Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng công nghệ ghi âm chỉ mới xuất hiện từ thời Edison, những phương pháp ghi âm cổ nhất đã có từ trước đó rất lâu.
Nếu như tìm về khởi nguồn sâu xa nhất, chắc chắn rằng mọi thứ không bắt đầu từ thời đại của Edison và Berliner như nhiều người vẫn tin tưởng. Trên thực tế, nếu nói tới các phương pháp lưu trữ âm thanh hoặc chí ít có khả năng tái tạo được âm thanh, chúng ta phải bắt đầu từ thế kỷ thứ 9, tức là trước Edison tận 1000 năm. Ở thời điểm đó, anh em nhà Banū Mūsā, những người phát minh ra nhạc cụ cơ khí sớm nhất trong lịch sử. Cụ thể, họ đã tạo ra một chiếc đàn organ thủy lực có thể chạy tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Ngoài ra, họ cũng từng phát minh ra người thổi sáo tự động – cỗ máy có khả năng lập trình được đầu tiên trên thế giới. Học giả Mona Sanjakdar Chaarani mô tả cơ chế hoạt động của thiết bị như sau: “Không khí bị đẩy bằng bơm thủy lực sẽ được nén lại trong một quả cầu để nạp vào một cây sáo 9 lỗ. Các lỗ sẽ được đóng – mở bằng 8 đòn bẩy, hai đầu của các đòn bẩy này tiếp xúc với các chân cố định ở mặt bên của một ống trụ xoay để tạo thành giai điệu.”
Mô phỏng lại cơ chế “người thổi sáo tự động”
Tuy nhiên, các thiết bị của anh em nhà Banū Mūsā về bản chất vẫn là thiết bị chơi nhạc tự động, dù có lập trình được để chơi một bản nhạc đúng như mong muốn thì cũng phải là thiết bị ghi âm thực sự. Mọi thứ chỉ thực sự bắt đầu với khả năng tái tạo lại âm thanh lưu trên ống trụ và đĩa. Khi ấy, tất cả mọi thứ đều xuất phát từ một chiếc kim nhỏ. Thứ đọc tín hiệu trên rãnh đĩa Victor cũng như các loại đĩa được cắt rãnh khác là một chiếc kim sắt có thể thay được. Mới đầu, người ta tim rằng chiếc kim đó sẽ tồn tại được khá lâu, thế nhưng không phải như vậy. Chúng thường bị cùn chỉ sau một lần chơi và phải thay mới hoàn toàn. Kim thay thế khi đó rất rẻ, giá 10 chiếc chỉ có 1 xu, thế nhưng khách hàng sử dụng kim quá nhiều và chúng trở nên rất nhanh hỏng, thậm chí còn làm hỏng cả bản thu khi chay. Rất nhiều vật liệu đã được sử dụng để thay thế cho sắt, thậm chí có cả gai xương rồng.
Các máy phonograph của Edison sử dụng kim để đọc theo chiều dọc, tức trên ống trụ bọc sáp hoặc plastic sẽ có các rãnh mấp mô lên xuống chứ không phải rãnh phẳng đều (các đĩa hiện đại sẽ dùng kim cắt sang hai bên rãnh). Việc cắt rãnh dọc cho phép nhà sản xuất cắt nhiều rãnh trên ống hơn so với cắt rãnh trên đĩa, thường có thể kéo dài lên đến 4 phút. Tốc độ được duy trì liên tục của ống trụ cũng cho phép tránh hiện tượng méo nội rãnh đĩa thường xuất hiện trên các đĩa bị cong, vênh. Ống trụ cũng sở hữu chất âm tốt hơn so với các đĩa đời đầu, thế nhưng khi đĩa trở thành định dạng phổ biến, được sản xuất bởi hàng trăm công ty khác nhau, chất lượng của chúng cũng được cải thiện dần.
Ở các thiết bị tái tạo âm thanh sử dụng đĩa hay ống trụ đời đầu, âm thanh được tạo ra bằng những phương pháp thuần cơ học hoặc âm học. Kim chạy rãnh sẽ được kết nối với một tấm màng trên thiết bị tạo âm thanh. Tấm màng này, dựa vào dao động của kim sẽ di chuyển cả về phía trước lẫn phía sau để tạo ra âm thanh. Người ta khuếch đại âm thanh bằng cách lắp một họng kèn vào đầu ra của thiết bị, khiến âm thanh trở nên lớn hơn hăn so với âm thanh ban đầu.
Khi mà các ống trụ trở nên thất thế trước đĩa, Edison cũng tự tạo ra chiếc đĩa của riêng mình, gọi là Đĩa Kim Cương. Cũng giống như ống trụ Edison, Đĩa Kim Cương có rãnh cắt dọc, sử dụng kim đọc có đầu được bọc kim cương để tạo độ bền vĩnh cửu – từ đó mới có cái tên này. Để chống cong vênh, cũng như phù hợp với độ sâu của rãnh dọc, Đĩa Kim Cương được làm dày hơn hẳn đĩa thường, lên đến 6.35mm, nhiều đĩa thậm chí chỉ được ép một mặt. Vì đầu kim sẽ di chuyển lên xuống đối với đĩa cắt rãnh dọc, tấm màng của thiết bị tái tạo âm thanh phải song song với mặt đĩa, trong khi đối với đĩa cắt rãnh hai bên, tấm màng sẽ vuông góc với đĩa.
Với sự xuất hiện của điện, tất cả những điều này đều đã thay đổi. Kim đĩa than từ tính đầu tiên xuất hiện vào năm 1925. Ngày nay, hầu hết kim đĩa than đều là loại sử dụng cuộn dây động, với cantilever di chuyển giữa các cực của từ trường, từ đó tạo ra tín hiệu dưới dạng dòng điện. Những chiếc kim đầu tiên khá lớn so với tiêu chuẩn ngày nay và vẫn dùng đầu kim sắt.
(Hết kỳ 1)
Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 2)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 3)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 4)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 5)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 6)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 7)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 8)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 9)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 10)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Review Ampli PrimaLuna EVO 200
Nguyễn Hào