Một trong những sự kiện lớn nhất của thời kỳ bùng nổ stereo chính là sự xuất hiện của các thương hiệu Nhật Bản. Thế giới đĩa than cũng không nằm ngoài điều này.
Khi đĩa than stereo rãnh đơn xuất hiện, Ortofon và EMT là hai trong những nhà sản xuất có những đóng góp rất quan trọng cho công nghệ cartridge cuộn dây động. Shure, ADC, Empire, Stanton/Pickering lại là đại diện điển hình cho công nghệ cartridge nam châm động. Đó chính là những thương hiệu lớn, với lượng sản phẩm chiếm đến 90% số cartridge thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp của thị trường Mỹ trong suốt thập niên 60 và nửa đầu thập niên 70.
Tuy nhiên, đến giữa thập niên 70, với sự trỗi dậy của tạp chí The Absolute Sound, một thế giới mới của phono cartridge và các thiết bị chơi đĩa than thế hệ mới ra đời. Ở thời điểm ấy, trên thị trường đã có không ít các nhà sản xuất có uy tín lâu đời, thế nhưng The Absolute Sound giới thiệu đến bạn đọc một loạt các nhà sản xuất ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Ở thời điểm ấy, làn sóng hi-fi của Nhật đổ ập vào thị trường Mỹ cũng chẳng khác gì lĩnh vực xe hơi. Phân khúc cao cấp có phần im hơi lặng tiếng, thế nhưng ở các phân khúc trung cấp và sơ nhập, các mâm đĩa than của Pioneer, JVC, Sansui và Sony đã trở thành đại diện sáng giá của thị trường Nhật Bản đến cả một thế hệ người Mỹ. Audio Technica khi đó là thương hiệu sản xuất cartridge cho những mâm đĩa than kể trên.
Khi đó có ba thương hiệu sản xuất cartridge rất đặc biệt: Fidelity Research, Supex, và Stax. Supex là thương hiệu Nhật chuyên về cartridge cuộn dây động đầu tiên nổi danh trên thị trường Mỹ. Như một quy luật tất yếu, khi một thương hiệu trở nên nổi tiếng với một sản phẩm cụ thể, những người yêu thích sản phẩm đó sẽ tìm kiếm các thương hiệu khác với hi vọng có thể tìm được những sản phẩm với chất lượng tốt hơn, rẻ hơn, hoặc đơn giản chỉ là làm nên sự khác biệt. Các nhà phân phối và bán lẻ là những người nhiệt tình nhất trong công cuộc này. Chính họ cũng là những người có công lớn nhất trong việc đem đến những thương hiệu mới lạ đến với người nghe.
Khi mà audiophile bắt đầu cảm thấy quá nhàm chán với những cartridge Supex 900 và 901, vào khoảng năm 1975 – 1976, cartridge cuộn dây động Fidelity Research FR-1 đã trở thành cú hích tiếp theo. Bất cứ ai khi chuyển từ kim Supex sang kim FR cũng sẽ bị sốc hoàn toàn. Supex là một cartridge rất tuyệt vời, cho đến nay vẫn được đánh giá rất cao, thế nhưng kim FR dường như vượt trội với âm hình 3D đem đến cảm giác thực tế hơn hẳn.
Mark Levinson – khi đó vẫn còn nắm giữ thương hiệu cùng tên trong tay – là người rất tích cực trong việc quảng bá cartridge FR với các phono preamp cho kim cuộn dây động do John Curl thiết kế, gồm JC-1, JC-1AC và JC-1DC. Các phono preamp này sử dụng switch DIP để điều chỉnh các thông số như tải hoặc độ lợi nhằm phối hợp với nhiều loại cartridge khác nhau, thế nhưng FR-1 vẫn là kim được yêu thích nhất. Các tay cơ FR-64 và FR-66 cho đến nay vẫn được tìm kiếm rất nhiều, bởi lẽ chúng có thể hỗ trợ rất tốt cho các kim cuộn dây động với độ thuận thấp (compliance – độ thuận cho biết hệ treo của cartridge giữ cantilever lỏng hay chặt. Nếu như cantilever có thể dễ dàng di chuyển, ta sẽ nói rằng cartridge này có độ thuận cao. Nếu như cantilever được lắp chắc chắn, khó dịch chuyển, như vậy cartridge này có độ thuận thấp). So với các tay cơ có khối lượng hiệu dụng thấp như SME hay Black Widow, các tay cơ FR rõ ràng hỗ trợ kim có độ thuận thấp tốt hơn nhiều.
Hầu hết các cartridge phổ thông chỉ gắn liền với công nghệ sắt động hoặc nam châm động, trong khi thế giới high-end ngày càng đi sâu vào công nghệ cuộn dây động. Một vài cartridge như Koetsu, Miyabi không chỉ là sản phẩm công nghệ mà còn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Trong khi đó, có vô số thương hiệu khác lại chỉ sử dụng đầu kim và cantilever của hai thương hiệu duy nhất: Namiki và Ogura.
Tuy nhiên, thương hiệu nào mới là thương hiệu có nhiều đột phá, với những công nghệ bất thường nhất trong thế giới phono?
Chúng ta sẽ bắt đầu với thương hiệu Stax. Ngày nay, chúng ta biết đến công ty này với lịch sử headphone màng tĩnh điện khá lâu đời của họ. Thế nhưng, nếu xét lại lịch sử của công ty từ khi mới thành lập năm 1938, sản phẩm đầu tiên mà họ cho ra mắt vào năm 1950 không phải là headphone, mà là “pickup điện dung điều biến theo tần số vô tuyến. Sản phẩm tham dự vào triển lãm audio đầu tiên tại Nhật Bản.”
Có rất ít thông tin về pickup điện dung thời kỳ đầu của Stax, ngoại trừ những cartridge được giới thiệu trong timeline của công ty: CP-20 và CP-30 năm 1950, và CP-15 năm 1957, tất cả đều là cartridge dạng mono. Chiếc cartridge stereo đầu tiên của họ có lẽ là CPS-40 năm 1963. Trước năm 1970, Stax rất ít được biết đến tại Mỹ. Thế nhưng, khi sang năm đó, họ đã có màn đổ bộ ấn tượng với những chiếc headphone, một cặp power-amp class A đồ sộ, tay cơ UA-7 và cartridge CP-X. Tất cả đều do American Audioport phân phối.
Cơ chế hoạt động của những cartridge này tương đối giống với micro điện dung. Một tấm màng nhẹ, được nạp điện sẽ dịch chuyển (bởi đầu kim/cantilever), từ đó sinh ra tín hiệu. Không ít người là fan hâm mộ trung thành của kim CP-X và CP-Y. Họ không chỉ sử dụng mà còn cố gắng bảo dưỡng, duy trì những kim này sau chừng ấy năm. Những cartridge này thường được dùng với tay cơ Stax UA-7 / UA-70 với ống tay đặc biệt cho phép sử dụng một loại headshell chuyên biệt.
(Hết kỳ 7)
Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 1)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 2)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 3)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 4)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 5)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 6)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 8)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 9)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 10)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Những bộ cơ mâm đĩa than thường gặp hiện nay
Nguyễn Hào