Tapchihifi TV rất vui được gặp lại quý vị và các bạn. Kể từ khi các rạp hát tại gia ra đời, chất lượng của âm thanh từ TV đã được chú trọng và quan tâm hơn, từ đó có thể đem lại những trải nghiệm tốt hơn. Bên cạnh các hệ thống loa truyền thống, soundbar là một lựa chọn khác, rất tiết kiệm và đáng tin cậy để nâng cấp trải nghiệm âm thanh từ TV. Với kích thước nhỏ gọn, nhẹ nhàng, cùng một chất âm vượt trội hơn hẳn so với những gì mà TV đem lại, chắc chắn soundbar sẽ là một lựa chọn mà tín đồ âm thanh sẽ cân nhắc khi nâng cấp cho TV của mình. Vậy, đâu là những tiêu chí để lựa chọn được một loa soundbar ưng ý?
Chủ động hoặc thụ động
Điều đầu tiên người dùng cần cân nhắc là việc tìm kiếm một loa soundbar chủ động hay thụ động. Soundbar chủ động giống như một hệ thống âm thanh tích hợp tất cả trong một, với loa, mạch khuếch đại và mạch xử lý tín hiệu cùng nằm bên trong một cỗ máy.
Việc duy nhất cần làm chỉ là kết nối loa với nguồn phát, ngoài ra không phải thêm bất cứ thứ gì khác, có lẽ trừ loa subwoofer trong trường hợp cần thể hiện dải trầm thật tốt ra. Lợi thế lớn nhất của loa soundbar chủ động là rất gọn gàng, dễ lắp đặt, khiến cho loại loa này trở nên cực kỳ phổ biến trên thị trường.
Loa soundbar thụ động ngược lại, giống như loa thụ động truyền thống. Chúng sẽ cần có ampli hoặc receiver kết nối, đồng thời cũng chẳng được trang bị bất cứ mạch xử lý tín hiệu digital nào. Ưu điểm của chúng là người sử dụng có thể tùy chỉnh chất âm thông qua các thiết bị phối ghép cùng. Ngoài ra, việc không có mạch xử lý tín hiệu digital và mạch khuếch đại cũng khiến chất âm của loa soundbar tự nhiên hơn. Thế nhưng, điều đó cũng dẫn đến nhược điểm cực kỳ lớn, đó là đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống phức tạp hơn, tốn kém hơn và chiếm nhiều diện tích hơn.
Số lượng kênh
Khi lựa chọn soundbar, người mua cần đặt câu hỏi: Liệu họ có thỏa mãn chỉ với âm thanh stereo từ tất cả các nguồn phát không, hay họ muốn một loa soundbar có thể đem lại trải nghiệm đa kênh? Số lượng kênh sẽ ảnh hưởng lớn đến giá trị của loa.
Những loa soundbar giá rẻ thường chỉ có hai kênh tiếng trái / phải, là lựa chọn cơ bản nhất thay thế cho loa TV. Tiếp theo là những loa soundbar 2.1, với các kênh trái, phải và giữa. Thiết kế này thường xuất hiện phổ biến ở những loa soundbar thụ động hơn là chủ động. Cuối cùng là những loa soundbar cao cấp, với thiết kế số lượng kênh đường tiếng rất nhiều, từ năm kênh cho đến 11 kênh để có thể tái hiện hoàn chỉnh âm thanh đa kênh, thậm chí hỗ trợ cả những công nghệ phức tạp như Dolby Atmos hoặc DTS:X. Loại soundbar này thường được trang bị DSP, công nghệ cân chỉnh phòng nghe để có thể đem đến trải nghiệm đa kênh ấn tượng, vượt trội so với những gì mà các soundbar hai hoặc ba kênh mang lại.
Tuy nhiên, hiếm có mẫu loa soundbar nào có khả năng đem đến trải nghiệm đa kênh giống như hệ thống loa rời được. Những ai đề cao chất lượng âm thanh có thể sẽ muốn lựa chọn một loa soundbar 2.1 thụ động, kết hợp với các loa surround rời và AV receiver để đem đến trải nghiệm tốt hơn. Ngoài ra, họ còn có một lựa chọn khác là tìm những bộ loa gồm soundbar, subwoofer và loa vệ tinh.
Subwoofer đi kèm
Hầu hết các trường hợp lựa chọn loa soundbar để nâng cấp âm thanh cho TV đều sẽ chọn loại có subwoofer đi kèm. Thiết kế nhỏ gọn, tập trung vào thẩm mỹ của loa soundbar rất khó để có thể tạo ra được những dải trầm hay dải trung quãng thấp tốt.
Do đó, hiện nay những hệ thống soundbar – subwoofer kết hợp với nhau không còn là điều quá kỳ lạ nữa. Suy cho cùng, để tái tạo những hiệu ứng âm thanh phức tạp, tiêu hao nhiều năng lượng nhất, người dùng bắt buộc phải dùng đến loa subwoofer.
Kết nối không dây
Kết nối không dây dành cho loa soundbar có hai loại, một là Bluetooth và hai là Wi-Fi. Nếu như Bluetooth là phương pháp đơn giản nhất để stream nhạc từ thiết bị ngoại vi như máy tính, điện thoại đến loa thì Wi-Fi là cách tốt nhất để xây dựng nên các hệ thống âm thanh đa phòng, đồng thời stream nhạc từ các nền tảng online như Spotify hay Tidal.
Trong trường hợp hệ thống đa phòng hay khi sử dụng một bộ hoàn chỉnh gồm loa soundbar, subwoofer và loa vệ tinh của cùng một hãng, việc kết nối không dây cũng giúp kiểm soát các loa dễ dàng hơn chỉ cần thông qua một app điện thoại
Các kết nối vật lý
Đối với hầu hết mọi trường hợp, người dùng chỉ cần một sợi dây để kết nối soundbar với TV. Hầu hết các loa soundbar sẽ dựa vào kết nối optical.
Tuy nhiên hiện nay, kết nối HDMI được ưa chuộng hơn hẳn. Giao tiếp HDMI hỗ trợ nhiều định dạng âm thanh hơn optical, do đó người dùng sẽ tận dụng được các định dạng cao cấp hơn, như Dolby Atmos, Dolby Digital Plus hay DTS:X, từ đó trải nghiệm âm thanh cũng sẽ tốt hơn. Để làm được điều này, TV và loa soundbar bắt buộc phải có cổng HDMI ARC.
Trên đây là một vài tiêu chí mà người mua cần tìm hiểu trước khi lựa chọn loa soundbar. Hi vọng rằng với những gợi ý vừa rồi, quý vị và các bạn sẽ tìm được một loa soundbar ưng ý để nâng cấp cho âm thanh từ TV nhà mình.
Tapchihifi TV