Những loại rung chấn cần xử lý trong hệ thống âm thanh | TapChiHiFi TV 99

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình của Tapchihifi TV. Rung chấn là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến các thiết bị audio hi-end với mức độ ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Do đó, việc giảm thiểu, loại bỏ tác động của rung chấn có thể cải thiện đáng kể đến chất lượng của các màn trình diễn từ bất cứ hệ thống nào. Cũng vì lý do này, khi nói đến phụ kiện âm thanh, có đến quá nửa trong số đó vốn là để kiểm soát rung chấn.

Những ai đã từng chú ý đến các thiết bị audio chắc hẳn cũng sẽ gặp không ít các biên pháp chống rung chấn khác nhau. Từ những chân đế bằng, mềm, mang tính đàn hồi, chân loa nhọn, chân cách li hình nón cho đến hệ treo motor cho mâm đĩa than, vòng giảm chấn cho bóng đèn điện tử…, đo chỉ là một vài cách trong vô số phương pháp nhà sản xuất sử dụng để đối phó với vấn đề rung chấn. Trong video ngày hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu qua về cơ chế của rung chấn cũng như một số biện pháp chống rung chấn cụ thể.

 Hiện tượng rung chấn thực chất là sản phẩm phụ của âm thanh. Những cặp loa tạo ra âm thanh bằng cách chuyển động màng loa, từ đó tạo ra hiện tượng nén khí và đẩy khối không khí ở phía trước driver. Khi màng nhĩ cảm nhận được sự chuyển động không khí, nó cũng sẽ rung theo, tạo thành các xung điện từ gửi đến não bộ, và sau quá trình dịch mã, các xung điện từ ấy sẽ trở thành âm thanh mà ta cảm nhận được

Khối không khí chuyển động không chỉ tác động đến màng nhĩ mà còn với tất cả các vật thể mà chúng gặp phải. Nếu như biên độ dao động đủ lớn, rung chấn bên trong vật thể sẽ diễn ra, từ đó tạo thành hiện tượng suy giảm âm thanh có thể nghe thấy được.

Các trường hợp rung chấn thường gặp có hai loại, đó là Rung chấn đi qua cấu trúc và Rung chấn đi qua không khí. Rung chấn đi qua cấu trúc sẽ xâm nhập vào thiết bị thông qua kệ đỡ hoặc nền đặt thiết bị. Rung chấn đi qua không khí là sản phẩm của các luồng không khí dao động được tạo ra bởi các loa, làm rung động thùng loa và các thiết bị khác. Do có hai loại rung chấn khác nhau nên phương thức kiểm soát chúng cũng sẽ khác nhau.

Rung chấn đi qua không khí

Như đã nói ở trên, màng loa tạo ra âm thanh bằng cách chuyển động không khí. Không khí trong phòng tạo ra rung chấn và cộng hưởng bên trong vỏ thiết bị, bảng mạch cũng như các chi tiết, linh kiện đơn lẻ. Những rung chấn này gây ra những biến dạng tín hiệu khác nhau, từ đó làm mất đi chất âm thực sự mà hệ thống tạo ra. Từ lâu, audiophile đã chú ý đến sự nhạy cảm của bóng đèn điện tử và các thiết bị sử dụng đèn trước hiện tượng rung chấn. Ở bóng đèn, hiện tượng được gọi là nhiễu vi âm. Chỉ cần tác động rất nhỏ đến lớp vỏ bóng hay trên khung thân của những thiết bị nhạy cảm, lập tức chúng ta có thể nghe thấy âm thanh phát ra từ loa.

Không chỉ bóng đèn, các linh kiện bán dẫn cũng như các thiết bị thụ động đều nhạy cảm với rung chấn. Các loại linh kiện đều khá nhạy cảm đối với rung chấn, ít nhất ở một mức độ nào đó. Ngày nay, chúng ta thấy các kỹ sư thiết kế ngày càng quan tâm đến vấn đề này khi thiết kế những sản phẩm mới. Giảm chấn cho khung thân, tăng cường độ vững chắc cũng như tính nhất quán cho cấu trúc của từng thiết bị, từng linh kiện đều là việc không thể bỏ qua.

Bên cạnh đó, vị trí đặt thiết bị cũng tác động không nhỏ đến việc giảm thiểu méo tiếng không mong muốn do rung chấn đi qua không khí tạo ra. Những nơi có áp lực không khí mạnh nhất, tức tiếng cũng to nhất, là những nơi không nên đặt các thiết bị nhạy cảm, đặc biệt là đầu CD và mâm đĩa than. Do đó, lý tưởng nhất là đặt các thiết bị này cách xa loa một khoảng hợp lý. Việc điều chỉnh vị trí đặt thiết bị là điều rất dễ dàng, thế nhưng không phải ai cũng chú ý đến điều này. Bên cạnh đó, cần đảm bảo rằng bề mặt nơi đặt thiết bị bằng phẳng và không tạo ra cộng hưởng, bởi những vị trí này rất dễ xuất hiện loại rung chấn thứ hai, đó là…

Rung chấn đi qua cấu trúc.

Rung chấn đi qua cấu trúc cũng tác động đến thiết bị theo cách giống như rung chấn đi qua không khí thực hiện. Các rung chấn này gây ra méo tiếng cũng như biến dạng tín hiệu, khiến âm thanh cảm nhận được không giống như trước, từ đó âm hình không được trung thực, đồng thời độ chi tiết cũng bị kém đi khá nhiều. May mắn thay, phương pháp kiểm soát rung chấn đi qua cấu trúc có phần dễ thực hiện hơn các phương pháp dành cho rung chấn đi qua không khí. Những gì chúng ta cần làm chỉ là cách ly thiết bị khỏi bề mặt mà chúng được đặt lên. Mặc dù việc loại bỏ rung chấn hoàn toàn là điều bất khả thi, việc cách ly thiết bị vẫn giảm rung chấn đáng kể ngay cả khi chỉ sử dụng những phương tiện, công cụ dễ làm và dễ kiếm.

Một vài loại phụ kiện chống rung chấn thường được sử dụng

Dựa vào cách thức hoạt động của phụ kiện, người ta sẽ chia các phụ kiện kiểm soát rung chấn và cách li làm ba loại, đó là nối ghép, tách rời và chuyển đổi năng lượng.

Các phụ kiện nối ghép thường dùng để cố định thiết bị vào bề mặt nơi thiết bị được đặt lên. Trong số này có thể kể đến những chân đinh, chân đế dạng nón và những thứ tương tự như vậy. Lý thuyết của những phụ kiện này là giảm diện tích tiếp xúc, hoạt động giống như một diode cơ học, chỉ cho phép rung chấn chạy xung quanh chứ không vào thẳng thiết bị. Ngày nay, các chân đế dạng nón được làm bằng vật liệu mới như nhựa tổng hợp, gốm hay sợi carbon đang tỏ ra ưu việt hơn so với chân đế dạng nón bằng kim loại.

Các phụ kiện tách rời, ngược lại, hoạt động theo cơ chế cách li thiết bị khỏi bề mặt tiếp xúc. Chúng thường được làm bằng các vật liệu mềm, có độ đàn hồi tốt. Hầu hết audiophile đều quen với những chân đế mềm có chức năng tách rời. Với đặc tính dẻo dai, mềm như cao su, các chân đế này không ngăn chặn rung chấn xâm nhập vào mà ngược, hút chúng và chuyển thành nhiệt, tiêu tán chúng ra xung quanh. Ngày nay, các chân đế loại này phổ biến nhất là Vibrapod, Cách li bằng từ tính cũng là một hình thức sử dụng cơ chế tách rời, và Clearaudio khá nổi tiếng với loại hình này nhờ vào chân đề Magix.

Các phụ kiện chuyển đổi năng lượng có tác dụng chuyển năng lượng của rung chấn thành nhiệt. Dù rằng những phụ kiện tách rời làm bằng vật liệu mềm cũng có khả năng tương tự, trên thị trường vẫn xuất hiện không ít các phụ kiện chống rung chấn chuyển đổi năng lượng không làm từ vật liệu đàn nhớt. Nổi tiếng trong số đó có Stillpoints, với những thiết bị khá ấn tượng như chân đế cách li Ultra có khả năng cải thiện chất âm đáng kể.

 Với những thông tin vừa rồi, hi vọng độc giả sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về rung chấn cũng như hiểu hơn về tầm quan trọng của các phụ kiện chống rung chấn.

Tapchihifi TV