Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 6)

Sự xuất hiện của những đĩa than stereo mới đã đặt ra thách thức cho các thiết bị cùng thời. Vô hình chung, một thế hệ thiết bị mới đã ra đời để đáp ứng cho định dạng mới.

Ở kỳ trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về sự bắt đầu của quá trình chuyển đổi từ đĩa đơn kênh sang đĩa stereo rãnh đơn. Một điều rất quan trọng ngay cả ở thời điểm ngày nay, đó là thay đổi về phần mềm cũng sẽ đòi hỏi các thay đổi về phần cứng. Chúng ta đã thấy sự thay đổi từ đĩa shellac 78 vòng/phút rãnh thô sang đĩa vinyl LP rãnh nhỏ yêu cầu cần phải có sự cắt giảm về kích thước và lực tì đầu kim của cartridge để có thể chạy đĩa mới mà không làm hỏng chúng. Khi đĩa LP bắt đầu có sự lột xác, từ định dạng mono sang stereo, cartridge, tay cơ và thậm chí cả mâm đĩa than cũng sẽ phải thay đổi theo.

Với các đĩa đơn kênh, rãnh đĩa sẽ duy trì liên tục cả độ rộng cũng như chiều dài. Vết cắt hình chữ V có thể đa dạng về góc nhưng lúc nào gần với góc 90 độ. Rãnh đĩa lúc nào cũng được cắt theo phương ngang, tức là đầu kim cắt luôn di chuyển về hai bên mép rãnh. Hãy thử tưởng tượng ra chuyển động của con lắc Foucalt ra phía trước và phía sau, sau đó xoay đĩa theo chiều chuyển động của Trái Đất, đó chính xác là hướng cắt của kim đĩa than dùng để cắt đĩa đơn kênh.

cat ranh

So sánh vết cắt rãnh của đĩa stereo và đĩa đơn kênh.

Quay trở lại chủ đề chính, đĩa đơn kênh chỉ chứa duy nhất một kênh âm thanh trên rãnh đĩa. Đĩa stereo rãnh đơn sẽ có hai kênh tín hiệu đồng bộ trên rãnh đó, vết cắt rơi vào khoảng 45 độ. Trong khi kim cắt đĩa đơn kênh chỉ di chuyển sang hai bên, kim cắt đĩa stereo vừa phải di chuyển lên xuống, tạo ra rãnh đĩa gập ghềnh giống như đĩa Edison đời đầu, vừa phải kết hợp di chuyển sang hai bên để tạo ra hai kênh tín hiệu tách rời. Một trong những điểm quan trong nhất chính là sự tách rời kênh – hay hiểu một cách đơn giản, khi so sánh giữa chúng, dB càng cao, khả năng tạo âm hình stereo sẽ càng tốt.

Chính xác âm hình stereo là gì vẫn còn là một chủ đề gây bàn cãi. Nhiều người sử dụng tiếng tàu hỏa trong đĩa demo Stereo Spectacular di chuyển từ bên này phòng sang bên kia, hoặc tiếng bóng bàn nhảy từ một loa sang loa còn lại và gọi đó là âm hình stereo. Bí quyết để làm nên bản thu stereo tốt chính là chiều sâu, yếu tố góp phần làm nên cảm nhận về một không gian sân khấu thay vì một mặt phẳng nơi tất cả mọi thứ đều cách đều người nghe một khoảng.

Khi mà các hệ thống stereo trở nên phổ biến ở mọi gia đình, người ta bắt đầu thi nhau nhau khoe những đĩa than lớn nhất, bắt mắt nhất mà họ có thể tìm thấy. Nhu cầu lúc bấy giờ đòi hỏi những cartridge đặc biệt, có thể đọc được những đĩa như vậy. Các thương hiệu cartridge nổi tiếng như Shure, Stanton hay Empire đã làm hết khả năng và cho ra những kim đĩa than có thông số khả năng đọc/bám đĩa cực kỳ ấn tượng. Cuối thập niên 50, chúng ta đã chứng kiến xu hướng cartridge ngày càng trở nên nhỏ và nhẹ hơn, khả năng tương thích với tay cơ cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Năm 1959, thương hiệu SME bắt đầu cho ra mắt mẫu tay cơ Model 1. Đối với hầu hết audiophile, trong suốt nhiều năm liền các biến thể của mẫu tay cơ này được xem như là tiêu chuẩn để đánh giá về chất lượng cũng như khả năng trình diễn.

Cho đến giữa thập niên 60, SME nâng cấp tay cơ Model 1 lên thành tay cơ 3009. Gordon Holt đã review tay cơ này trên tạp chí Stereophile năm 1965. Theo sau đó là bài đánh giá của John Wright cho tay cơ SME 3009 II, đề cao về sự chính xác, chi tiết mà mẫu tay cơ này thể hiện.

tay can dia than

Tay cơ SME 3009, một thời là tiêu chuẩn vàng cho các mẫu tay cơ ra mắt sau này.

Năm 1967, Shure cho phát hành một đĩa than rất đặc biệt. Đây vừa là đĩa hướng dẫn lắp đặt, vừa là đĩa thử với những bài kiểm tra rất nghiêm ngặt, vừa là một chiêu trò marketing cực kỳ thông minh. “Audio Obstacle Course” – tên của chiếc đĩa đó, xuất hiện đầu cùng cartridge Supertrack V-15 Type II, và về sau các ấn bản mới của đĩa lại đi kèm cùng với các phiên bản tiếp theo của cartridge V-15. Trong một thế giới hi-fi đầy cạnh tranh không chỉ giữa các nhà sản xuất mà cả giữa audiophile, Audio Obstacle Course trở thành kim chỉ nam cho người sử dụng, là “sân đua” để chứng tỏ đẳng cấp giữa những người chơi mâm đĩa than, và cũng là thứ hiệu quả để đánh giá khả năng đọc/bám đĩa của cartridge.

(Hết kỳ 6)

Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây 

Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 1)

Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 2)

Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 3)

Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 4)

Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 5)

Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 7)

Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 8)

Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 9)

Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 10)

Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Master Horn – Kiệt tác từ Viva Audio

Nguyễn Hào