Trong kỳ này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cartridge sử dụng strain gauge, một trong những loại cartridge lạ, khá hiếm gặp trên thị trường hiện nay.
Ở các kỳ trước, ta đã tìm hiểu về cách tạo ra âm nhạc từ tín hiệu trên rãnh đĩa, về các loại cartridge như cuộn dây động / sắt động / nam châm động. Thậm chí, có một số loại tương đối lạ như cartridge điện dung. Tuy nhiên đó không phải là tất cả. Trong bài viết này, chúng ta cùng nghiên cứu về strain gauge. Vậy chúng là gì, và lợi ích khi sử dụng loại cartridge này để tạo ra tín hiệu là như thế nào? Theo Omega – một thương hiệu chuyên về những cartridge như thế này. strain gauge “là một cảm biến có giá trị điện trở phụ thuộc vào lực tác động. Nó có thể chuyển lực, áp suất, độ kéo căng, khối lượng… thành các thay đổi về giá trị điện trở có thể đo được.”
Strain gauge thường được dùng để đo độ võng của cánh máy bay cùng nhiều yếu tố cấu trúc quan trọng khác. Phono cartridge sử dụng strain gauge nhạy với độ dịch chuyển chứ không nhạy với tốc độ như cartridge từ tính. Do đó chúng không cần phải có EQ RIAA để bù vào. Strain gauge được sử dụng để làm chi tiết tạo tín hiệu trên phono cartridge vào đầu thập niên 60, do một công ty ở Puerto Rico tên Euphonics sản xuất. Euphonics cũng sản xuất những phono cartridge gốm giá rẻ. Từ những thông tin còn tìm được trên internet, Ephonics Miniconic là bộ thiết bị đầy đủ bao gồm tay cơ, cartridge và nguồn cấp điện cho cartridge.
Euphonics Miniconic
Mạch tạo tín hiệu của cartridge Euphonic được thể hiện trong bản vẽ dưới đây. Các cartridge strain gauge xuất hiện về sau cũng được thiết kế gần giống như thế này.
Cartridge strain gauge được sản xuất nhiều nhất là dòng EPC của Panasonic vào nửa đầu của thập niên 70. Một vài mẫu được thiết kế để sử dụng cho hệ thống Quadraphonic (hệ thống âm thanh bốn kênh chuyên dụng), đòi hỏi cần phải có bộ giải điều chế gắn ngoài (demodulator). Một vài mẫu sử dụng đầu kim Shibata và được giới chơi âm thanh khi ấy đánh giá rất cao về mặt chất lượng trình diễn.
Điểm thú vị nhất của cartridge Panasonic nằm ở chỗ tự bản thân nó không quá quan trọng. Thứ duy nhất tác động lên chất lượng trình diễn chính là các thiết bị phối ghép cùng. Suốt nhiều năm liền, không ít các nhà thiết kế tài năng đã mày mò tìm kiếm các thiết bị nguồn và hệ thống EQ để biến cartridge của Panasonic thành những linh kiện đẳng cấp thế giới. Ngày nay, những chiếc cartridge này vẫn được săn lùng bởi giới chơi đồ cũ và nhiều người đã cải thiện hệ thống âm thanh của mình khi sử dụng cartridge này với những thiết bị do chính họ tự tay làm ra.
John Iverson là một trong những người đầu tiên hứng thú với loại cartridge này. Hai công ty do ông sáng lập, Electro Research và Electron Kinetics, đã cho ra những thiết bị cực kỳ ấn tượng mà cho đến nay vẫn được giới chơi audio săn lùng. Trên thực tế, một số vẫn được sản xuất dưới dạng được chỉnh sửa lại. Đầu những năm 80, Electro Research đã nghiên cứu và phát triển một bộ cấp nguồn kiêm preamp cực kỳ khổng lồ cho cartridge strain gauge của Panasonic tên là EK-1. Thiết bị có phần vỏ máy làm từ thép không rỉ dày 6.35mm với giá trị lên đến 4000 đô la, cộng với 4000 đô la tiền cartridge nữa và tất cả đều là mệnh giá năm 1982. Iverson cho biết giá trị như vậy là vì EK-1 được làm ở Singapore. Nếu như được sản xuất ở Mỹ, giá của nó có thể lên đến 20 nghìn đô la.
Ở thời điểm hiện tại, cartridge strain gauge của Panasonic là thiết bị cơ bản cho hệ thống của Dave Slagle và Jeffrey Jackson, hay còn được biết đến với cái tên Emia. Dave và Jeffrey đã kết hợp công nghệ cổ điển với một chút ứng dụng hiện đại khá thú vị. Những gì họ làm được với cartridge Panasonic thực sự rất ấn tượng.
Hệ thống Emia
Quay về thời điểm giữa thập niên 70, Win Labs cũng tự thiết kế cartridge strain gauge riêng. Đại diện của thương hiệu, tiến sĩ Sao Win cho đến nay vẫn xuất hiện ở khắp nơi, xử lý các cartridge SDT-10 cũng như các phiên bản về sau này. SDT-10 được biết đến với mức giá thuộc phân khúc cao cấp, đôi lúc còn được nâng cấp với mạch nguồn sử dụng bóng đèn. Sao Win cũng thiết kế những mẫu tay cơ và mâm đĩa than rất đắt tiền, có thể thu hút bất cứ tín đồ đĩa than nào.
Mâm đĩa than và tay cơ SDC-10 của Win Labs
Emia và những hệ thống vẫn dựa trên nền tảng cartridge strain gauge của Panasonic. Ngày nay, thương hiệu duy nhất thiết kế cartridge strain gauge từ những chi tiết đầu tiên là Soundsmith. Bất cứ ai khi trải nghiệm chất lượng cartridge Soundsmith cũng đều công nhận rằng đây là thứ có chất âm ấm áp gần với băng cối nhất.
(Hết kỳ 8)
Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 1)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 2)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 3)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 4)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 5)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 6)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 7)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 9)
Muôn vẻ những cách đọc đĩa than (phần 10)
Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây
Master Horn – Kiệt tác từ Viva Audio
Nguyễn Hào