Những bộ cơ mâm đĩa than thường gặp hiện nay |TapChiHiFi TV 86

Khi hệ thống stereo ra đời lần đầu vào năm 1958, mâm đĩa than khi ấy hầu hết đều có tính năng đổi đĩa tự động. Người dùng chỉ cần xếp đĩa thành chồng, đặt vào giá đĩa và máy sẽ thay đĩa mới vào sau khi đĩa cũ đã chạy hết. Một đĩa vinyl thông thường có thời lượng 20-25 phút một mặt, cho nên lắp 4-5 đĩa để chạy khoảng 1-2 tiếng liên tục là điều khá bình thường, thậm chí rất tiện cho người sử dụng.

Những mâm đĩa than ấy cần có mô men xoắn thật lớn để có thể quay mâm với tốc độ chuẩn xác bởi mâm xoay khá nặng khi đã chứa vài đĩa ở phía trên. Để làm điều này, các kỹ sư sử dụng bộ cơ có mô men xoắn lớn, dùng bánh xoay idler. Bánh xoay idler là một bánh xoay nhỏ, đường kính khoảng 4cm, được lắp ở vành trong mâm xoay, gắn trực tiếp với motor và khi quay, vì mô men xoắn lớn nên có thể dễ dàng đạt tốc độ 16 2/3, 33 1/3, 45 hoặc 78 vòng/phút. Hệ thống bánh xoay idler khá đơn giản, hiệu quả và dễ sử dụng nên tất cả các mâm đĩa than phổ thông khi ấy đều sử dụng loại bộ cơ này.

mam dia than

Loại bộ cơ này có hai nhược điểm: Thứ nhất, sau một thời gian dài sử dụng, bánh xoay idler sẽ bị mài mòn và xuất hiện những điểm “phẳng”, tạo ra những tiếng “thùm, thùm” khá nhỏ. Dù vậy, thay bánh xoay idler rất dễ và rất rẻ nên đây có thể xem như là bệnh nhẹ. Nhược điểm thứ hai, nghiêm trọng hơn, là việc rung chấn từ motor sẽ tác động đến chất âm của bản nhạc vì bánh xoay idler được lắp trực tiếp vào motor. Nhiễu ồn từ motor tạo ra một thứ âm trầm cực nhỏ gọi là rumble, không chỉ tiêu hao năng lượng của ampli vì để tái tạo những tiếng trầm ấy cần một nguồn năng lượng cực lớn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người nghe.

Tuy nhiên, chỉ những người nghe bình thường mới xếp chồng đĩa than lên để chơi tự động như vậy. Audiophile không thích điều này vì họ cho rằng làm thế có thể gây xước, hỏng rãnh đĩa. Do đó, họ không cần dùng đến những mâm đĩa than có mô men xoắn lớn mà phải là loại chơi từng đĩa một, có độ yên tĩnh, và nhất là không gây ra hiện tượng rumble, do đó các bộ cơ dùng bánh xoay idler không đáp ứng được yêu cầu này.

dau dia than dep

Có một cách khác yên tĩnh hơn bánh xoay idler, đó là dùng dây cu-roa để xoay mâm. Vào thập niên 60, Acoustic Research cho ra mắt một loại mâm đĩa than khá đơn giản, giá thành không cao, sử dụng dây cu-roa và chỉ có thể lắp một đĩa vinyl khi chơi. Mâm đĩa than này tên là AR Turntable và bán được hàng triệu chiếc. Hàng triệu chiếc chứ không phải chỉ vài trăm hay vài ngàn bởi các ưu điểm như độ tĩnh và không có rumble đã chứng tỏ mâm đĩa than này vượt trội hơn nhiều so với mâm đĩa than thay đĩa tự động lúc bấy giờ.

AR Turntable và các mâm đĩa than học tập theo nó sử dụng dây cu-roa bằng cao su, nối giữa một trục được lắp vào motor và phần trục dưới của mâm xoay. Đặc tính loại bỏ rung động của dây cu-roa đảm bảo rằng mâm đĩa than sẽ hoạt động yên tĩnh hơn so với những mâm đĩa than dùng bánh xoay idler. Sự đơn giản cùng tính hiệu quả chính là lý do mâm đĩa than dùng dây cu-roa rất được ưa chuộng ở giai đoạn ấy.

Thế nhưng, mâm đĩa than dùng dây cu-roa vẫn có hai nhược điểm chính. Thứ nhất, dây cu-roa bằng cao su nên sẽ bị giãn sau một thời gian sử dụng, khiến tốc độ của mâm xoay không còn chính xác nữa. Cũng như thay bánh xoay idler, thay dây cu-roa khá nhanh và rẻ. Nhược điểm thứ hai có lẽ là vấn đề đối với những ai mới chuyển từ mâm đĩa than dùng bánh xoay idler sang dùng dây cu-roa, đó là không thể chứa 4-5 đĩa cùng lúc vì mâm đĩa than dùng dây cu-roa có mô men xoắn thấp hơn nhiều. Thế nhưng, như đã nói ở trên, mâm đĩa than dùng dây cu-roa vốn không phải để chơi nhiều đĩa cùng lúc như vậy mà chỉ để lắp từng chiếc vào.

mam dia than dung day cu-roa dep

Đến năm 1972, Panasonic bắt đầu giới thiệu mâm đĩa mới: Technics 1200 và thiết bị sử dụng một bộ cơ có cái tên khá lạ: Direct Drive.

Sở dĩ bộ cơ của những mâm đĩa than Technics 1200 do Panasonic sản xuất gọi là Direct Drive bởi mâm xoay được đặt trực tiếp trên motor, kiểm soát tốc độ bằng một hệ thống kiểm soát dùng tinh thể thạch anh. Do đó, mâm đĩa than có thể quay chuẩn xác ở tốc độ 33 1/3 hoặc 45 vòng / phút. Thực tế, motor của mâm đĩa than dùng bộ cơ Direct Drive quay chậm hơn các motor của mâm đĩa than dùng dây cu-roa hay bánh xe idler, và vì thế chúng cũng yên tĩnh hơn, ít rung chấn hơn.

Ưu điểm lớn nhất của bộ cơ Direct Drive là không yêu cầu người dùng thay thế bánh xoay idler hay dây cu-roa nên gần như không cần phải bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Độ chính xác của tốc độ quay cũng là điểm mạnh của thiết bị này. Ngoài ra, mâm đĩa than Direct Drive hoạt động cũng khá yên lặng, nhiễu ồn vẫn tồn tại nhưng ở mức cực kỳ thấp. Nhược điểm duy nhất của Direct Drive là do mâm xoay được lắp trực tiếp vào motor nên bất cứ nhiễu ồn hay rung động nào từ motor sinh ra cũng sẽ tác động đến mâm xoay.

Hiện nay, những người yêu thích mâm đĩa than vẫn đang bàn cãi về ưu, nhược điểm của cả hai loại bộ cơ Direct Drive và dùng dây cu-roa. Những người ủng hộ mâm đĩa than dùng dây cu-roa cho rằng đặc tính cách âm, chống rung chấn của đai cao su đã khiến thiết bị này có chất âm xuất sắc hơn hẳn so với bộ cơ Direct Drive. Họ cũng cho rằng rung chấn và nhiễu sinh ra từ động cơ của bộ cơ Direct Drive có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất âm hơn rung chấn sinh ra từ động cơ dùng dây cu-roa. Những người chuộng bộ cơ Direct Drive thì phản bác lại, cho rằng nhiễu và rung chấn nào thì cũng gần giống như nhau, và thực tế đã cho thấy bộ cơ Direct Drive ghi điểm rất lớn nhờ tốc độ chuẩn xác cùng độ bền của mình.

Tapchihifi TV