Những thương hiệu tiên phong trong lịch sử hi-fi: Pioneer (phần 3)

Những năm 70 là những năm đầy biến động của thế giới âm thanh. Ở thời điểm này Pioneer đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng, tác động đến tương lai của công ty sau này.

Cùng với một số thương hiệu khác từ Nhật Bản, Pioneer mạnh dạn tiến những bước đầu tiên vào lĩnh vực home video từ năm 1972, thời điểm điện ảnh đã bắt đầu có ảnh hưởng khá sâu rộng loại hình giải trí này vẫn còn trong giai đoạn manh nha. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, Chủ tịch tập đoàn Ishizuka và Chủ tịch Hội đồng quản trị Matsumoto cùng đồng ý với nhau rằng họ đã bị đối phương bỏ lại quá xa ở mảng băng từ, giờ chỉ còn cách duy nhất là tập trung vào ý tưởng sử dụng đĩa quang, tái tạo lại hình ảnh từ những chùm tia laser.

dau cd pioneer

Cuộc đua công nghệ video càng kéo dài bao nhiêu, người ta nhận ra rằng các thiết bị chạy đĩa của Pioneer càng có khả năng thất bại hoặc thành công trong sự cô lập bấy nhiêu, bởi lẽ không có bất cứ thương hiệu đối thủ nào đi theo công nghệ dùng đĩa laser của Pioneer cả. Thời điểm ấy họ có hai lựa chọn, hoăc dùng băng từ, hoặc dùng đĩa chạy bằng kim giống như Phonograph vậy. Cứ mỗi năm đi qua, nguy cơ mạo hiểm của Pioneer ngày càng tăng lên. Nếu như họ có thể tạo ra một máy đọc đĩa laser rẻ, hoạt động ổn định thì đó sẽ là một thành công cực kỳ to lớn. Trong mắt các nhà quan sát lúc bấy giờ, công ty dường như đang đứng trên bờ vực.

Tuy nhiên, cũng giống như cái tên của mình, Pioneer luôn đi tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển những công nghệ mà chưa ai từng làm. Năm 1978, hãng đã chính thức công bố máy đọc đĩa quang bằng laser đầu tiên và chỉ ba năm sau, phiên bản dân dụng đã được tung ra thị trường. Dù cho đĩa laser đã được ra mắt, Pioneer vẫn xếp sau các đối thủ cạnh tranh về mặt kinh tế hàng năm trời. Lấy một ví dụ như JVC (Victor Company of Japan), họ đã chứng kiến doanh thu của máy ghi âm videocassette từ 36 triệu đô la năm 1976 lên 1.4 tỉ năm 1981. Khi ấy Pioneer chỉ mới chập chững bước vào thị trường. Thế nhưng, doanh số của đĩa laser không được khả quan cho lắm. Cỗ máy của Pioneer vẫn còn vài nhược điểm. Thứ nhất, máy chạy đĩa laser đắt hơn nhiều so với đầu đọc băng từ VCR, đĩa đọc cũng là để bán chứ không được cho thuê, khiến chúng trở nên khá đắt đỏ. Bản thân chúng cũng chẳng thể ghi đè lên hoặc thu hình lại ở nhà.

dia laserdisc

Bất chấp những vấn đề kể trên, Pioneer vẫn gắn bó trung thành với đĩa laser, tự đặt nhiệm vụ là “Không để cho LaserDisc trở thành một thất bại”. Công ty đã rót một lượng tiền không lồ vào phát triển các chương trình, nội dung cho đĩa giai đoạn đầu thập niên 1980. Thế nhưng lúc này đồng đô la bị mất giá, kéo theo doanh thu của ngành audio (Pioneer cũng đóng góp một phần rất lớn trong đó) bị suy giảm nghiêm trọng. Kết quả là, năm 1982, lần đầu tiên sau 44 năm kể từ khi được thành lập, Pioneer đã bắt đầu biết thua lỗ là gì.

Vận đen vẫn chưa dừng lại ở đây. Tháng Tư năm 1982, chủ tịch Ishizuka qua đời, để lại một Pioneer còn đang trong cơn hỗn loạn, không người chèo lái. Đây chính là giai đoạn khó khăn nhất của công ty. Vì Nozomu Matsumoto cảm thấy rằng ông không đủ khả năng để tiếp tục kiểm soát công ty, Seiya Matsumoto bắt buộc phải lên thay thế, trong khi Kanya trở thành người đứng vị trí số hai trong công ty. Cả hai anh em đều phải đối mặt tình huống phức tạp chưa từng xảy ra trước đó. Với sự suy thoái tiếp tục kéo dài và sự thờ của người tiêu dùng đối với công nghệ đĩa laser, tình hình của Pioneer dù là trước mắt hay về lâu dài cũng đều không được đảm bảo.

vintage pioneer laserdisc player

Trong khoảng thời gian đầu thập niên 1980, Pioneer sản xuất khá nhiều thiết bị không chỉ phục vụ cho audiophile mà còn cho cả đời sống sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như máy trả lời tự động cho điện thoại, máy đọc chính tả, các thiết bị cho truyền hình cáp và trong năm 1982 còn cả một chiếc đầu CD. Năm 1983, họ cho ra mắt Laser-Karaoke, một thiết bị cho phép người dùng tự tạo ra những video ca nhạc ngay tại nhà, và cũng trong năm ấy, Pioneer bắt đầu marketing đầu đĩa CD cho xe hơi. Sự kết hợp giữa những thay đổi này cùng khả năng lãnh đạo của Seiya Matsumoto đã giúp Pioneer phần nào hồi phục lại được công việc kinh doanh trong hai năm 1983 và 1984. Thế nhưng chỉ một năm sau, một đợt khủng hoảng khác lại diễn ra, một lần nữa doanh thu của đĩa laser lại làm ảnh hưởng đến tương lai của công ty. Pioneer đặt cược hết cho công nghệ này, thế nhưng sau 10 năm sản xuất và marketing, kết quả vẫn chẳng có dấu hiệu nào tươi sáng cả.

Dù vậy, bước sang giai đoạn cuối những năm 80, đầu những năm 90, thị trường đĩa laser bắt đầu có dấu hiệu cải thiện do giá thành máy đọc đĩa giảm và một loạt các bộ phim bắt đầu được đưa lên định dạng đĩa này. CLD-100, đầu CD của Pioneer năm 1989 có giá thành khá khiêm tốn và chơi được CD cũng như VCD. Trong năm 1989, doanh số của thiết bị này đã đạt tới mức 120 nghìn thiết bị, một con số mà ngay cả ngày nay vẫn cứ là đáng nể. Thành công này khiến Pioneer tự tin hơn, bám trụ đến cùng với công nghệ laser. Cũng cùng năm ấy họ bỏ ra 200 triệu đô la để mua lại DiscoVision Associates, một cơ sở hàng đầu chuyên nghiên cứu về đĩa quang.

vintage pioneer laserdisc player 1

(Hết kỳ 3)

Những thương hiệu tiên phong trong lịch sử hi-fi: Pioneer (phần 1)

Những thương hiệu tiên phong trong lịch sử hi-fi: Pioneer (phần 2)

Những thương hiệu tiên phong trong lịch sử hi-fi: Pioneer (phần 4)
Bạn có thể tham khảo sản phẩm khác tại đây

Lịch sử hình thành thương hiệu Tannoy

Nguyễn Hào