Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong video mới nhất của Tapchihifi TV. Xử lý âm học cho phòng nghe có thể thực hiện đơn giản như treo thảm trên tường hoặc trải ra sàn nhà, nhưng cũng có thể phức tạp đến mức cần phải lắp đặt các thiết bị âm học chuyên dụng. Chỉ bằng việc thêm vào hoặc bớt đi một số thứ như thảm, đồ trang trí hay rèm cửa, sự thay đổi về chất lượng âm thanh cũng sẽ hiện ra rõ rệt. Đây là một cách tương đối kinh tế, đơn giản và thường đem đến hiệu quả thẩm mỹ tốt hơn so với các dụng cụ xử lý âm học chuyên dụng. Dưới đây, chúng ta sẽ nói về một vấn đề âm học thường gặp ở phòng nghe, đó là hiện tượng dội âm từ tường bên và sàn nhà không kiểm soát được.
Việc đặt loa ở gần tường bên và cao hơn một chút so với sàn nhà trong trường hợp dùng chân đinh là điều không thể tránh được. Ngoài âm thanh trực tiếp từ loa, chúng ta sẽ còn nghe thấy âm dội lại từ tường bên, sàn nhà và trần nhà. Âm dội lại thực ra cũng là tín hiệu âm nhạc nhưng bị chậm hơn về thời gian, âm sắc bị biến dạng, xuất hiện ở những điểm khác nhau thay vì từ nguồn phát âm thanh trực tiếp. Các yếu tố này đều làm giảm thiểu chất lượng âm thanh. Hơn nữa, âm dội tương tác với âm thanh trực tiếp sẽ làm thay đổi chất âm thực của hệ thống.
Âm dội lại làm biến dạng chất âm gốc theo ba cách. Thứ nhất, đáp tuyến lệch trục (tức đáp tuyến tần số khi đo ở bên cạnh chứ không phải trục chính diện loa) sẽ kém phẳng hơn nhiều so với đáp tuyến trên trục. Âm dội lại từ phía tường bên sẽ có đỉnh và đáy lớn ở trên đáp tuyến tần số. Khi nghe thử loại âm thanh này, biến dạng chất âm sẽ thể hiện ngay trên bản nhạc. Thứ hai, đặc tính âm học của tường bên cũng sẽ làm biến dạng âm dội lại. Giả sử tường có khả năng tiêu tán các dải cao nhưng không có tác dụng với dải trung, âm dội lại sẽ bị yếu ở các quãng cao.
Cuối cùng, khi âm trực tiếp và âm dội lại kết hợp với nhau, thứ mà ta nghe được sẽ là âm trực tiếp từ loa và một phiên bản âm thanh chậm hơn, tức âm dội lại từ tường bên. Sở dĩ âm dội lại từ tương bên châm hơn là vì khoảng cách đến tai người nghe đã phải tăng thêm một đoạn so với âm thanh trực tiếp.
Kết quả hiện tượng này là một hiệu ứng đặc biệt, tên là hiệu ứng lọc răng lược, tức một chuỗi các đỉnh và đáy giống như hình chiếc lược xuất hiện trên đáp tuyến tần số. Nguyên nhân của hiện tượng này là do giao thoa giữa âm trực tiếp và âm phản hồi. Hiện tượng lọc răng lược cũng là một phần gây méo tín hiệu mà chúng ta cảm nhận được ở vị trí ngồi nghe, nghĩa là sẽ thay đổi khi chuyển sang một vị trí khác.
Các hiệu ứng kể trên kết hợp với nhau, bao gồm đáp tuyến lệch trục bị méo dạng của loa, đặc tính âm học của tường bên và hiện tượng lọc răng lược, tạo thành thứ âm thanh với chất âm rất khác so với âm thanh trực tiếp từ loa. Dội âm từ tường bên cũng là lý do của việc cùng sử dụng chung một cặp loa, thế nhưng ở những phòng nghe khác nhau chúng ta sẽ cảm thấy chất âm khác nhau. Nếu như một cặp loa nghe rất hay ở cửa hàng nhưng khi mua về không thể hiện được như vậy thì đó là do chất lượng phòng nghe của cửa hàng tốt hơn hẳn.
Dội âm từ tường bên không chỉ làm hỏng sự cân bằng không gian mà cả vị trí âm hình trong âm trường. Các âm dội lại tạo âm hình “ảo”của ở vị trí sát tường. Mặc dù dội âm từ tường bên góp phần làm nên không gian và quy mô, âm thanh bị dội quá mạnh sẽ làm tăng khoảng cách cảm nhận giữa hai loa, từ đó làm mờ đi sự cách biệt không gian giữa các âm hình cụ thể, khiến âm trường mất đi sự tập trung và chính xác. Nếu như ta cảm nhận được âm hình ở vị trí trung tâm phần nào xuất phát từ những điểm bên cạnh loa, đó là dấu hiệu cho thấy khả năng tập trung âm hình đã bị hỏng.
Bên cạnh dội âm từ tường bên, ta còn có âm thanh phản hồi từ sàn nhà và trần nhà. Dội âm từ sàn nhà thường làm giảm năng lượng của các dải trầm quãng giữa, khiến âm thanh có phần hẹp hơn. Dội âm từ từ trần nhà ảnh hưởng đến âm thanh ít hơn từ tường bên, bởi lẽ khoảng hành trình của sóng âm sẽ phải dài hơn. Cuối cùng, trần nhà nghiêng dốc là một lợi thế cho loa thông thường khi những bộ loa này được đặt ở cuối phòng, bởi trần nhà dốc sẽ hướng dội âm ra xa khỏi vị trí ngồi nghe.
Dội âm tiến đến phía người nghe chỉ sau một lần va đập được gọi là dội âm bậc một. Các dội âm này có biên độ lớn nhất và ảnh hưởng nặng nhất đến âm thanh. May mắn là việc xử lý dội âm từ tường bên rất đơn giản: chỉ cần đặt vật liệu tiêu âm hoặc hút âm lên tường, ở vị trí giữa người nghe và loa là được. Rèm treo là một thứ cực kỳ hiệu quả, đặc biệt là những rèm có nếp gấp sâu và được làm với vật liệu nặng. Dội âm từ sàn nhà thậm chí còn đơn giản hơn: một tấm thảm dày có thể hút phần lớn dội âm và giảm bớt đi tác động tiêu cực từ chúng. Tuy nhiên, các dải trầm sẽ không bị thảm hút, do đó gây ra hiện tượng chặn dải trầm quãng giữa do âm dội lại giao thoa với âm trực tiếp.
Điều thú vị là tùy từng loại thảm đặt giữa người nghe và loa mà chất lượng âm thanh có sự thay đổi nhất định. Cụ thể hơn, các thảm len thường tạo ra chất âm cân bằng, tự nhiên hơn so với thảm làm từ vật liệu tổng hợp. Nguyên nhân là bởi giữa các sợi thảm len sẽ có độ dài và độ dày hơi khác biệt, khiến chúng hút được các dải tần số khác nhau. Ngược lại, thảm sợi nhân tạo có kích thước và hình dạng các sợi giống nhau, vì thế chỉ hút được một khoảng tần số khá hẹp.
Đối với dội âm từ tường bên, cách xử lý tốt nhất là tiêu âm hoặc tán âm. Tán âm sẽ biến một âm dội lại trở thành nhiều âm phản hồi với biên độ thấp hơn và tản về nhiều hướng khác nhau. Chúng ta có thể tán âm bằng cách dùng các vật liệu chuyên dụng, hoặc thiết kế tường với bề mặt không giống như bình thường. Một giá sách với phần lưng hở, trên có nhiều sách cũng là một vật tán âm rất tốt, đặc biệt nếu như các quyển sách trên đó có độ dày mỏng khác nhau, hoặc được sắp xếp với phần gáy sách quay ra hoặc quay vào khác nhau.
Lựa chọn thứ hai là hút các dội âm từ tường bên bằng vật liệu tiêu âm. Các tấm foam âm học tương đối hiệu quả trong việc này, thế nhưng lạm dụng chúng quá mức, dẫn đến hút hết toàn bộ âm dội lại từ tường có thể khiến cho âm thanh thiếu sức sống, thu hẹp lại quy mô và không gian của âm trường.
Việc xử lý âm học bằng các vật liệu tiêu tán âm từ lâu đã được áp dụng trong thiết kế phòng nghe. Bên cạnh đó, thay đổi cách bài trí cũng có những tác dụng nhất định trong việc xử lý âm thanh dội lại trong phòng. Hi vọng rằng video ngày hôm nay sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của quý vị và các bạn. Còn giờ, thời lượng của chương trình đã hết. Hẹn gặp lại trong những số tiếp theo của Tapchihifi TV.
Tapchihifi TV