng một vài biện pháp xử lý âm học, độ rõ âm thanh được cải thiện và có thể đo được. Chúng ta có thể tiến hành so sánh bằng cách thu âm lại test tone này trước và sau khi xử lý âm học cho phòng.
Bài test gốc được phát triển năm 1986 bao gồm các đợt quét tần số, đầu tiên từ 28Hz lên 780H, sau đó hạ xuống về 28Hz. Tín hiệu quét được dẫn, bật và tắt, tạo thành các xung âm với tốc độ 8 lần/giây. Giữa mỗi xung âm kéo dài 1/16 giây sẽ là một quãng ngắt kéo dài 1/16 giây, với âm lượng nhỏ hơn 40dB.
MATT hoạt động như thế nào?
Nền tảng của tín hiệu test thực chất là một đợt quét sóng sine rất chậm, được bật/tắt rất nhanh để tạo thành chuỗi xung âm, ban đầu với tần số tăng lên, sau đó hạ dần xuống. Mỗi xung âm được tiếp nối bởi một quãng ngắt. Nếu nghe qua headphone, người nghe có thể cảm nhận chính xác về độ động cũng như đặc điểm của chuỗi âm thanh này. Thế nhưng, khi chơi cùng tín hiệu đó ở phòng nghe thì cảm nhận sẽ khác hẳn. Khác biệt như thế nào còn phụ thuộc vào chất lượng của phòng nghe.
Nguyên nhân là do tập hợp của một loạt thay đổi về tần số nên tín hiệu MATT sẽ tác động với các đặc tính cộng hưởng và phản hồi âm khác nhau trong phòng, kéo đủ dài để âm thanh lấp đi các quãng ngắt trong tín hiệu MATT. Hiện tượng kéo dài âm này là biểu hiện của âm thanh thiếu sự chính xác, có thể nghe thấy rõ trong một phòng nghe chất lượng kém.
Art Noxon – cha đẻ của tín hiệu MATT cho biết: “Phòng nghe chất lượng kém có thể biến âm thanh hay thành tiếng bị méo.” Điều bất ngờ là tiếng bị méo có cùng hài âm và âm sắc giống như âm thanh hay. Điểm khác biệt giữa chúng là với tiếng bị méo, ta không thể nghe được điều biến của âm thanh, sự thay đổi cũng như độ động của nó.
Chúng ta có thể thu lại kết quả của thử nghiệm ở vị trí ngồi nghe, sau đó sử dụng một phần mềm chuyên dụng để phân tích, từ đó cho ra đường cong đáp tuyến thể hiện độ động của phòng khi đo bằng đơn vị dB. Vì tần số quét ổn định với tốc độ 16Hz/giây, đơn vị thời gian trên biểu đồ thể hiện có thể chuyển thành Hz.
Bài test MATT được thực hiện như thế nào?
Hiện tại, file test MATT gốc đã có ở trên mạng và có thể tải về để sử dụng. Trước hết hãy nghe thử file test này bằng headphone để biết được chính xác âm thanh của nó sẽ như thế nào khi không bị yếu tố phòng nghe tác động. Người nghe có thể không nghe hết mà chỉ cần một đoạn để biết được chu kỳ của nó. Sau đó hãy nghe lại tín hiệu này khi được chơi trên loa. Khi chuỗi test tone được chơi trong phòng, các phản hồi, cộng hưởng dựa theo tần số và tiêu âm sẽ khiến cho âm thanh bị thay đổi. Bên cạnh việc thể hiện đáp tuyến tần số, MATT cũng cho thấy phòng nghe bị mất chi tiết đến mức nào, độ động cũng như mức độ âm thanh rõ ràng của phòng nghe ra sao khi tần số âm thanh thay đổi.
Nếu phòng nghe được xử lý tốt, độ rõ âm sẽ bị mất rất ít và đáp tuyến tần số sẽ khá mượt. Tín hiệu test sẽ tạo ra một loạt chuỗi âm thanh Ta-Ta-Ta-Ta lặp lại giống như khi nghe trên headphone. Ở một số phòng đã được xử lý, độ rõ âm chỉ được thể hiện ở một số xung âm, phạm vi 30-40Hz và theo sau đó là một khoảng hẹp hơn, có thể chỉ 10Hz với các xung âm không được rõ ràng cho lắm.
Bài kiểm tra này cho phép người sử dụng nghe rõ khoảng động tần số nào không được thể hiện rõ, từ đó áp dụng đúng biện pháp xử lý âm học cho tần số đó. Sau khi đã tìm được vật liệu xử lý, việc tiếp theo là tìm vị trí đặt. Hãy nghe và thử nhiều vị trí khác nhau. Theo các chuyên gia, bass trap thường được đặt ở góc phòng, hoặc đặt sát tường bên, với chiều dài đoạn tường bằng 1/3 chiều dài phòng. Việc thêm bass trap ở cả tường trước và tường sau cũng sẽ giúp xử lý cộng hưởng kéo dài khắp chiều dài phòng. Ngoài ra, việc thay đổi vị trí đặt loa cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Dưới đây là một câu chuyện khá hay liên quan đến MATT. Tín hiệu ban đầu được tạo ra bằng các thiết bị analog. Tín hiệu bị bật tắt đột ngột dẫn đến những tiếng lạo xạo âm nền có thể nghe rất rõ. Ngày nay, chúng ta có thể tạo ra tín hiệu này hoàn toàn bằng digital, đảm bảo rằng xung tín hiệu sẽ bật/tắt chính xác và tránh được các tiếng lạo xạo. Thế nhưng, sau nhiều năm sử dụng, nhiều người đánh giá rằng các tiếng lạo xạo này khiến bài test trở nên tốt hơn bởi chúng là những thoái âm đầu tiên có thể nhận ra được.
Khi một căn phòng, hoặc thường xuyên hơn, khi nửa trước của phòng nghe phát ra tiếng vang, âm kéo dài sẽ tràn qua và che khuất các chi tiết âm thanh trong những đoạn tức thời của xung âm tiếp theo. Các chi tiết tức thời bị mất này chính là giấu hiệu cho thấy độ chi tiết, chính xác trong phòng đã bị mất đi trước khi méo tiếng thực sự xuất hiện. Sau đó, tùy vào kích thước và vị trí thích hợp của bass trap và treble panel, những tiếng lạo xạo này có khả năng xuất hiện trở lại. Vì vậy, những tiếng lạo xạo ở âm nền đã trở thành một tính năng đáng giá khi nghe chúng có thể góp phần thể hiện độ rõ âm trong phòng nghe.
Với sự có mặt của các phần mềm cân chỉnh, quá trình xây dựng một phòng nghe tốt đã đơn giản đi đáng kể. Tuy nhiên, các phần mềm tự động vẫn chưa thể đạt đến mức tinh chỉnh hiệu quả như phương pháp thủ công can thiệp trực tiếp vào phòng nghe thông qua các vật liệu xử lý âm học. Bài kiểm tra MATT chính là một trong những công cụ phục vụ cho mục đích đó. Hi vọng rằng video ngày hôm nay sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của quý vị và các bạn. Còn giờ, thời lượng của chương trình đã hết. Hẹn gặp lại trong những số tiếp theo của Tapchihifi TV.
Tapchihifi TV